‘Cứ nói vấn đề nhạy cảm rồi không đưa ra Quốc hội là hạ thấp vị thế Quốc hội’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:28, 15/09/2016
Formosa được bổ sung vào báo cáo
Thông tin trên được ông Hà Ngọc Chiến nêu ra ngày 15.9, trong phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã bổ sung Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri và đại biểu quốc hội quan tâm, nên đề nghị kết hợp thảo luận cùng kinh tế - xã hội, nếu có vấn đề cần thiết sẽ đưa vào Nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo riêng hoặc thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội để trình Quốc hội.
Nói về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủyban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Formosa phải hoạt động đúng quy trình thì mới cho tiếp tục hoạt động. Ủy ban cũng đã có kiến nghị với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về vấn đề này.
“Muốn đổi mới công nghệ thì mất rất nhiều tiền nhưng vẫn phải yêu cầu Formosa làm đúng cam kết thì mới cho hoạt động”,ông Dũng nói.
Đồng quan điểm với ông Dũng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng nên có báo cáo riêng về Formosa, bởi vì dư luận rất quan tâm đến vấn đề này. Báo cáo cần tập trung xem khắc phục sự cố môi trường thế nào.
Nói về việc sử dụng tiền đền bù, Chủ nhiệm Ủyban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nêu câu hỏi: Tiền bồi thường có được kịp thời đưa đến người dân hay không, có giải quyết được khó khăn cho dân hay không? Ủyban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa hình dung tiền bồi thường của Formosa sẽ được sử dụng thế nào cho nên Chính phủ cần báo cáo công khai càng sớm càng tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cũng chia sẻ, cần tránh tình trạng một bộ nào đó gửi báo cáo rồi lại đóng dấu mật, trong khi nội dung không phải là mật. Đề nghị đã báo cáo trước Quốc hội là trách nhiệm của Quốc hội phải có ý kiến về báo cáo này.
Không né tránh Biển Đông
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng vấn đề Biển Đông cần phải được đem ra bàn trước Quốc hội. Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội bày tỏ: “Có những vấn đề Quốc hội cho rằng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ, chỉ cho nghe hoặc báo cáo đến mức nào đó. Vấn đề là đại biểu và dân cần phải biết. Cứ nói nhạy cảm, phức tạp mà không đưa ra Quốc hội là tự hạ thấp vị thế của Quốc hội”.
Theo đó, ông Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị có báo cáo riêng về tình hình Biển Đông sau khi có phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực, trong đó đề nghị báo cáo rõ về phản ứng của các nước cũng như chủ trương, giải pháp của ta.
Theo ông Hải, Biển Đông là vấn đề nóng, thời gian vừa qua có nhiều hoạt động đối ngoại lớn bên cạnh sự kiện phán quyết của Tòa Trọng tài. Ông cho rằng Quốc hội cần phải nghe về chính sách đối ngoại khái quát, trong đó có vấn đề Biển Đông để các đại biểu quốc hội có thể nghe và góp ý kiến.
“Biển Đông cũng cần có báo cáo riêng sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta. Chúng ta không tránh né nữa, Quốc hội cần phải biết những vấn đề ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nguyên tắc là tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng luật, đúng tiến độ và chất lượng. Đủ các yêu cầu trên mới trình ra Quốc hội.
“Chúng ta không tránh né nữa, mà Quốc hội cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Bộ trưởng có dám tranh luận với đại biểu?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn về xu hướng sửa luật khi vừa ban hành diễn ra ở nhiều bộ. Thực tế hiện nay, trách nhiệm trình, giải trình dự án Luật phải do Bộ trưởng tiến hành, nhưng nhiều bộ toàn ủy quyền cho thứ trưởng, rồi thứ trưởng lại ủy quyền cho cấp vụ tham gia giải trình.
Theo bà Nga, về quy trình làm luật hiện nay cũng cần phải đánh giá kỹ lại, khi một dự án luật trình sang Quốc hội có những chính sách mới, vậy việc đánh giá tác động như thế nào, cơ quan trình có đánh giá tác động lại hay không là vấn đề cần xem xét. Vậy nên, đề nghị, trước mắt, sau phiên giải trình đầu tiên, người chịu trách nhiệm phải ký giải trình đã tiếp thu ý kiến đại biểu như thế nào.
“Trong quy trình làm luật, bộ trưởng cần phải trực tiếp giải trình đến khi Quốc hội thông qua. Nếu trực tiếp tranh luận với đại biểu đến cùng thì thử hỏi một bộ trong một nhiệm kỳ có dám làm đến mấy chục luật không?” – bà Nga nói và đồng thời cũng cho biết, nhiều bộ trưởng cũng không thường xuyên đi họp mà chỉ cử thứ trưởng đi.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình lại cho rằng, Quốc hội hiện đang phải đảm đương quá nhiều việc trong khâu giám sát, làm đuối công tác làm luật. Do đó không có đủ nhân lực, thời gian để giám sát hết được các vấn đề. Cho nên cần xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng luật là chính, như vậy mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày20.10.2016 và bế mạc vào ngày 22.11.2016.
Trong 24 ngày làm việc, Quốc hội sẽ cho ý kiến 14 dự án luật; xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết. Đồng thời, xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…
Trí Lâm