Bà Phạm Chi Lan: Bất minh trong cổ phần hóa thì lợi ích chỉ vào túi một nhóm người
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:55, 02/09/2016
Về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đối tượng mua là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần kinh tế, ngành nghề kinh doanh đều có thể tham gia đấu giá.
Về chủ trương “không phân biệt các thành phần kinh tế”, đang có một số ý kiếnlo ngại các DNNN này sẽ mua cổ phần của DNNN khác, như vậy sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, kém hiệu quả trong cổ phần hóa. Lo ngại này không phải không có lý khi tình trạng trên đã xảy ra khá nhiều trong quá trình cổ phần hóa giai đoạn trước.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ: “Tôi nghĩ thông điệp của Thủ tướng là muốn mở rộng phạm vi, để ai cũng có thể mua được cổ phần, tránh tình trạng DNNN này mua cổ phần của DNNN kia chứ không phải mở đường cho tình trạng này”.
Theo bà Lan, trước kia, DNNN này mua cổ phần của DNNN khác cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc cổ phần hóa không thay đổi được chủ sở hữu, không thay đổi được quản trị, không giảm được vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp và không đúng với bản chất của cổ phần hóa.
“Thông điệp này theo tôi là tích cực, sẽ giúp các nhà đầu tư khác ở khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp cận được, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy sẽ tạo ra một cơ chế cạnh tranh hơn, chọn được nhà đầu tư tốt hơn. Chứ nếu vẫn DNNN mua thì không có ý nghĩ gì, thậm chí còn tạo ra sở hữu chéo, nợ chéo, các doanh nghiệp cứ bám vào Nhà nước mãi mà không thoát ra thì còn tệ hơn” – bà Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để việc cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước hiệu quả, vị chuyên gia kinh tế này cho hay, cần phải có nguyên tắc để lựa chọn những cổ đông chiến lược. Các doanh nghiệp này phải mạnh vốn, có hệ thống quản trị hiện đại theo kinh tế thị trường, có năng lực về công nghệ phù hợp, có thể đổi mới công nghệ, có khả năng gắn kết, kết nối với thị trường bên ngoài, nhất là những thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA.
“Về chuẩn mực chung thì nên đề ra như vậy, trong quá trình mua bán thì sẽ xét duyệt từng trường hợp, điều kiện cụ thể khác. Nếu tuân theo các nguyên tắc đó sẽ loại trừ được những người mua không đích đáng” – bà Lan cho hay.
Để tránh việc mất thương hiệu, chủ quyền kinh tế bị ảnh hưởng trong quá trình cổ phần hóa, bà Lan cho rằngvề các cổ đông nước ngoài thì cũng cần phải cân nhắc, lựa chọn kỹlưỡng và có sự thận trọng nhất định với cổ đông đến từ các nước mà Việt Nam đang phụ thuộc kinh tế. Nếu không muốn bị lệ thuộc tiếp thì cần phải thận trọng. Nhà nước cần phải có những giải pháp hiệu quả để bảo vệ thương hiệu, chủ quyền kinh tế.
Về việc chống các nhóm lợi ích trong quá trình cổ phần hóa, bà Lan nhấn mạnh, chủ yếu phải công khai, minh bạch, phải mời các chuyên gia, nhà thẩm định độc lập và có cơ chế giám sát chặt chẽ. Nếu cứ khép kín như trước kia thì sẽ mang lại những bất cập, thiệt hại lớn vàsẽ chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó chứ không phải lợi ích chung.
“Lợi ích nhóm được biểu hiện rất rõ như các DNNN chỉ bán loanh quanh trong nội bộ, chia sẻ lợi ích cho nhau hoặc bán cho những người có mối quan hệ thân thiết. Nhiều dự án, doanh nghiệp mà quan chức vẫn có cổ phần dùchẳng mất một đồng xu nào. Họ móc ngoặc với nhau, thẩm định qua loa, hạ giá trị doanh nghiệp xuống để bán…” – bà Lan nêu.
Theo đó, dứt khoát phải minh bạch để các chuyên gia độc lập tham gia, phân tích rõ hiện trạng hoạt động của doanh nghiệp, chống lợi ích nhóm, tránh thất thoát vốn nhà nước.Đồng thời, việc minh bạch, giám sát độc lập cũng sẽ giúp các nhà đầu tư có cơ sở đánh giá giá trị doanh nghiệp mà đầu tư. Vì không minh bạch mà nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phần nhưng không có thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để đánh giá, hoặc nhà đầu tư mua thì bị hớ vì doanh nghiệp đang lỗ mà không biết…
Mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, việc cổ phần hóa phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Các bộ ngành, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giám sát chặt chẽ SCIC, tìm kiếm cơ hội tốt nhất để bán được với giá cao nhất, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn” – Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.
Phương Liên