Ngân sách bị cắt giảm đột ngột, TP.HCM trở tay không kịp
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:55, 22/10/2016
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói bản thân bà là chủ tịch HĐND TP.HCM sẽ không biết phải phân bổ ngân sách 2017 như thế nào vì TP đã cắt giảm chi tiêu rất nhiều, không còn chỗ để cắt giảm nữa.
TP không chịu nổi
Bà Tâm nói chưa bao giờ TP “bàn lùi” trước những chỉ tiêu của trung ương giao. Thực tế có những chỉ tiêu như thu nội địa, thu xuất nhập khẩu năm 2016 là rất cao, nhưng khi Chính phủ và Quốc hội đã quyết thì TP đều ngồi lại đểtìm phương án. “Nhưng đừng vì thế mà dồn mức độ quá khó cho TP.HCM” -bà Tâm nói.
Lý do theo bà Tâm là hạ tầng của TP.HCM hiện đang quá bức bối, với nguồn vốn yêu cầu phải đầu tư trên 500 ngàn tỉ đồng. Việc đầu tư này là không chỉ cho TP mà tác động đến vùng rất lớn.
Đồng thời khi trung ương cắt giảm ngân sách thì TP cũng không thể giảm chi thường xuyên vì thực tế TP đã giảm chi thường xuyên tối đa.
“Xe thì đa số là xe cũ, đồng chí này nghỉ hưu thì để lại cho đồng chí khác dùng, không có chuyện nhậm chức là mua xe mới” -Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Vì thế theo bà Tâm, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng, mà điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội.
Mỗi năm hàng trăm ngàn sinh viên về TP.HCM nhập học, riêng các khu công nghiệp, khu chế xuấtđã có hơn 250.000 người, chưa kể là lao động vãng lai. Mỗi năm xây thêm gần 15.000phòng học nhưng vẫn thiếu, 50 học sinh/ lớp là chuyện thường. Tất cả đang tạo áp lực xã hội lớn đến TP.HCM.
Cắt giảm ngân sách như vậy thì đầu tư cho an sinh xã hội giảm, người dân sẽ không an tâm đầu tư, sinh sống...
“TP.HCM không thể nào mà chịu nổi. Giảm một cách đột ngột như vậy nền kinh tế trở tay không kịp. Chính phủ và Quốc hội cần phải xem xét” -bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Bà Tâm đề nghị, chỉ giảm 2% (từ 23% xuống 21%) tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại.
TP.HCM rất hiểu nghĩa vụ là phải chia sẻ nhưng ngược lại Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện cho TP phát triển” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Có phù hợp với nghị quyết của Bộ Chính trị?
Tại buổi thảo luận, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đề nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM thống nhất có văn bản kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ... về việc thay đổi tỷ lệ giữ lại ngân sách của TP.HCM trong giai đoạn 2017 -2020.
Dừng lại ít phút, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đọc một đoạn trong nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, trong đó có nêu từ năm 2015 sẽ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM. Nghị quyết này ra đời khi TP.HCM đang được giữ lại 23% thu ngân sách. Do đó, theo bà Tâm việc giảm tiếp 5% số ngân sách được giữ lại là điều chưa phù hợp với tinh thần của nghị quyết.
Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Đinh La Thăng -Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nói: “Trụ sở làm việc của TP.HCM có thể nói là rất kém, trụ sở ủy ban thì có từ thời Pháp, trụ sở thành ủy thì cơi nới. Vừa rồi có đoàn của Bộ Kế hoạch - Đầu tưvào làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư,họ ngạc nhiên vì trụ sở của Sở này kém như vậy!”.
Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thì ùn tắc giao thông, ngập nước cũng chưa có đủ tiền để trang trải dù dân rất khổ. Sân bay Tân Sơn Nhất thì kẹt cả dưới đất, trên trời lẫn bên ngoài sân bay...
Ông Đinh La Thăng cho biết Thường vụ Thành ủy cũng đã bàn bạc và thấy mức giảm 2% tỷ lệ ngân sách mà TP được giữ lại là phù hợp và sẽ có kiến nghị.
Viễn Sự/Tuổi Trẻ