Sai phạm hàng chục tỉ đồng công trình Văn miếu 'thờ Khổng Tử'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:21, 06/08/2016

Qua kết quả kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng công trình Văn miếu trên địa bàn tỉnh này để xảy ra sai sót hàng chục tỉ đồng.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ đầu tư công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc đã để xảy ra hàng loạt những sai sót, hạn chế trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, làm tăng giá trị công trình.

Cụ thể, lập và trình duyệt dự toán đầu tư xây dựng công trình còn tính sai khối lượng, áp dụng định mức chuyên ngành, định mức hao phí vật liệu chưa có cơ sở, chưa thống nhất.

Ngoài ra, chủ đầu tư công trình chưa thẩm định đơn giá các vật tư, vật liệu chính và đặc thù, có giá trị lớn sử dụng cho công trình như giá đá khối, giá gỗ lim, giá chuông đồng, trống, hoa văn chanh, ngói mũi hài, đá lát; vận dụng định mức chi phí chung, định mức chạm khắc hoa văn, rùa và bia tiến sĩchưa có cơ sở.

Những sai sót, hạn chế trên đã làm tăng giá trị công trình hơn 18,7 tỉđồng. Không dừng lại đó, chủ đầu tư còn nghiệm thu khối lượng thi công chưa chặt chẽ, dẫn tới sai khối lượng nghiệm thu phải giảm trừ gần 15 tỉđồng.

Chỉ rõ trách nhiệm của những sai sót trên thuộc về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị UBND tỉnh kiểm điểm tập thể và cá nhân đối với đơn vị này liên quan đến công trình nói trên.

Văn Miếu Vĩnh Phúc trải rộng trên một diện tích hơn 4 ha tại Khu đô thị Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên với tổng mức đầu tư 270,9 tỉđồng, được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt vào tháng 10.2011.

Tờ trình của Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đây là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu. Ngoài thờ đức Khổng Tử, Văn miếu Việt Nam còn là nơi đào tạo nhân tài; thờ các danh nhân văn hoá dân tộc như Chu Văn An, Trương Hán Siêu…

Tuy nhiên, sau đó, khi trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho hay chưa thống nhất việc thờ Khổng Tử và tính đến phương án mà chỉ đưa vào gian thờ chính là ông Chu Văn An.

Việc xây dựng Văn miếu cũng được tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá là cần thiết nhằm tái hiện, kế thừa một di tích lịch sử quan trọng; tưởng niệm các danh nhân văn hoá đạo cao đức trọng của Vĩnh Phúc và tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc, của người Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, việc xây dựng Văn miếu tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã gây ra những luồng tranh luận trái chiều, khi có nhiều ý kiến cho rằng, công trình này na ná Văn Miếu tại Hà Nội, có chi phí xây dựng lớn, tốn kém tiền của trong khi ngân sách Nhà nước khó khăn và nhu cầu cho giáo dục, y tế đang cấp thiết.

Bích Diệp - Dân Trí

Theo Thanh Niên