Đưa phòng chống tham nhũng vào học đường: Không có gì là nhạy cảm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:17, 30/08/2016
Nối tiếp chỉ thị số 10/CT-TTg ngày12.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các nhà trường từ năm học 2013-2014. Sau những năm triển khai, đã có rất nhiều ý kiến của các giáo viên, chuyên gia giáo dục và cả học sinh về vấn đề này. Tuy nhiên, trong năm 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các trường phải lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng vào các môn như: Giáo dục công dân, Đạo đức và Lịch sử. Với mục đích để học sinh ngay từ những bậc học phổ thông đã sớm được tiếp cận với những khái niệm liên quan đến tham nhũng và cách phòng chống, ngăn chặn tầm ảnh huởng, sức tàn phá của nó đến với xã hội, với toàn thế giới.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, cô Nguyễn Thị Thu Hoài - giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: Trước đây khi Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)chưa đưa ra văn bản chỉ đạo nên lồng ghép các vấn đề phòng chống tham nhũng vào môn học thì chúng tôi đã tự đưa những vấn đề xã hội đó vào trong bài học khi giảng dạy cho các em. Thường các giáo viên có kinh nghiệm sẽ biết được đâu là bài học hay là những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra để truyền tải tới các em học sinh những bài học bổ ích nhất.
Học sinh hào hứng tham gia hưởng ứng cũng như lắng nghe về các vấn đề phòng chống tham nhũng trong các tiết học
Theo cô Hoài, trong xã hội có nhiều vụ án tham nhũng điển hình nhưng thường cô vẫn hay chọn những câu chuyện ở nhiều khía cạnh khác nhau để nổi bật lên bài học, đánh giá phẩm chất đạo đức đối với đối tượng đó. Bên cạnh đó, cô Hoài cũng khẳng định: "Có rất nhiều câu hỏi khá nhạy cảm của các em học sinh hỏi về vấn đề phòng, chống tham nhũng hay những thông tin tham nhũng của ông A, bà B.
Tuy nhiên, đối diện với những câu hỏi đó tôi vẫn thường hay nói với học sinh tất cả những điều đó vẫn đang trong quá trình điều tra, những vụ việc tham nhũng được báo chí, cơ quan công an công khai thì đó là những bài học lớn để những người như chúng ta lấy đó làm bài học cho chính mình. Học sinh sẽ tự thảo luận, phản biện và đánh giá, tránh đưa ra bình phẩm hay những ý kiến chủ quan, áp đặt tới học trò. Đó cũng chính là phương pháp mà giáo viên như chúng tôi vẫn lồng ghép và các môn học trong nhà trường lâu nay"- cô Hoài trao đổi.
Cũng như cô Hoài, cô Trần Thị Thu Hương - Trưởng nhóm Giáo dục công dân thuộc tổ xã hội trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho rằng: Khi lồng ghép các bài học phòng chống tham nhũng vào các môn học cho học sinh thì chính giáo viên cũng phải là người không sợ đụng chạm. Khi giáo viên đưa ra những câu chuyện liên quan tới hành vi tham nhũng, nếu không thận trọng sẽ khiến các em mất niềm tin, thiếu tôn trọng người lớn và sẽ phản giáo dục.
Nhưng nếu né tránh hết những câu chuyện thực tế thì sẽ rất khó khi dạy về phòng chống tham nhũng. Và tất cả các câu chuyện phải là những câu chuyện đã được các cơ quan công an điều tra, tố giác...Mặc dù vẫn còn một số giáo viên khá mơ hồ vì phải dạy tích hợp nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các giáo viên cũng như học sinh nê ra quan điểm của mình".
Việc dạy là thế, nhưng việc thực hiện còn khó hơn. Tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện giáo dục phòng chống tham nhũng vừa qua, đại diện một số sở GD&ĐT cũng cho biết thời lượng dành cho nội dung trên rất eo hẹp, nên khó có thể đánh giá được hiệu quả thực hiện. Thậm chí có những giáo viên chia sẻ học rất khó đưa bài học vào trong nội dung chương trình vì thời lượng ít, năm 2016 thấy thông tin có nhiều hơn nhưng cũng chỉ rơi vào 15 tiết/1 môn chuyên, còn không chuyên như lịch sử thì chỉ có 5-6 tiết thì cũng khó để các giáo viên lồng ghép vì thời lượng ít mà cơ sở vật chất cũng không đầy đủ.
