Bà Suu Kyi tới Trung Quốc cùng xem xét lại dự án thủy điện từng gây tranh cãi
Quốc tế - Ngày đăng : 17:20, 19/08/2016
Dù trên danh nghĩa bà Suu Kyi không phải là Tổng thống Myanmar, nhưng với các chức vụ mà bà đang nắm giữlà Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, bà được xem là có quyền lực ngang với thủ tướng của nước khác.
Dù có quan hệ thân thiết với Mỹ và sẽ sang thăm chính thức Mỹvào tháng sau, nhưng Trung Quốc mới là quốc gia đầu tiên mà bà Suu Kyi thực hiện chuyến công du bên ngoài khu vực Đông Nam Á.
Chuyến thăm của bà San Suu Kyi tới Trung Quốc phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằngchính sách đối ngoại của Myanmar sẽ thân thiện hơn với Trung Quốc vốn đã bị mai một dưới thời Tổng thống Thein Sein.
Trong cuộc gặp và làm việc với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 18.8, bà Suu Kyi đã đồng ý rằng hai bên sẽ cần tăng cường hợp tác hơn trong lĩnh vực năng lượng và cùng nhau tìm ra một giải pháp thích hợp cho dự án xây dựng đập Myitsone.
Ông Lý nói với bà Suu Kyi là Trung Quốc hy vọng Myanmar có thể chấp nhận một giải pháp thích hợp cho việc xây dựng dự án đập Myitsone, theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin cho biết sau cuộc hội đàm.
Đáp lại, nữ bộ trưởng quyền lực của Myanmar nói chính phủ mới của nước này đã quyết định thành lập một ủy ban để tìm ra giải pháp cho vấn đề đập Myitsonevì đây là lợi ích của cả hai nước, ông Liu thuật lại cuộc hội đàm với các nhà báo.
Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi hai bên thúc đẩy sựhợp tác tốt hơn trong các dự án lớn, đặc biệt là dự án đập Myitsone và đường ống dẫn dầu, khí đốt nối Trung Quốc-Myanmar để cải thiện các kết nối hạ tầng giữa hai nước.
Myitsone thuộc bang Kachin là nơi hợp lưu hai dòng chảy Mali và N’mai và là một địa điểm thiêng liêng vì từ đây bắt nguồn con sông lớn nhất nước - sông Irrawady, chảy dọc từ bắc xuống nam với chiều dài hơn 2.000km, vốn là nguồn huyết mạch quan trọng vàcái nôi văn hóa Myanmar.
Năm 2005, chính phủ Myanmar đã ký kết một hợp đồng xây dựng đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD với Tập đoàn China Southern Power Grid (Trung Quốc) ngay tại chính nơi hợp lưu hai dòng chảy đó. Nhưng theo hợp đồng,phần lớn lượng điện sản xuất ra từ con đập này sẽ dùng để xuất khẩu cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chứ không phải cho người dân bang Kachin.
Chính vì vậy, con đập Myitsone trở thành một dự án đầy tranh cãi giữa Trung Quốc và Myanmar. Năm 2011, trong một quyết định có phần bất ngờ, chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh ngừng dự án đập Myitsone với lý do nếu tiếp tục dự án này sẽ “chống lại ý nguyện của nhân dân Myanmar”.
Không chỉ "chống lại ý nguyện của người dân", theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công trình thủy điện này có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho dân cư và hệ sinh thái.
Cuộc sống của hơn 11.000 người chung quanh khu vực xây dựng đập sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng. Nhiều đền chùa Phật giáo, các nhà thờ Công giáo cùng nhiều đền thờ văn hóa khác của tộc người Kachin có nguy cơ biến mất. Hệ sinh thái khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chưa hết, điều đáng lưu tâm hơn là con đập xây ở thượng lưu sông Mekong này hoàn toàn có thể gây hại nặng nề đến môi trường và cuộc sống hàng triệu người dân ở những quốc gia thuộc hạ lưu sông, trong đó Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Tuần trước, Tổng thống Myanmar U Kyaw Htin quyết định thành lập một ủy ban để rà soát các dự án thủy điện được đề xuất xây dựng trên sông Irrawaddy, trong đó có đập Myitsone.
Dù động thái này không có nghĩa là dự án gây tranh cãi nói trênsẽ chính thức được khởi động lại, nhưng theo Tân Hoa Xã nhận xét thì nó cho thấy một sự "tích cực" trong cách xử lý quan hệ giữa những nhàlãnh đạo mới của Myanmar với Trung Quốc.
"Việc lựa chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm ngoài khối ASEAN sau khi nhậm chức là Cố vấn Nhà nước cho thấy tầm quan trọng mà bà và chính phủ Myanmar đánh giá về mối quan hệ với Trung Quốc", ông Lý Khắc Cường nói với bà Suu Kyi.
Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi hai nước đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp, và mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục và y tế hơn nữa.
"Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Myanmar để cũng có niềm tin chính trị và tăng cường giao tiếp, hợp tác trong các lĩnh vực khác để thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trong thời kỳ mới", ông Lý tuyên bố.
Đáp lại, bà Suu Kyi nói rằng tình bạn giữa Myanmar-Trung Quốc là một "tình bạn vững chắc" trong nhân dân hai nước, chính phủ mới của Myanmar cũng đánh giá cao mối quan hệ với Trung Quốc và cam kết cũng cố mối quan hệ hiện nay hơn nữa.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Myanmar, đồng thời cũng là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.
Thiên Hà (theo Tân Hoa Xã)