Ngư dân phát hiện ống xả Formosa bị bắt ở Úc đã được thả về nước

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:14, 13/08/2016

Sau 8 tuần bị nhà chức trách Úc bắt khi lặn biển vào lãnh thổ nước này ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở xã Kỳ Lợi thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã được thả về nước trong niềm vui mừng của gia đình và người thân.

Sau khi đặt chân về đến quê nhà ngư dân Nguyễn Xuân Thành đã bắt tay ngay vào sữa chữa tàu thuyền để tiếp tục hành nghề lặn biển của mình.
Chiều 11.8, chia sẻ với PV,ngư dân Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Đầu năm 2016, gia đình tôi vay mượn 300 triệu đồng đóng được chiếc thuyền để đi lặn biển, hy vọng cuối năm trả hết nợ. Ai ngờ đầu tháng 4 xẩy ra sợ cố môi trường biển khiến cá chết, nghề đánh bắt cũng như nghề lặn của tôi gặp vô vàn khó khăn. Vào giữa tháng 6.2016, đành neo lại thuyền cùng bạn bè tha hương đi lặn biển qua nhiều nước trong đó xâm phạm vào lãnh thổ nước Úc và bị nhà chức trách nước này bắt”.

“Sau 8 tuần bị bắt, nhờ được can thiệt của đại sứ quan Việt Nam tại Úc và các cơ quan chức năng nên tôi cùng hai người nữa ở xã Kỳ Lợi là Chu Văn Oanh và Chu Văn Thành được thả về nước. Quá trình bị bắt bên đó anh em ngư dân chúng tôi được họ đối đãi rất tốt, lúc về, nhà chức trách Úc còn lo cho vé máy bay và tiền ăn uống đi lại ”-ngư dân Thành nói.

Kể về quá trình tha hương lặn biển của mình ngư dân Nguyễn Xuân Thành cho hay: “Tôi đi lặn với bạn bè trên tàu cá của Quảng Ngãi chuyến đi đó mới qua vùng biển của Úc được 4 ngày chủ yếu lặn bắt hải sâm dự định sau khoảng 10-12 ngày là trở về Việt Nam nhập hải sản thì bị bắt”.

Thời gian hơn 2 tháng bị bắt không đi biển được cuộc sống gia đình gặp vô vàn khó khăn, ngoài hai vợ chồng còn có 4 đứa con còn nhỏ. Vì vậy sau khi về đến quê ngư dân Nguyễn Xuân Thành sửa lại máy móc tiếp tục nghiệp lặn biển của mình: “Thời điểm này nghề biển gặp khó khăn đánh cá về khó tiêu thụ nhưng đối với hoàn cảnh của tôi nếu tôi không đi biển vợ con nhịn đói. Với lại nghề lặn biển của tôi có chút lợi thế chủ yếu đánh bắt hải sản có giá trị như cá mú, tôm hùm…dù giá có rẻ nhưng vẫn tiêu thụ được”-ngư dân Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.

Nguyễn Xuân Thành là người đầu tiên phát hiện ống xã thải ngầm của Formosa đổ ra biển vào cuối tháng 3.2016, sau đó anh Thành về trình báo với Đồn Biên phòng Đèo Ngang. Tuy nhiên, thời điểm nhà nước Việt Nam công bố thủ phạm Formosa gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển khiến cá chết 4 tỉnh miền trung ngư dân Nguyễn Xuân Thành đang tha hương đánh cá ở vùng biển Úc và bị bắt bên đó. Trò chuyện với chúng tôi ngư dân Thành cho hay: “Trong quá trình bị bắt giam ở Úc tôi đọc trên mạng thấy nhà nước mình công bố thủ phạm là Formosa gây ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tôi không thấy bất ngờ. Vì những gì trước đó tôi lặn ở vùng biển quanh khu nhà máy Formosa thấy đường ống xả thải ngầm của Formosa cắm sâu xuống đáy biển đang phun những thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối mặc dù trước khi lặn đeo bình khí nhưng mùi nước thải ra rất khó chịu và gây khó thở cho người thì thử hỏi cá làm sao sống nổi”.

Hữu Anh/Dân Việt

1