Nhu cầu dùng năng lượng càng cao, thắt chặt an ninh càng khó

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:19, 26/08/2016

Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời tạo sức ép lớn cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành này.

Nhu cầu tăng nhanh, đè nặng áp lực vốn, đảm bảo an ninh…

Phát biểu tại "Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016: Thách thức cho phát triển bền vững" ngày 25.8, ông Lê Tuấn Phong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2015. Nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng đã tăng trưởng trung bình 13,7%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015. Năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc đạt khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.

Tuy nhiên, theo ông Phong, Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo sức éplớn cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành năng lượng.

Ngoài ra, Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện vào năm 2020. Các khoản đầu tư lớn, cải cách thị trường năng lượng là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai, đồng thời duy trì việc tiếp cận cho mọi đối tượng ở mức giáhợp lý, giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự tác động đến môi trường của ngành.

Thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo

Ông Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch cùngnăng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Song song với việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cũngđã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-Ttg ngày 25.11.2015 trong đó có mục tiêu tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE (tấn dầu tương đương) vào năm 2015 lên khoảng 37 triệu tấn TOE vào năm 2020, khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050.

Đáng chú ý trong đó, tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo từ khoảng 58 tỉ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỉ kWh vào năm 2020,khoảng 186 tỉ kWh vào năm 2030 và khoảng 452 tỉ kWh vào năm 2050. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ 35% năm 2015 lên khoảng 38% năm 2020, khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu cụ thể như cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2030. Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020, hầu hết các hộ dân có điện, đến năm 2030 tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, giá hợp lý. Giảm phát thải khí nhà kính 5% năm 2020, và 45% năm 2050. Giảm nhập khẩu nhiên liệu, giảm 40 triệu tấn than, 3,7 triệu tấn dầu năm 2030; 150 triệu tấn than,10,5 triệu tấn dầu năm 2050. Tỷ lệ số hộ sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời từ 4,3% năm 2015 lên 50% vào năm 2050.

Tuyết Nhung

tuyetnhung