Khổ như… trúng số

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:54, 22/10/2016

Trưa 22.10, trong dịp tình cờ gặp lại Huỳnh Thanh Dũng (48 tuổi), ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An, “chủ nhân” của 10 tờ vé số vừa trúng đặc biệt và trúng an ủi gần 8 tỉ đồng vào ngày 28.1.2014, anh cười rồi lắc đầu ngao ngán: “Khổ lắm”.

Anh nói: “Mình trúng số mà sau đó mình với vợ phải đi trốn biệt tăm như bị công an đang truy nã vậy. Không biết từ đâu mà dân ăn xin, giả bệnh tật mỗi ngày có tới 40- 50 người nằm, ngồi, leo hàng rào để xin được tiền suốt cả tuần lễ. Hết tết (trúng trước tết- PV) vẫn lai rai còn người tìm tới hoài, như tội phạm. Nhắc lại mà nổi da gà”.

Trước đó, do công việc làm ăn tiếp xúc thường xuyên với khách hàng nên vợ chồng anh luôn cởi mở, vui tính, thân thiện và hết lòng giúp những hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn. Còn ông Nguyễn Văn Đỏ (69 tuổi, còn gọi là Năm Đỏ) cách nhà anh chừng 400m, gia đình nghèo đi bán vé số dạo. Hôm nào trời mưa hoặc ngày vé số ế, địa chỉ thân quen của ông chính là anh Dũng, còn bao nhiêu chủ cơ sở gia công ôm hết.

Gần 16 giờ ngày 28.1.2014, ông Năm Đỏ đi từng bước mệt nhọc tới cửa nhà, lúc này anh Dũng đang đứng tưới cây cạnh hàng rào, nên ông đưa hết 10 tờ vé số kêu giúp giùm. Anh Dũng đồng ý rồi lấy tiền ra trả nhưng không hề để ý tờ vé đó là số mấy.

Điều không ngờ, 1 giờ sau, người bán bán vé số chạy tới thông báo anh đã trúng giải đặc biệt 5 tờ số 855514 mỗi tờ trị giá 1,5 tỉđồng, 5 tờ còn lại số 855513 trúng an ủi mỗi tờ 100 triệu đồng. Tiền trúng thưởng lên tới 8 tỉđồng (chưa trừ thuế). Lúc dò lại kết quả, anh Dũng mới biết mình gặp may vì “vé số biết tìm người”.

Nhưng cũng chính lúc nhận thưởng đem về gia đình gặp bao nhiêu phiền toái từ những vị khách không tìm mà “có mặt”. Số là mấy ngày sau, sáng 29 tết, chị Võ Thị Kim Yến (46 tuổi, vợ anh Dũng) điện cho UBND xã Nhị Thành (H.Thủ Thừa), UBND xã Nhựt Chánh (H.Bến Lức), UBND xã Mỹ Bình (H.Tân Trụ) ngỏ ý tặng 300 phần quà (mỗi nơi 100 phần), tổng cộng 150 triệu đồng, hỗ trợ thêm 10 triệu đồng cho dân phòng Cầu Voi ăn tết.

Và ngay ngày 30 tết, anh gởi tặng thêm đội dân phòng của ấp 6 triệu đồng ăn tết, bồi dưỡng 10 đội viên dân phòng mỗi cá nhân 1 triệu đồng…

Lúc đó, anh Dũng phải cắt cử người canh cửa

Thông tin chủ cơ sở trúng số làm từ thiệnkhông biết từ đâu lan rộng, vào ngay thời điểm tết, mỗi ngày có vài chục người thuê xe tìm tới nhà rồi ngồi tại cổng khóc lóc van xin, có kẻ bò lăn ra ngay cửa chính bùn đất lấm lem “đòi” cho bằng mỗi người 5 triệu đồng mới chịu về.

“Cho một lượt 40 người mỗi người 1 triệu đồng cũng hết 40 triệu đồng, 10 ngày cả nhóm như vậy đeo bám thì phải mất hết 400 triệu đồng. Nhưng điều khó chịu nhất là họ về kêu đám ăn xin khác tiếp tục xuất hiện”, anh Dũng nói. Tết đó, thế là vợ chồng anh không có mặt ở gia đình để cúng ông bà, thăm hỏi bà con mà chỉ có cách trốn và trốn càng lâu càng tốt.

Không chỉ có vậy, UBND xã Nhị Thành còn nhận được nhiều lá thư gửi qua đường chuyển phát nhanh của người dân ở nhiều tỉnh, thành khác gửi về. Những lá thư dù gửi cho chính quyền xã, nhưng bên ngoài bì thư lại ghi rát rõ nhờ chuyển cho vợ chồng Dũng - Cầu Voi để xin tiền hỗ trợ trị bệnh “dài hạn”.

“Nếu đúng là họ nghèo, bệnh tật thì anh Dũng sẵn sàng giúp đỡ đó là tình người, nhưng đằng này là một số đối tượng giả danh, số chăn dắt đưa trẻ em, người bệnh đến để kiếm tiền và chúng cũng mong được chia phần trong đó”, phía UBND xã cho biết như vậy.

Khi nghe thông tin 1 gia đình ở tỉnh Trà Vinh trúng số gấp gần 10 lần anh, cũng giống tình cảnh tương tự là… trốn chạy, anh Dũng lắc đầu: “Mình không hiểu tại sao họ lại lợi dụng tốt của người khác để xin kiểu “lạ đời”. Việc trúng số là gặp hên nên sử dụng sao cho đúng nghĩa của nó, và mình cũng không vung tiền một cách vô bổ cho nhóm người tạo vỏ ăn xin hợp pháp”, anh nói.

An Bình

Thanh Phong