Trào lưu dùng quỹ hưu trí đầu tư chứng khoán trong nền kinh tế thế giới

Quốc tế - Ngày đăng : 07:19, 25/08/2016

Quỹ hưu trí được xem là một trong những quỹ nhạy cảm nhất và dễ phát sinh ra những hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội nếu như có trục trặc trong quá trình đầu tư. Nhưng cũng vì thế mà việc sử dụng quỹ hưu trí để đầu tư vào chứng khoán lại đồng thời cũng là một sự đảm bảo về tương lai của nền kinh tế đó.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại tình trạng trì trệ kể từ thời điểm đầu năm 2016 đến nay, cũng như việc hầu hết các nền kinh tế lớn đều có những vấn đề của riêng mình, thì cũng là lúc các giải pháp phi chính thống bắt đầu được các quốc gia sử dụng ngày càng nhiều hơn với hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế. Ngoài chính sách lãi suất âm, giải pháp sử dụng quỹ hưu trí vào việc đầu tư chứng khoán đang là hai trong số những biện pháp đang dần trở thành trào lưutrong nền kinh tế toàn cầu. Khác với phần lớn các quỹ bảo hiểm xã hội khác, quỹ hưu trí được xem là một trong những quỹ nhạy cảm nhất và dễ phát sinh ra những hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội một quốc gia nếu như có trục trặc trong quá trình đầu tư. Nhưng cũng vì thế, mà việc sử dụng quỹ hưu trí để đầu tư vào chứng khoán và nền kinh tế lại đồng thời cũng là một sự đảm bảo về tăng trưởng của nền kinh tế đó trong tương lai.

Vào thời điểm đầu tháng 7.2016, Trung Quốc đã khiến khá nhiều nhà phân tích bất ngờ khi tuyên bố đang chuyển khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ (300 tỉ USD) nằm trong các quỹ hưu trí địa phương sang cho Quỹbảo hiểm xã hội nhà nước để đầu tư vào các loại chứng khoán, trong đó có cả cổ phiếu. Sở dĩ thông tin này gây bất ngờ dù nó đã được lên kế hoạch từ thời điểm tháng 8.2015 – trùng khớp với sự kiện cuộc đổ vỡ trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc khiến cho khoảng 5.000 tỉ USD vốn hóa đã bị thổi bay, là vì việc cho phép sử dụng tiền trong quỹ hưu trí đầu tư vào các loại tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu và chứng khoán tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế và đặc biệt là xã hội. Chỉ cần một sơ sảy nhỏ trong quá trình đầu tư cũng có thể dẫn đến những bất ổn xã hội, nếu như tiền lương hưu của những người dân Trung Quốc đã nghỉ hưu trong xã hội bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng biện pháp này. Ngay từ tháng 10.2014, chính phủ Nhật Bản cũng đã cho phép quỹ hưu trí có tổng giá trị lớn nhất thế giới của mình (khoảng 1.300 tỉ USD) được phép đầu tư vào TTCK thay vì chỉ đầu tư vào các loại tài sản có độ an toàn cao hơn như trái phiếu chính phủ. Việc Thủ tướng Shinzo Abe cho phép quỹ hưu trí của Nhật Bản được đầu tư vào cổ phiếu được xem là một động thái đáng chú ý, khi quỹ hưu trí này có tổng giá trị lớn nhất thế giới, ngang bằng với GDP của Mexico hoặc đủ khả năng mua cả hai tập đoàn hàng đầu nước Mỹ là Apple và ExxonMobil mà vẫn còn dư dả. Quỹhưu trí khổng lồ của Nhật Bản bắt đầu mua vào các loại cổ phiếu vì thế cũng đồng nghĩa với một cú hích lớn cho nỗ lực cải cách nền kinh tế nước này theo chương trình Abenomics.

