Mối nguy hiểm ẩn sau ‘con thú ảo’ mang tên Pokémon
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:28, 11/08/2016
Ngày 6.8, trò chơi Pokémon Go chính thức có mặt tại Việt Nam, gây ra cảnh nhiều bạn trẻ đổ xô về trung tâm thành phố, nhất là các công viên để bắt Pokémon. Từ sáng sớm và ngay cả khi đêm xuống, họ vẫn mải mê với trò chơi này, bất chấp không ít nguy hiểm rình rập.
Nguy cơ nhiễm mã độc
Trả lời câu hỏi của báo điện tử Một Thế Giới, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết ngay từ khi chưa được cung cấp chính thức tại Việt Nam,Pokémon Gođã có thể được tải về từ nhiều nguồn không chính thống trên Internet. Các nguồn này không đảm bảo với hàng loạt game giả mạo có thể khiến smartphone của người dùng bị tấn công.Thực tế, tại Bkav đã phân tích một số ứng dụng Pokémon Gogiả mạo và đã tìm thấy mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.
“Ngày 6.8 vừa qua, Pokémon Gođã chính thức được phát hành tại Việt Nam. Nguy cơ các đối tượng xấu ra các ứng dụng nhái Pokémon Go để lừa, dụ người dùng sử dụng nhằm phát tán mã độc nhờ đó đã giảm bớt. Tuy nhiên khả năng nhiễm mã độc vẫn còn”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Tuấn Anh, để chơi game Pokémon Go, người dùng cần bật tính năng định vị (GPS) và camera. Như vậy, về mặt kỹ thuật, từ tập hợp các vị trí và hình ảnh xung quanh những vị trí đó, nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác từ những người chơi.
Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokémon Gotrở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm. Hoặc nếu người chơi Pokémon Go tại những địa điểm quan trọng và nhạy cảm không được phép quay phim, chụp ảnh, các thông tin này có thể vô tình bị lộ. Đây chính là lý do nhiều quốc gia e ngại vấn đề an ninh khi những thông tin này bị sử dụng với mục đích xấu.
Dù ngàyhay đêm, giới trẻ vẫn miệt mài săn Pokémon (Ảnh: info)
Hiểm họa rình rập
Tuy mới chỉ được chơi chính thức ở Việt Nam vài ngày, thế nhưng ứng dụng Pokémon Gođã nhanh chóng tạo nên cơn sốt và khiến giới trẻ “đảo điên” vì trò chơi này. Do yếu tố định vị, không ít người chơi di chuyển giữa các địa điểm khác nhau ngoài đời thật để săn con vật trong thế giới ảo. Tại hồ Gươm, nhiều bạn trẻ từ khắp nơi kéo đến, dán mắt vào màn hình điện thoại tới khuya để chơi game.
Có thể dễ dàng nhận thấy, điểm chung giữa các game thủ Pokémon chính là việc họ thường lẩm bẩm hoặc tự cười một mình mỗi khi bắt thành công một chú Pokémon nào đó. Dù biết rõ những nguy hiểm trước mắt nhưng con thú ảo vẫn khiến cho nhiều người vừa di chuyển vừa dán mắt vào màn hình smartphone; thậm chí có những trường hợp, người chơi vừa điều khiển xe máy vừa bắt Pokemon.
Săn con thú ảo ngay cả khi tham gia giao thông (Nguồn: Internet)
Trao đổi với PV báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết tuy rằng khôngcó qui định nào cấm chơi game trên điện thoại di động nhưng Luật Giao thông đường bộ có qui định không được sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, trong Nghị định 46 nêu rõ việc xử phạt hành chính: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo, các bạn trẻ chơi game Pokémon Gophải hết sức cẩn thận, bởi vì loại game này khi chơi phải hết sức tập trung vào màn hình điện thoại để bắt “con thú ảo” nên ngoài nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vi phạm luậtgiao thông thì người chơi vô tình đã tạo cơ hội cho tội phạm dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như "cướp giật tài sản".
Chơi mọi lúc mọi nơi (Ảnh: Kênh 14)
Tiếp tục trao đổi với PV báo điện tử Một Thế Giới, TS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia xã hội học giải thích: “Khi chơi Pokémon, người chơi thường phải tập trung cao độ và nếu bắt được con thú ảo đó sẽ khiến người chơi tạo được sự thích thú, vui sướng mà khó dứt ra được. Vô hình chung, trò chơi này như một cơn nghiện ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động, chiếm lĩnh hết thời gian dành cho những công việc khác cũng như dành toàn bộ bộ hệ thống thời gian trong hệ thống thần kinh”.
Cũng theo TS Bình,việc quá chú tâm vào màn hình điện thoại thông minh sẽ rất dễ gây tình trạng mệt mỏi, chán nản với tất cả những việc khác, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, học tập cũng như quy trình phân bố thời gian của chính người chơi.
Với những mối nguy hại đó, vị Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav khuyến cáo: “Người dùng cần cẩn trọng khi cài phần mềm, chỉ cài từ kho chính thống Google Play hoặc App Store, không nên tải các phiên bản từ nguồn bất kỳ trên mạng để tránh trở thành nạn nhân của ứng dụng giả mạo. Đồng thời, người dùng nên tìm hiểu thông tin về nhà sản xuất và số lượt tải vì đây cũng những yếu tố quan trọng để phân biệt ứng dụng "xịn" và ứng dụng giả mạo”.
Pokémon Go là trò chơi ảo sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS với sự tương tác trên màn hình cảm ứng của điện thoại, iPad... Khi khởi động trò chơi, màn hình sẽ hiện ra bản đồ khu vực của người chơi. Khi có Pokémon xuất hiện, ứng dụng và thiết bị sẽ ra thông báo cho người chơi bằng tín hiệu rung hoặc đèn nhấp nháy. Nhiệm vụ của người chơi là cầm theo điện thoại thông minh (có cài trò chơi và bật GPS) di chuyển tới điểm đó để săn bắt Pokémon. Trò chơi này khiến người chơi phải vận động chứ không thể ngồi yên một chỗ.