Tang tóc dòng Gianh
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 04:50, 17/10/2016
Con ơi, chồng ơi!
Sáng 16.10, sau 3 ngày lũ, con nước đã rặt, người làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bơ phờ vì thiên tai lại nhận thêm tin buồn. Xác anh Nguyễn Văn Hà (43 tuổi) cùng con gái Nguyễn Thị Kiều Linh (17 tuổi) nổi trên cánh đồng làng.
Vợ anh, chị Trần Thị Tuyết mắt đỏ hoe sau mấy ngày tìm chồng con mất tích, nhận tin sét đánh, gục ngã.
Trước đó, vào khoảng 21 giờ ngày 14.10, anh Hà và cháu Linh khi nước lên đã tranh thủ đi thả lưới bắt cá. Đêm mưa lớn, nước lũ ào ạt đổ về cuốn phăng mọi thứ trên dòng Gianh, nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở Thổ Ngọa, nhấn chìm cả Ba Đồn.
Ở nhà, chị Tuyết ruột như lửa đốt liên tục điện thoại cho chồng nhưng không liên lạc được. Cả làng loay hoay trong nước lũ vừa nhao nhác tìm người. Đến sáng 15.10, gia đình đã báo sự việc đến chính quyền địa phương, đồng thời triển khai các phương án tìm kiếm hai cha con mất tích.
Nước mắt người vợ, người mẹ như cuồn cuộn cùng dòng nước lũ. Đến sáng 16.10, con nước đã rặt, lũ ở hạ nguồn sông Gianh bắt đầu rút xuống; xác 2 cha con nổi lên ở ngay cánh đồng làng.
Người làng Thổ Ngọa bơ phờ vì dòng nước lũ, nay lại ngẩn ngơ hơn với cái chết đau đớn của cha con nghèo. Gần hai ngày lũ, họ thầm mong một điều kỳ diệu để không chứng kiến những dòng nước mắt đau thương của người vợ xa chồng, xa con; của hai người em thương ba, khóc chị. Thế nhưng…
Trong ngôi nhà cũ kỹ còn hôi mùi ẩm mốc, loang lổ những ngấn nước đục ngầu, lúa gạo cùng với mọi vật dụng, đồ đạc trong nhà chị Tuyết đã bị ướt nước hư hại. Hai chiếc quan tài của cha và con được đặt song song; đèn cầy, khói nhang leo lét trong những làn gió lạnh. Đôi mắt ngây dại sau hai đêm thức trắng tìm kiếm chồng con, chị Tuyết giờ như người vô hồn. Chị không còn đủ sức để khóc. Người ta chỉ nghe vài câu vô hồn: “Con ơi! Chồng ơi!”.
Hàng xóm chị Tuyết cho biếthoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hằng ngày anh Hà đi làm thuê, vợ ở nhà làm nón để nuôi 3 đứa con đi học. Cuộc sống gia đình này nghèo khó đến nỗi ngôi nhà đã dột nát, ẩm ướt nhiều năm nay nhưng chưa sửa lại được...
Để giúp gia đình trong lúc hoạn nạn, chính quyền địa phương, các đoàn thể cùng với bà con xóm giếng đã hỗ trợ phần nào việc mai táng cho người xấu số.
Ngóng chồng nơi cửa biển
Mưa lũ đã phần nào ngớt đi, nhưng danh sách những người bị nạn ở Quảng Bình cứ dài thêm. Theo báo cáo của tỉnh này, đến 17 giờ ngày 16.10 đã có 18 người chết.
Cái danh sách tang tóc quặn nhói khiến người ta ám ảnh. Huyện Bố Trạch có 5 người chết, gồm: ông Lê Văn Thân (SN 1968, thôn 7, xã Lý Trạch) bị sét đánh chết vào lúc 12 giờ ngày 14.10. Em Nguyễn Gia Bảo (SN 2012, thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch) bị chết đuối lúc 10 giờ ngày 15.10. Em Hồ Thị Long (SN 2003, bản Rào Con, xã Sơn Trạch) bị mất vào lúc 19 giờ ngày 14.10. Em Phạm Hoàng Phương (SN 2007, tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão) bị mất tích vào lúc 8 giờ 30 ngày 15.10, đã tìm thấy xác. Em Dương Văn Thế (SN 2000, thôn 3, xã Đồng Trạch) bị rơi xuống nước mất tích vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 15.10, đã tìm thấy xác.
Thị xã Ba Đồn chết 5 người gồm: bà Nguyễn Thị Dương (SN 1939, phường Quảng Long) bị chết do sửa mái nhà ngã. Ông Nguyễn Văn Hà (SN 1973, phường Quảng Thuận) và con gái Nguyễn Thị Kiều Linh (SN 1998) bị lũ cuốn khi đi thả lưới tối 14.10. Bà Nguyễn Thị Tứ (80 tuổi, xã Quảng Lộc) phát hiện chết lúc 9 giờ ngày 16.10 khi ở nhà một mình. Ông Nguyễn Văn Thương (SN 1962,phường Quảng Phúc) đi chăn trâu về trượt chân chết lúc 11 giờ ngày 16.10…
Cuối dòng sông Gianh, biển vẫn gào thét dữ dội. Nơi đó, chính quyền và lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực cứu nhiều người đang mất tích do lũ cuốn thuyền lật.
Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết tàu hàng HD 2155 và 1 con tàu khác khi lũ lớn đổ về thì neo đậu ở sông Gianh. Do nước lũ quá lớn, dây neo bị đứt, tàu trôi dạt ra cửa biển và chìm.Trên tàu có tất cả 5 thuyền viên, gồm: anh Lê Bá Hoạt (SN 1981, quê Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, quê Hải Dương), Vũ Như Thắng (SN 1964, quê Thanh Hóa), Nguyễn Văn Bảy (quê Hải Dương), Nguyễn Duy (SN 1990, quê Thanh Hóa).
Nhận tin dữ, chị Hương, vợ thuyền viên Lê Bá Hoạt cùng người nhà cấp tốc đi từ Thanh Hóa vào Quảng Bình tìm chồng. Mắt đó hoe vì khóc quá nhiều, chị kể run run: “Anh Hoạt gọi điện cho tôi nói lũ lớn nên tàu chưa chở hàng về được. Anh ấy nói chờ sau lũ mới đi, chắc về nhà trễ vài ngày. Đùng cái, công ty họ gọi tôi vào đây, tôi chưa biết chồng tôi sống chết thế nào. Chồng ơi”.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho hayhiện tại chỉ mới xác định được vị trí nơi HD 2155 bị chìm và đang trôi nổi. “Chúng tôi đang cố gắng định vị vị trí nơi con tàu thứ 2 chìm. Phạm vi tìm kiếm đang được mở rộng để nhanh chóng tìm được các thuyền viên mất tích. Chúng tôi đã chuẩn bị cho phương án xấu nhất là các thuyền viên tử vong. Dù vậy, lực lượng cứu hộ cũng phải tìm được thi thể các nạn nhân để an ủi với các gia đình”.
Chiều sau lũ, trời vẫn rậm rịch nặng nề; tiếng trống tang điểm bài văn điếu, những tiếng khóc xé lòng vẫn ám ảnh hai bên dòng Gianh…
Lê Đình Dũng