Vì sao TP.HCM nhiều người bị nhiễm vi rút Zika?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:08, 21/10/2016
PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đã chia sẻ như vậy với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới xung quanh tình hình bệnh bệnh Zika đang bùng phát tại TP.HCM.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại TP.HCM, kể từ khi TP phát hiện ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên vào tháng 4.2016?
- TPHCM nói riêng, khu vực phía nam nói chung, lưu hành sốt xuất huyết (SXH) khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, chỉ số muỗi truyền bệnh SXH, Zika cao; giao lưu đi lại nhiều, quá trình đô thị hóa nhanh. Do đó việc phòng chống dịch SXH, Zika đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt.
Hệ thống giám sát Zika, dựa trên kinh nghiệm phòng chống SXH, tại khắp tất cả các bệnh viện quận/huyện và tại các bệnh viện lớn, đông bệnh nhân với 30 điểm trên khắp địa bàn thành phố. Ngành y tế TP tiếp tục mở rộng hệ thống giám sát thêm 15 điểm ra các phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để tăng khả năng phát hiện bệnh.
TP.HCM đã chủ động, thực hiện quyết liệt các hoạt động giám sát và can thiệp phòng chống dịch ngay từ đầu năm, đã phát động chiến dịch “người dân tự diệt loăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh dịch SXH, Zika” với sự tham gia của lãnh đạo TP và ký cam kết với chính quyền cơ sở trong phòng chống SXH, Zika; lãnh đạo Sở Y tế thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch của cơ sở. Xử lý chủ động các điểm nguy cơ, có mật độ muỗi cao. Xử lý triệt để lăng quăng và muỗi truyền bệnh tại khu vực nhà bệnh nhân, nơi bệnh nhân làm việc và các hộ dân khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Tổ chức phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh tại nơi có ca bệnh Zika. Tư vấn phụ nữ có kế hoạch có thai, khám phụ nữ mang thai có biểu hiện nghi ngờ Zika.
Để các biện pháp can thiệp và phòng chống có hiệu quả, sự hợp tác của người dân, cộng đồng cùng với ngành y tế, dưới sự chỉ đạo của hệ thống chính trị, chính quyền thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh đóng vai trò then chốt.
- Nói như thế có nghĩa TP.HCM thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika nhưng tại sao địa phương này lại liên tục xuất hiện bệnh nhân nhiễm vi rút Zika, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về dịch bệnh Zika?
- TP.HCM là nơi giao lưu đi lại nhiều, chiếm 40-60% khách quốc tế đến Việt Nam, cũng như khách các khu vực khác trong cả nước; là trung tâm kinh tế, du lịch của cả nước, đang đô thị hóa mạnh... Đó là nhưng cơ sở tạo điều kiện cho vi rút truyền bệnh SXH, Zika dễ dàng xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. TP.HCM có số ca nhiễm vi rút Zika cao hơn nhiều so với các địa phương khác là do vậy.
- Nếu nói việc lưu hành muỗi Aedes Aegypti-muỗi lây truyền vi rút Zika thì khu vực phía nam là nơi có loại muỗi này nhiều, nhất là các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Trong khi đó, hiện nay các tỉnh thành miền Tây chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika thì TP.HCM đã có đến 5 trường hợp. Ông nói gì về điều này?
- Trong số 66 điểm giám sát bệnh Zika tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, số điểm giám sát tại TP.HCM là 45 điểm, chiếm 68% số điểm giám sát toàn khu vực. Do đó việc phát hiện ca bệnh, khi chưa lây lan là khá tốt, hiệu quả. Trong thời gian qua hệ thống giám sát ở TP.HCM không chỉ phát hiện 5 trường hợp trên địa bàn, mà còn phát hiện 2 trường hợp từ các tỉnh khác (Bình Dương, Long An) về khám, điều trị. Với mạng lưới giám sát này, kết quả đã phản ánh được tình trạng các ca mắc bệnh rải rác trên địa bàn.
-Ông sẽ nói gì về công tác phòng chống dịch đối với ngành y tế TP.HCM để có thể ngăn chặn tình trạng dịch bệnh vi rút Zika tiếp tục lây lan?
- Cần dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà. Đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, súc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước xung quanh nhà; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào nước chân chén tủ.
Tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay. Đặc biệt với phụ nữ có kế hoạch mang thai trước 2 tháng và mang thai biện pháp này rất quan trọng.
Dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Ngoài ra bệnh có thể lây qua đường quan hệ tình dục, do vậy cũng cần phòng tránh bằng cách quan hệ tình dục an toàn.
Đối với phụ nữ mang thai ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp nêu trên thì cần chú ý thêm nếu sống trong vùng dịch hoặc có chồng/bạn tình đi/đến/ở vùng dịch thì nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ tình dục an toàn trong suốt thời gian mang thai.
Đối với vợ chồng dự định có thai cần hạn chế đi đến vùng dịch, nếu cần thiết đến vùng dịch phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống muỗi đốt và nên có thai sau thời gian 8 tuần với nữ và 6 tháng với nam kể từ khi ra khỏi vùng dịch. Trong suốt thời gian chờ mang thai, nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ tình dục an toàn. Vợ chồng cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa sản để được tư vấn và xét nghiệm (nếu cần) trước khi dự định có thai.
Chính quyền chỉ đạo cung cấp kinh phí, vật tư, nhân lực cho hoạt động giám sát và phòng chống dịch SXH, Zika; huy động hệ thống chính quyền, đặc biệt ở cơ sở, trong việc xử lý các nơi cộng cộng, các khu công nghiệp, để không có nơi cho loăng quăng, bọ gậy tồn tại, thì sẽ không còn SXH hay Zika. Sự phối hợp từ chính quyền địa phương cũng như sự hợp tác của người dân đóng vai trò then chốt trong việc phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh do vi rút Zika, SXH nói riêng.
Hồ Quang