Cần minh bạch hiệu quả việc đi nước ngoài học tập kinh nghiệm

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:42, 05/10/2016

Nói tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 4.10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, dư luận hiện có nhiều băn khoăn về việc dùng kinh phí cho nghiên cứu khoa học để tổ chức các đoàn đi nước ngoài. Chính phủ cần làm rõ hiệu quả của việc tham quan, học tập, nghiên cứu kinh nghiệm thu được gì, sử dụng kinh phí ra sao, tính hiệu quả thế nào…
          

Chi quá ít cho khoa học công nghệ

Báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ nêu rõ, chi ngân sách cho khoa học công nghệ (tính cả chi dự phòng và khoa học công nghệ trong quốc phòng, an ninh) đã cơ bản đảm bảo được mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Cùng với đó, tốc độ chi cho cho khoa học công nghệ bình quân tăng 17%/năm (năm sau cân đối cao hơn năm trước 17%).

Tuy nhiên, nếu không tính dành cho quốc phòng, an ninh và dự phòng thì chỉ đạt từ 1,36% đến 1,52% tổng chi ngân sách. Đồng thời, ngân sách vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65% - 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động khoa học công nghệ.

Nói về điều này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, quy định phải chi thấp nhất là 2% tổng chi ngân sách cho khoa học nhưng hiện nay đang chi quá ít, chỉ khoảng 1,5% mà thậm chí còn chưa chi hết. 

“Vì sao chưa tiêu được hết tiền? Do chúng ta đặt hàng không trúng, do biện pháp thực hiện, do khắt khe quá, do thủ tục, xin cho hay vì sao?” – bà Tòng Thị Phóng nêu câu hỏi và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm làm rõ vấn đề.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu còn nhiều bất cập, nhiều nơi sử dụng còn lãng phí. Vấn đề này cần được xem xét và điều chỉnh lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận xét rằng cơ cấu, tỷ lệ chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp bất hợp lý. Đáng lưu ý là nguồn kinh phí đầu tư trung ương cho các địa phương thiếu và được sử dụng không đúng mục đích, ví dụ giai đoạn 2011-2016 sử dụng đúng mục đích là hơn 63%, 37% không sử dụng đúng mục đích.

“Như vậy, chỗ thiếu vẫn thiếu mà chỗ đủ lại không được sử dụng đúng mục đích. Đây là vấn đề khá lớn. Chính phủ cần báo cáo riêng về vấn đề kinh phí và cơ quan kiểm toán cũng cần giúp đoàn giám sát trong vấn đề này. Kinh phí sử dụng ra sao, thiếu như thế nào, lãng phí những gì cần phải được làm rõ” – bà Nga nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng nêu rằng, dư luận đang có nhiều băn khoăn về việc dùng kinh phí cho nghiên cứu khoa học để tổ chức các đoàn đi nước ngoài. Theo đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ lại vấn đề này để xem hiệu quả của việc tham quan, học tập, nghiên cứu kinh nghiệm thu được gì, sử dụng kinh phí ra sao, tính hiệu quả thế nào…

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cho rằng, cơ chế tài chính trong khoa học công nghệ cũng cần phải đổi mới. Việt Nam có hàng nghìn đơn vị khoa học nhưng cần thống kê xem mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị thế nào? 

“Cần phải có giải pháp để các nhà khoa học có thu nhập, làm giàu bằng chính thành tựu nghiên cứu của mình” – ông Hải nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần xem lại cơ chế đã phù hợp chưa? Mỗi năm có bao nhiêu đề tài xin tiền ngân sách, nghiệm thu xong rồi lại để đó thì hiệu quả ở đâu? Giờ cần đánh giá lại, thay đổi cơ chế. Nếu anh có sản phẩm, Nhà nước sẽ mua cho anh, hoặc anh đi bán thì anh tự nuôi được anh và kích thích sáng tạo. 

Thúc đẩy thị trường mua bán công nghệ

Theo báo cáo, thị trường mua bán công nghệ ngày càng sôi động, chuyển giao công nghệ được tăng cường, hệ sinh thái khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm… ngày càng tăng cao. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỉ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hải, cần phải nhấn mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa đường lối, định hướng phát triển khoa học công nghệ của Đảng với thị trường công nghệ. 

Ông Hải cho rằng, trong kinh tế thị trường thì doanh nghiệp phải là nhân tố chủ chốt trong hoạt động khoa học công nghệ. Tất cả các doanh nghiệp muốn phát triển thì phải đầu tư khoa học công nghệ. Nhà nước cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò trong đầu tư ngân sách, dẫn dắt, định hướng cho thị trường khoa học công nghệ phát triển.

“Tại sao chúng ta nhận công nghệ lạc hậu? Tôi nghĩ cần phân tích ở khía cạnh kinh tế, bởi đây là yếu tố chi phối chủ quan trong đấu giá. Nhiều khi chúng ta chạy theo giá thấp để nhận công nghệ lạc hậu chứ không phải do chúng ta chủ quan trong việc tiếp nhận, đấu thầu, cũng không phải do chúng ta quá yếu trong khâu thẩm định, đánh giá” – ông Hải nhận định.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng quan điểm và đề nghị cần phải tăng cường xã hội hóa hơn bởi vì tiềm lực trong nhân dân còn rất nhiều, là giải pháp đắc lực để góp phần phát triển khoa học công nghệ hơn nữa.

Cùng với đó, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ. Bởi theo báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ,  hiện nay số doanh nghiệp lĩnh vực này được hình thành rất thấp.

Mục tiêu là đến năm 2015 hình thành 3.000 doanh nghiệp, năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp nhưng tính đến tháng 11.2015 chỉ có 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực cho khoa học công nghệ, ươm mầm tài năng khoa học trẻ. Đồng thời, nếu cần thiết có thể đề nghị sửa luật để phù hợp với chiến lược phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai.

Trí Lâm

   

Trí Lâm