Nhiều doanh nghiệp cố tình trốn tránh niêm yết bởi có ý đồ tham nhũng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 21:36, 07/10/2016
Theo quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng vẫn chây ỳ việc lên sàn, mặc dù cơ quan quản lý không ít lần thúc giục.
Gần đây nhất, ngày 6.10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký văn bản số 1768/TTg-ĐMDN về việc chuyển nhượng vốn theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán phải khẩn trương hoàn tất theo quy định.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1.11.2016.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biếtlý do dẫn đến tình trạng cố tình trốn tránh việc niêm yết bởi kỷluật nhà nước không cao. Điều này dẫn đến cấp chủ quản cưng chiều doanh nghiệp, muốn để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, niêm yết hay không thì cũng không quan tâm.
Ngoài ra, theo ông Hải, người đại diện cổ phần nhà nước yếu kém năng lực và không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của cổ đông thông quá việc mua đắt, bán rẻ để hưởng hoa hồng cao, đầu tư không hiệu quả, rút ruột ở các công ty con của nhà nước…
Ông Hải cũng cho rằng trong chuyện này có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ tham nhũng, bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát doanh nghiệp cổ phần hóa, biến tài sản cổ đông và nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân để rồi những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của doanh nghiệp mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần.
“Họ là người làm thuê cho nhân dân nhưng họ không chấp hành mong muốn của nhân dân. Họ biến tài sản của nhà nước thành của mình, tự dưng họ trở thành ông chủ mà không cần vốn. Họ dùng tiền tham nhũng được của nhà nước để chạy chọt, leo cao, rồi lại tham nhũng…” – ông Hải nêu rõ.
Về tình trạng chậm lên sàn của các doanh nghiệp lớn sau cổ phần hóa như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Hải cho rằng điều này đã khiến ngân sách thất thu hàng tỉ đô la Mỹ.
“Hậu quả của việc trốn tránh niêm yết sẽ làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nhà nước sẽ thất thu hàng tỉ USD từ việc bán cổ phần nhà nước” – ông Hải nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Hải, hiện nay cần phải siết kỷluật một cách chặt chẽ. Cụ thể, nếu bất kỳ người đại diện cổ phần nhà nước nào cố tình trốn tránh việc niêm yết thì cách chức, kỷluật, tước đi tự tư cách là người đại diện cổ phần nhà nước. Cần phải làm mạnh chứ trước nay chưa thấy kỷluật, cách chức ai cả.
“Nếu lãnh đạo bộ, ngành địa phương nào ngăn cản doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết chứng khoán thì cá nhân đó đã bị án kỷ luật mà không cần phải họp để xét xử hình thức kỷ luật với cá nhân đó” – ông Hải nói.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biếtdo việc niêm yết 2 doanh nghiệp nói trênphải qua nhiều thủ tục và tốn nhiều thời gian, trong khi đó, Sabeco và nhà đầu tư chiến lược là Carlsberg chưa giải quyết hết những vướng mắc nên khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp ngay trong năm nay là rất khó khăn. Có thể trong quý 1/2017, Sabeco và Habeco mới được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải trung thực, công khai. Việc bán vốn dứt khoát phải thông qua đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư nào, không bán giới hạn, không có lợi ích nhóm. Ai có tiền, trả giá cao nhất thì người đó mua được.
Ông Mai Tiến Dũng nói thêmThủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm.
Trí Lâm