Giáo viên nên coi việc hướng dẫn cho các em phòng chống tham nhũng là có những bài học đạo đức chứ không phải là vấn đề "nhạy cảm" để né tránh
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên,ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, vấn đề khó không phải nằm ở số lượng tiết học, cơ sở vật chất mànằm ở cách mà giáo viên triển khai bài giảng cho học sinh."Họ phải linh hoạt, sinh động, tinh tế. Trước khi lấy chuyện tiêu cực của xã hội để làm ví dụ, thầy cô nên hỏi học sinh về những biểu hiện tham nhũng ở chính môi trường các em sống, điều các em có thể nhận thấy và cần tránh xa.
Bài giảng không cần tích hợp xa xôi, ngay việc chạy trường chạy lớp, coppy bài vở của bạn cũng chính là hành động gian dối, đạo đức trong học tập. Đó cũng chính là những biểu hiện bước đầu của việc tham nhũng.Không nên cho rằng những ví dụ về tham nhũng đưa vào trong tiết học cho học sinhlà khó, là nhạy cảm. Bởi, trên thực tế, câu chuyện tham nhũng không còn mới mẻ, xa lạ, không có gì là nhạy cảm,các giáo viên chỉ cần để ý một chút và tập trung trong việc hướng dẫn các em thì sẽ hoàn thành tốt được vai trò của mình.
Việc làm này chỉ khó khi bản thân giáo viên không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ của tiêu cực trong thi cử và tự thấy tâm mình không sáng. Chính phủ đang làm rất mạnh về công tác phòng chống tham nhũngthì không có lý do gì để ngành giáo dục thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Bên cạnh đấy, thời đại công nghệ thông tin, các em có thể biết mọi việc chỉ cần một cái click chuột”, ông Vinh cho hay.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng, bản chất của nghề sư phạm đã là dạy các em làm người tử tế. Vì vậy, chưa cần đến nội dung học phòng chống tham nhũngthì ngay chính trong cách giáo dục từ ngàn xưa đã hướng các học trò tránh xa tham nhũng, tiêu cực. Cũng không nên coi chuyện một giáo viên phải được đào tạo kiến thức về xã hội, pháp luật chuyên sâu mới có thể dạy được nội dungphòng chống tham nhũng.
Chia sẻ về việc đưa nội dungphòng chống tham nhũng dạy trong trong nhà trường, thầy Trần Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho rằng: Nhà trường đã và đang yêu cầu các giáo viên xây dựng kế hoạch, soạn giáo án chi tiết ở từng khối lớp; lồng ghép nội dung PCTN vào các hoạt động ngoại khóa; nội dung phòng chống tham nhũng được giảng dạy gắn liền với trách nhiệm và những việc làm cụ thể ở lứa tuổi học sinh. Qua các bài học thực tế cũng như các buổi học thông qua từng câu chuyện, từng vở diễn do chính các em học sinh đảm nhận vai thì thấy các em rất hào hứng, thích thú với tiết học về phòng chống tham nhũng này.
Có thể nói, về việc lồng ghép kiến thức, nội dung phòng chống tham nhũng vào các môn học ngay tại trường THPT đã và đang nhận được nhiều sự đồng tình từ giáo viên, tới học sinh. Mặc dù vẫn đang còn có những mặt hạn chế nhưng từ nay cho tới hết năm học 2016, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp đủ cho giáo viên các tài liệu tham khảo cần thiết để giảng dạy về phòng chống tham nhũng. Cung cấp nhiều hình ảnh chính thống về thực trạng tham nhũng,kết quả công tác phòng chống tham nhũng để thầy cô giáo và học sinhdễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ lan tỏa ngày càng sâu rộng, đúng như tinh thần các Nghị quyết của Đảng là quyết liệt phòng chống tham nhũng.
Dạ Thảo