Cha mẹ không nên nói với trẻ nhỏ những điều này
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:03, 06/09/2016
Nhà mình nghèo nên…
Vì không muốn con mê chơi ảnh hưởng việc học hành nên nhiều cha mẹ đưa ra lý do đó mỗi khi trẻ đòi mua đồ chơi, hay đua đòi với bạn bè. Trẻ sẽ tin những gì cha mẹ nói và trở nên tự ti với suy nghĩ nhà mình nghèo, không thể bằng bạn bằng bè. Từ đó dẫn đến trẻ thiếu tự tin với chung quanh, có chiều hướng thu mình lại.
Cũng vì câu nói “nhà mình nghèo” ám ảnh không ít đứa trẻ nghe được. Nó sẽ thấy mọi thứ bế tắc hơn, nghĩ đến tiền nhiều hơn. Khi đó trẻ sẽ có hai chiều hướng, hoặc là thấy thương cha mẹ nên cố gắng không đòi hỏi, tiết kiệm nhiều hơn, trong đầu luôn phải tính toán làm gì để có tiền phụ giúp cha mẹ. Trường hợp khác, trẻ bất cần hơn, nghĩ tại sao mình không sinh ra trong một gia đình giàu có hơn để thỏa mãnmọi mong muốn trong đầu. Tâm lý này dẫn đến trẻ không bằng lòng với hiện tại và rất khó trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời như cha mẹ mong muốn.
Vì vậy, ở tuổi của bé, tốt nhất đừng nói chuyện về tiền bạc bởi bé còn quá nhỏ để phải vướng bận vào những chuyện không thể giải quyết được. Hãy để trẻ sống đúng với tâm hồn trẻ thơ, hồn nhiên, trong sáng và có những ước mơ thật đẹp trong tương lai.
Thay vì lấy lý do nhà nghèo, hãy giải thích thật rõ cho con hiểu tại sao cha mẹ không thực hiện điều đó cho con.
Con không được tiếp xúc với người lạ
Cha mẹ lo lắng nên thường dặn dò con tránh xa tất cả những người lạ khi đến trường hay ra đường. Với xã hội nhiều bất an như hiện nay, cha mẹ có con ở bậc mầm non, tiểu học đều có chung nỗi lo lắng cho những hiểm nguy rình rập quanh bé nên điều đó cũng không có gì là thừa.
Có điều, tâm hồn của trẻ nhỏ sẽ nhìn mọi người chung quanh bằng con mắtthiếu thiện cảm và luôn phải cảnh giác cao. Trẻ sẽ nghĩ, tại sao người xấu nhiều như vậy, vì trẻ chỉ quen cha mẹ, thầy cô giáo và số ít bạn bè trong lớp. Vô tình người lớn đẩy cho trẻ cái nhìn hoài nghi về con người trong xã hội ngày nay. Trẻ lớn lên sẽ sống khép kín và nhìn đời tiêu cực hơn.
Thay vì bảo vệ con bằng cách đó, cha mẹ hãy đưa ra những tình huống và xem cách giải quyết của trẻ như thế nào. Từ đó giúp bé nhận ra hướng giải quyết hợp lý nhất.
Trẻ vẫn cần được giáo dục về cách sống, trong đó có cách giao tiếp, yêu thương chung quanh và giữ một tinh thần tin yêu lạc quan để bước vào đời chứ không phải tránh né mọi thứ chung quanh là cách an toàn cho trẻ.
Con không biết là ba mẹ rất bận…
Khi nào con cũng được nghe câu nói đó từ ba mẹ khi đòi hỏi những điều bình thường nhất của trẻ nhỏ. Khi có con, gánh nặng kinh tế càng đè lên những bậc làm cha mẹ với mong muốn mang lại cho con một cuộc sống đầy đủ nhất về vật chất, chamẹ không muốn con thiếu thốn hay thua kém bạn bè chung quanh nên luôn cố gắng kiếm tiền để lo cho con.
Nhưng cha mẹ đôi khi vì quá bận rộn mà quên rằng, tuổi thơ của con cần có cha mẹ bên cạnh. Khi trẻ nhỏ liên tục bị từ chối bởi lý do “bận” của cha mẹ, nó trở nên lầm lì, ít nói hơn. Có những đứa trẻ hư cũng từ lý do ban đầu cha mẹ quá bận. Trẻ sẽ tự chơi và không nhận thức được đúng hay sai nếu không có người lớn hướng dẫn, vì vậy mà không ít đứa trẻ vướng phải những thói hư, tật xấu, thậm chí là tệ nạn mà ba mẹ không thể lường trước được.
Dù bận đến đâu, hãy nói cho con hiểu là cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh con. Trẻ sẽ yên tâm hơn với cách nói đó của người lớn. Đừng bỏ mặc con muốn làm gì thì làm.
Khánh An
(Ảnh:Internet)