Vì sao Nga không hứng thú với thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu?

Quốc tế - Ngày đăng : 07:06, 18/10/2016

Không chỉ những quan chức cao cấp nhất của Nga công khai phản đối một thỏa thuận chung về sản lượng của OPEC, mà lịch sử cũng như những điều kiện tự nhiên của xứ sở bạch dương đều có chung một mẫu số: Nga không hứng thú với bất cứ một thỏa thuận đóng băng hay cắt giảm sản lượng dầu nào.

Một thỏa thuận đóng băng và hướng tới cắt giảm sản lượng giữa các nước thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu lửa quốc tế (OPEC) vừa được xem là hoàn tất tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, mức cắt giảm sẽ vào khoảng 1,2-1,5 triệu thùng/ngày và có hiệu lực trong vòng 6 tháng từ giữa tháng 11 tới. Thỏa thuậnđược kỳ vọng sẽ vực dậy giá dầu trên thị trường thế giới trong một mức độ nhất định, ít nhất sẽ đạt mức trên 55 USD/thùng.

Thỏa thuận nàyđang tạo ra sự hào hứng nhất định không chỉ với OPEC mà còn với cả những nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC như Mexico, Na Uy và Azerbaijan – những nước được dự đoán sẽ tham gia thỏa thuận. Nhưng với Nga thì không. Không chỉ những quan chức cao cấp nhất của Nga công khai phản đối ý tưởng một thỏa thuận chung về cắt giảm sản lượng, mà lịch sử cũng như những điều kiện tự nhiên của xứ sở bạch dương đều có chung một mẫu số: Nga không hứng thú với bất cứ một thỏa thuận đóng băng và cắt giảm sản lượng dầu nào.

Ở thời điểm hiện tại, thái độ của Nga với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC tại Istanbul là khá mơ hồ. Chủ tịch tập đoàn Rosnefthiện đang có sản lượng khai thác dầu lớn nhất tại Nga là Igor Sechin đã tuyên bố công khai rằng ông không thích thú với đề xuất của OPEC. Khi được hỏi rằng liệu Rosneft có ý định cắt giảm mức sản lượng hiện chiếm tới hơn 40% tổng mức khai thác của Nga hay không, Sechin đã hỏi ngược lại: “Tại sao chúng ta nên làm điều đó?”. Vị CEO này còn tuyên bố Rosneft đang có kế hoạch mở rộng sản lượng khai thác hiện tại để chiếm thêm từ 2-3% nữa trong tổng sản lượng của Nga trong năm tới.

Điển hình nhất cho sự lập lờ của Nga là những phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin. Trong bài phát biểu vào ngày 10.10 vừa qua, ông Putin tuyên bố Nga sẽ xem xét việc đóng băng hoặc cắt giảm sản lượng như một cam kết tham gia thỏa thuận của OPEC tại Istanbul. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, ông Putin đã đưa ra một tuyên bố khác hẳn, khi thừa nhận rằng thị trường thế giới có thể sẽ được hưởng lợi từ một thỏa thuận như OPEC đang thiết lập, nhưng ở thời điểm hiện tại thì Nga lại đang không có được những điều kiện cần thiết để đóng băng hay cắt giảm sản lượng của mình. Phó chủ tịch tập đoàn Lukoil - công ty có sản lượng khai thác dầu lớn thứ hai tại Nga, Leonid Fedun, cho biết các tập đoàn khai thác lớn nhất tại Nga sẽ tuân theo quyết định từ phía chính phủ trong việc nâng hay cắt giảm sản lượng. Nếu Tổng thống Putin nói là không, thì Rosneft hay Lukoil sẽ không bao giờ cắt giảm sản lượng khai thác của mình.

Trên thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên Nga tỏ ra không có ý định cam kết hoặc thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng với OPEC. Lần thỏa thuận cắt giảm gần nhất giữa Nga và OPEC là vào năm 2002, khi đó theo thỏa thuận OPEC sẽ cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày, các nước ngoài OPEC sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày, và mức cắt giảm dành cho Nga sẽ là 150.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, Nga đã không thực hiện nghiêm túc cam kết trên, khi sản lượng khai thác của nước này vẫn tăng thêm 2% trong 6 tháng đầu năm 2002, và đến cuối năm thì sản lượng khai thác của Nga đã tăng tổng cộng 8,4%.

Có một số lý do giải thích điều này. Lý do quan trọng nhất thường được các công ty khai thác dầu ở Nga đưa ra là việc nước này không thể đóng cửa hay cắt giảm hoạt động khai thác tại các giếng dầu tại Tây Siberia vốn nằm dưới các lớp băng vĩnh cửu. Một phần lớn các giếng dầu quan trọng nhất của Nga tại khu vực này, nơi mà chỉ cần đóng cửa trong một thời gian ngắn hoặc giảm tần suất khai thác sẽ dẫn đến việc các lớp băng mới sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến máy móc, khiến cho chi phí sẽ tăng lên rất nhiều khi khai thác trở lại. Các giếng dầu mới được những tập đoàn hàng đầu của Nga như Rosneft, Gazprom hay Lukoil đưa vào khai thác phần lớn đều nằm ở Bắc Cực và biển Caspian, đều là những địa điểm có chi phí khai thác và vận chuyển rất cao, và sẽ gây tổn thất rất lớn nếu đóng cửa hoặc ngưng sản xuất nếu như Nga tham gia thỏa thuận của OPEC.

Đối với Nga, việc đóng băng và cắt giảm sản lượng vì thế có thể gây ra tổn thất lớn hơn nhiều so với việc chấp nhận tình trạng giá dầu khá khiêm tốn hiện nay, vì cắt giảm sản lượng chỉ vực dậy được giá dầu trong một thời gian ngắn với mức tăng không lớn trong khi các tổn thất về chi phí để khởi động lại các giếng dầu bị đóng băng thì lớn hơn nhiều.Ngoài ra, việc giá dầu giảm hiện nay dường như lại có lợi cho kinh tế Nga hơn. Nó khiến cho tỷ giá đồng Rup thấp hơn một cách tự nhiên, và dẫn đến việc tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Nga, đặc biệt là khi quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ và EU vẫn chưa được nối lại thì việc đồng Rup mất giá so với USD và euro cũng không ảnh hưởng nhiều.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nhàn Đàm