Quy định vô tình giết chết doanh nghiệp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:17, 28/09/2016

Thứ trưởng Bộ Công thương đã khẳng định: “Xin đừng buộc tội các nhà làm chính sách đang cố tình giết chết doanh nghiệp nhỏ và vừa và tạo ra lợi ích nhóm cho doanh nghiệp lớn”. Tuy nhiên, có không ít các trường hợp điển hình cho thấy, các quy định không hợp lý có thể trở thành công cụ tàn sát doanh nghiệp trên diện rộng như thế nào.

Một sự kiện quan trọng đáng chú ý nhưng đã không nhận được nhiều sự quan tâm từ phía truyền thông là hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương” do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra vào ngày 27.9 vừa qua.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị lấy ý kiến các hiệp hội và nhất là doanh nghiệp được tổ chức trong bối cảnh có không ít các quy định, thông tư do Bộ Công Thương ban hành vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, nó được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đệm cần thiết tiến tới việc gỡ bỏ hoặc ít nhất cũng là điều chỉnh những quy định đang được phản ánh là gây cản trở đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương.

Cam kết sẽ tiếp thu góp ý của doanh nghiệp và người dân để tiến hành điều chỉnh, thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: “Xin đừng buộc tội các nhà làm chính sách đang cố tình giết chết doanh nghiệp nhỏ và vừa và tạo ra lợi ích nhóm cho doanh nghiệp lớn”. Đúng là có lẽ các quy định không cố tình giết chết các doanh nghiệp, nhưng vô tình thì có lẽ là “có”.

Có không ít các trường hợp điển hình có thể lấy ra làm dẫn chứng cho việccác quy định không hợp lý có thể trở thành công cụ tàn sát doanh nghiệp trên diện rộng như thế nào. Đơn cử như thông tư 20 quy định về yêu cầu phải có giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ do chính Bộ Công Thương ban hành vào năm 2011.

Theo thống kê của một số chuyên gia kinh tế, trước thời điểm thông tư 20 được ban hành, trên thị trường có khoảng 200 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ, nhưng đến thời điểm hiện tại con số này chỉ còn khoảng 20 mà thôi. Lý do được các chủ doanh nghiệp nhập khẩu này đưa ra là vì họ không thể xoay sở được giấy chứng nhận ủy quyền chính hãng vốn có số lượng rất hạn chế, dẫn đến không thể tiếp tục hoạt động nhập khẩu và buộc phải giải thể.

Một số quy định khác do Bộ Công Thương ban hành cũng được xem là có nguy cơ buộc nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực đó phải ngưng hoạt động, như Nghị định 19 về kinh doanh khí. Yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh khí đốt phải có ít nhất 100.000 chai LPG (bình gas) loại 12 kg và bồn chứa LPG (trạm nạp gas) tối thiểu 300 mét khối cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ lao đao, một số buộc phải vay mượn để nâng quy mô cho đúng với yêu cầu, một số khác thì đứng trên bờ vực giải thể.

Hai trường hợp điển hình kể trên là minh chứng rõ ràng cho việc, một quy định không hợp lý hoàn toàn có thể giết chết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù là vô tình hay hữu ý. Nói cách khác, nếu chất lượng các quy định được nhà làm chính sách xây dựng không cao, nó hoàn toàn có thể gây ra những hậu quả rất trầm trọng, mà trực tiếp là sự phá sản hoặc giải thể của doanh nghiệp.

Và nếu nhìn vấn đề theo khía cạnh này, thì hẳn cộng đồng doanh nghiệp không thể thực sự an tâm đối với Bộ Công Thương ở thời điểm hiện tại, dù Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cam kết xem xét điều chỉnh và tháo gỡ các quy định không thích hợp với hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của Bộ Nội vụ, thì Bộ Công Thương xếp thứ 18/19 bộ, ngành, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng chỉ đích danh Bộ Công Thương là một trong số ít bộ ngành bị kêu ca nhiều nhất, còn bản thân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận rằng: “Điều làm tôi quan tâm, lo lắng và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại bộ, xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu lực” (theo The Saigon Times).

Sự yếu kém trong thể chế và chất lượng hoạt động của Bộ Công Thương còn trở thành một vấn đề đáng ngại hơn, khi Bộ đang quản lý hai lĩnh vực trọng yếu nhất của nền kinh tế là công nghiệp và thương mại, chiếm tới hơn 80% GDP như thứ trưởng Trần Quốc Khánh thống kê tại hội nghị hôm 27.9.

Những con số thống kê về các thủ tục hành chính tại hội nghị, cho thấy khả năng xây dựng và quản lý các thủ tục và quy định của Bộ Công Thương đang có xu hướng thiên về tư duy can thiệp vào quy mô để thiết lập lại trật tự thị trường. Theo thống kê, hiện tại ngành Công Thương đang duy trì 447 thủ tục hành chính ở các cấp; và theo lãnh đạo Vụ pháp chế của Bộ này, thì các thủ tục này xuất phát từ 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là con số lớn gấp đôi so với số lượng trung bình tại các bộ, ngành khác (theo CafeF).

Đại diện Vụ pháp chế này cũng thừa nhận rằng có nhiều vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp, do thiếu minh bạch và không rõ ràng cụ thể, có thể áp dụng theo nhiều cách hiểu khác nhau và gây ra tình trạng nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp.

Dù cho rằng các nhà làm chính sách không cố tình giết chết các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra lợi ích nhóm cho doanh nghiệp lớn, nhưng bản thân thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận rằng, tư duy can thiệp để thiết lập lại trật tự thị trường như Bộ Công Thương đã làm trong thời gian vừa qua là không còn phù hợp.

Can thiệp để thiết lập lại trật tự thị trường có lẽ là một cách nói khác để chỉ những quy định gián tiếp giết chết các doanh nghiệp với số lượng không hề nhỏ dù là vô tình, điển hình như thông tư 20, nghị định 19 hay các quy định tương tự trong các ngành lúa gạo, phân bón,…

Dù mới chỉ có duy nhất quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong mẫu vải nhập khẩu là đã được chính thức bãi bỏ trong hội nghị lấy ý kiến lần này, nhưng hy vọng rằng đây sẽ là bước đệm đóng vai trò nền tảng để Bộ Công Thương tiến hành những cải cách triệt để nhằmhỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Một bộ quản lý hai lĩnh vực trọng yếu chiếm tới hơn 80% GDP như Bộ Công Thương về lý thuyết phải là ngọn cờ đầu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, chứ không phải là đóng vai một gã đồ tể.

Nhàn Đàm

Nhàn Đàm