Xem xét loại phí visa ra khỏi danh mục chịu thuế cho lao động nước ngoài
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:38, 25/08/2016
Đó là một vài trong số những thắc mắc mà các doanh nghiệp (DN)nêu ra cho lãnh đạo Cục thuế TP.HCM tại buổi hội thảo “Dịch vụ thuế - Nhân sự toàn cầu” khu vực Đông Nam Á, do Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức ngày 23.8.
Buổi hội thảo có chủ đề: “Quản lý việc tuân thủ và rủi ro khi điều động nhân sự toàn khu vực Đông Nam Á”, diễn ra trong bối cảnh người lao động ASEAN tăng cường luân chuyển, nhờ sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Sự kiện nhằm cung cấp cho các DN những kiến thức cần thiết về luật thuế và luật xuất nhập cảnh trong lĩnh vực tuyển dụng và điều động nhân sự xuyên quốc gia, qua đó hỗ trợ các DN cập nhật những thay đổi của luật thuế, vốn tác động đến cả người lao động và sử dụng lao động trong khu vực.
Một trong những vấn đề được phía DN nêu ra là khoản thanh toán cho lao động nước ngoài để làm visa có phải chịu thuế không. Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục thuế TP.HCM, nhận thấy một số điểm chưa thật sự phù hợp, Cục thuế TP.HCM đang xem xét đề xuất Tổng cục thuế hướng dẫn sửa đổi quy định thuế đối với phí visa.
Cùng với Cục thuế TP.HCM, các chuyên gia trong dịch vụ nhân sự toàn cầu của Deloitte đến từ Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines cũng chia sẻ những điểm nổi bật về chính sách thuế và luật lao động của nước mình. Chẳng hạn, khung thuế TNCN đối với lao động nước ngoài ở Việt Nam và Indonesia là 20%, so với mức 22% tại Singapore, 28% ở Malaysia. Tại Singapore và Malaysia, lao động nước ngoài dưới 60 ngày thì không phải khai thuế… Hay các mức phạt khác nhau tại từng quốc gia nếu lao động nước ngoài trốn thuế, mà mức cao nhất có thể sẽ bị truy tố như tại Singapore.
Đầu năm 2016, cộng đồng AEC được chính thức thành lập với 10 quốc gia, dân số hơn 620 triệu người, trong đó, lực lượng lao động chiếm tỉ lệ gần 50%. Top 3 quốc gia chiếm tỉ trọng lao động lớn nhất với hơn 70% bao gồm Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Với quy định tự do luân chuyển lao động có tay nghề, các DN trong AEC đều đứng trước cơ hội tuyển dụng lao động giàu năng lực, đồng thời cũng phải đối mặt với những trở ngại do khác biệt về luật thuế, luật xuất nhập cảnh ở từng quốc gia gây ra.
Ông Thomas McCelland, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam nhận định: “Việc cập nhật các quy định mới về thuế chính là chìa khóa giúp các nhà quản lý nhân sự đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định ở cả nước sở tại cũng như nước của cá nhân đến làm việc, nhằm tránh những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp”.
Kim Vân