Việc chính phủ các quốc gia sử dụng quỹ hưu trí của mình vào các hoạt động đầu tư kinh tế không phải là điều gì quá xa lạ, khi nó đang dần trở thành một trào lưu diễn ra khắp thế giới. Đầu tư vào các loại tài sản có mức độ an toàn cao như các loại trái phiếu chính phủ luôn là một động thái quen thuộc của các nhà quản lý quỹ hưu trí, và lợi nhuận mà nó mang về hàng năm cũng không phải là nhỏ. Có thể kể đến những trường hợp điển hình như Quỹhưu trí của chính phủ Na Uy có tổng trị giá khoảng 860 tỉ USD và có hiệu suất sinh lời bình quân hàng năm lên tới 5,2% - một con số thuộc diện cao nhất thế giới. Nhưng nó vẫn chưa thấm vào đâu so với hiệu suất sinh lời lên đến 7,3% của quỹ quản lý hưu trí Mỹ. Lợi nhuận trong các hoạt động đầu tư tài chính này giúp cho các quỹ hưu trí này có thể tăng lương hưu cho người dân, và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng hộ gia đình. Phạm vi của hoạt động đầu tư vì thế cũng trải rộng, không chỉ ở trong nước mà còn trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, chính sách cho phép quỹ hưu trí đầu tư vào TTCK mà Nhật Bản và Trung Quốc tiến hành trong thời gian qua lại mang những dụng ý khác. Khác với các hoạt động đầu tư mang tính chất sinh lời thông thường của các quỹ hưu trí khác trên thế giới, thì quỹ hưu trí tại Nhật và Trung Quốc lại được sử dụng như những đòn bẩy để kích thích tăng trưởng kinh tế, thông qua việc giới hạn phạm vi đầu tư chỉ trong nền kinh tế quốc nội, mà cụ thể là vào TTCK. Đây được xem là một động thái khá mạo hiểm, khi từ trước tới nay các quỹ hưu trí thường chỉ giới hạn trong việc đầu tư vào các loại tài sản có mức độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ, còn các loại cổ phiếu thì lại được xem là một loại tài sản có mức độ rủi ro cao.

Những mục tiêu kinh tế mà các chính phủ kỳ vọng đạt được khi cho phép quỹ hưu trí đầu tư vào TTCK khá đa dạng. Trước hết, đó sẽ là một nguồn vốn quan trọng có thể kích thích nền kinh tế hoạt động mạnh hơn, thông qua việc mua cổ phiếu các tập đoàn và công ty làm ăn hiệu quả và cần thêm vốn đầu tư để phát triển. Để tránh rủi ro cho các hoạt động đầu tư sử dụng tiền từ quỹ hưu trí, các cổ phiếu được lựa chọn sẽ chỉ giới hạn ở các tập đoàn và công ty có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Và phần lợi nhuận thu được sẽ được sử dụng để tăng lương cho những người đã về hưu trong xã hội Nhật Bản, qua đó thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình và có thể khiến tăng cả lạm phát lẫn tăng trưởng kinh tế vốn là hai mục tiêu quan trọng mà chính phủ nước này đang kỳ vọng.

Ở thời điểm hiện tại, sau gần 2 năm kể từ khi được chính phủ cho phép đầu tư vào TTCK, quỹ hưu trí Nhật Bản giờ đây đang là một thế lực lớn trên TTCK nói riêng và nền kinh tế Nhật Bản nói chung. Hiện quỹ này đang sở hữu hơn 5% TTCK trong nước, và là cổ đông hàng đầu của hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Honda, Mitsubishi hay tập đoàn tài chính UFJ. Quỹnày hiện cũng đang là cổ đông lớn thứ hai tại tập đoàn Toyota và đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất trong ít nhất là 121 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo. Nói cách khác, việc cho phép quỹ hưu trí đầu tư vào TTCK là một mũi tên nhắm đến nhiều đích của Thủ tướng Abe, vừa thúc đẩy TTCK và tăng trưởng kinh tế, vừa tăng lương cho một bộ phận những người về hưu hiện chiếm khoảng 1/4-1/3 dân số Nhật Bản, qua đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa và có thể sẽ khiến lạm phát tăng lên như ông Abe kỳ vọng.

Trung Quốc có lẽ cũng đang hướng tới những mục tiêu tương tự khi cho phép quỹ hưu trí nước này đầu tư vào TTCK kể từ nửa cuối năm 2016. Ngoài những lý do về thúc đẩy tăng trưởng và tăng lương hưu, thì Trung Quốc còn hướng đến việc vực dậy niềm tin đối với TTCK của mình vốn suy yếu khá nhiều sau vụ sụp đổ vào giữa năm ngoái do vỡ bong bóng. Vì khi mà một chính phủ cho phép quỹ hưu trí của mình đầu tư vào một loại tài sản được xem là có độ rủi ro cao như chứng khoán, thì điều đó đồng nghĩa với việc TTCK quốc gia đó đang ổn định và dễ sinh lời, hoặc ít nhất thì cũng có vẻ như là thế.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Nhàn Đàm