Những nghi án trốn thuế 'vang bóng một thời' của PepsiCo Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:45, 11/09/2016
Kêu lỗ nhưng... không ngừng mở rộng quy mô
Sự hiện diện tràn ngập các sản phẩm đồ uống của PepsiCo trên thị trường Việt Nam luôn khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng tin rằng, doanh nghiệp này kinh doanh thành công tuyệt đỉnh.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam, năm 2010, PepsiCo và Coca-Cola chiếm tới hơn 80% thị phần nước giải khát Việt Nam. Và trên thực tế thì hãng này cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Tuy nhiên, báo cáo tài chính, cũng như quyết toán thuế của doanh nghiệp này đã khiến dư luận không khỏi giật mình, bởi thực tế lại không như vậy.
PepsiCo là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên tham gia đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, PepsiCo liên tục báo lỗ, tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỉ đồng. Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31.12.2010 là 1.206 tỉ đồng.
Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo thông báo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỉ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2008, PepsiCo lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 thì con số lãi 141 tỉ đồng. Năm 2010 lãi 137 tỉ đồng, năm 2011 lãi tới 191 tỉ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế TNDN mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến nay vẫn chỉ "vỏn vẹn" 40,2 tỉ đồng.
Trước bài ca liên tục "có lãi vẫn báo lỗ" của PepsiCo, vào tháng 7.2012, Tổng cục Thuế đã ra quyết định kiểm tra thuế tại công ty này. Kết quả kiểm tra đã thu về ngân sách Nhà nước hơn 5 tỉ đồng, trong đó truy thu thuế giá trị gia tăng 1,3 tỉ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 4,4 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng đối với nhà thầu nước ngoài là trên 500 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài là 3,2 tỉ đồng.
Tiếp đến vào ngày 9.2.2015, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-CT-XP xử phạt Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (SPVB) 24.340.899.403 đồng. Trong đó, phạt 2.714.276.962 đồng vì hành vi khai sai thuế TNDN; truy thu thuế TNDN số tiền 18.038.804.138 đồng và tiền chậm nộp tiền thuế 3.587.818.303 đồng vì hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
Gần đây nhất là vào ngày 6.9.2016, Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính đã ký Quyết định thanh tra số 153/QĐ-TTrB để thanh tra toàn diện Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Quyết định thanh tra Pepsico là theo kế hoạch, không phải thanh tra đột xuất.
Phải liên kết với cơ quan thuế các nước!
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện nay để kết luận một doanh nghiệp chuyển giá là không hề đơn giản. Vì muốn chứng minh một doanh nghiệp chuyển giá nhưng lấy đâu ra “giá độc lập” để so sánh, khi nguyên liệu của các doanh nghiệp là độc quyền?
Chẳng hạn như Pepsico, rất khó có số liệu để chứng minh thế nào là lãi không tương xứng. Không chỉ, PepsiCo, mà cả Coca-Cola, BigC, Metro Cash&Carry… đều là những đại gia thua lỗ lớn mà vẫn liên tục mở rộng đầu tư. Nhưng tất cả, tới thời điểm này vẫn chỉ là nghi án.
Trước thực trạng này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận định, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp FDI chuyển giá nhiều tại Việt Nam hiện nay là tỷ suất thuế lợi nhuận của nước ta cao hơn các nước. Ví dụ như tỷ suất lợi nhuận thuế của Việt Nam cao hơn Hồng Kông 15% nên nếu một doanh nghiệp nào đó có trụ sở ở Hồng Kông thì dù lãi lớn, họ vẫn sẽ tìm cách báo lỗ tại Việt Nam và sau đó chuyển toàn bộ số lãi sang Hồng Kông.
Hiện nay trên thế giới, giữa công ty mẹ và công ty con đang có những chiêu trò rất tinh vi để tìm cách chuyển giá và trốn thuế. Ví dụ, công ty mẹ sẽ lập ra các khoản, quỹ để bắt công ty con phải nộp. Chẳng hạn như một cách thức rất phổ biến nhưng cũng không hề dễ là nâng giá nguyên vật liệu đầu vào mà công ty mẹ bán sang công ty con, và dựa trên cơ sở đó thì công ty con khai lỗ, ông Doanh cho hay.
Qua đó, ông Doanh đề xuất thứ nhất là phải có sự hợp tác với cơ quan thuế, nơi mà các doanh nghiệp FDI đặt làm trụ sở và phải có hiệp định hợp tác rõ ràng với cơ quan thuế để biết được công ty mẹ nộp thuế thế nào và đóng góp của công ty con ở Việt Nam là bao nhiêu.
Thứ hai là phải so sánh mức giá đầu vào trung bình của thế giới và đánh giá, xem xét kỹ lưỡng sao ở công ty mẹ giá lại cao đến vậy để cuối cùng có thể thu lại được khoản chênh giá này.
"Đây là điều chúng ta phải cố gắng trong tương lai, nếu không sẽ chỉ có lợi cho những doanh ghiệp nước ngoài vì họ đã được ưu đãi về đất, thời gian nộp thuế... và bây giờ họ lại trốn thuế nữa thì các công ty trong nước lại chịu thiệt thòi quá nhiều", ông Doanh lo ngại nói.
Tuyết Nhung