Ê-kip Việt Nam 'tố' nhà sản xuất phim có Mike Tyson 'quên' trả thù lao
Văn hóa - Ngày đăng : 11:50, 05/08/2016
Chính vì điều này, nhiều người đã bỏ việc giữa chừng, trong đó có những người giữ vai trò chủ chốt của đoàn phim, như: phó đạo diễn, nhân sự tổ sản xuất…
Dưới đây là đoạn phỏng vấn anh Tuấn (Tuấn Voi) - người chỉ đạo hành động trong phimGirls 2 - Những cô gái và gangster- nói về những bức xúc của mình trong thời gian tham gia đoàn phim của Trần Bảo Sơn vừa qua:
Ngoài ra, anh Đ. – một trong những người giữ vị trí quan trọng nhất ở tổ sản xuất cho biết: “Tôi bắt đầu làm việc cùng đoàn phim từ ngày 5.7.2016, phim bấm máy vào 6.7.2016. Tôi đồng ý ký hợp đồng vào 6.7 và chuyển lại cho lãnh đạo Công ty TNHH Giải trí TBS (Trần Bảo Sơn làm giám đốc) ký. Nhưng tôi chờ hoài mà không thấy hợp đồng chuyển lại. Làm được 9 ngày, đến 14.7 thì tôi nghỉ việc”.
Cũng theo anh Đ., có 2 lý do chính mà anh ngưng công việc sản xuất tại đoàn phim này. “Thứ nhất, hợp đồng của tôi là 100 triệu đồng, khi hỏi hợp đồng khi nào ký xong thì công ty TBS cứ hẹn lần hẹn lữa, cũng không thanh toán tiền. Thứ 2, tôi làm sản xuất, là người phải lo chi tiêu cho đoàn, từ việc ăn uống của cả ê-kíp, đến tiền thuê đạo cụ, bối cảnh… nhưng tôi không thể làm được việc này vì… không có tiền. Khi hỏi kinh phí thì người của đại diện công ty TBS kêu hỏi nhà sản xuất Hồng Kông, khi hỏi nhà sản xuất Hồng Kông thì họ kêu hãy hỏi TBS”.
Cũng theo anh Đ, những ngày gần đây, anh liên lạc với công ty TBS để yêu cầu giải quyết vụ việc cá nhân anh, cũng như một số chuyện liên quan đến phí thuê mướn xe cộ cho đoàn phim mà trước đây anh đã đứng ra thực hiện. Anh Đ. nói: “Tuy nhiên, phó giám đốc Công ty TBS kêu tôi hỏi nhà sản xuất của Hồng Kông. Tôi nói mình thỏa thuận công việc với TBS, thì không lý gì phải đi hỏi nhà sản xuất Hồng Kông".
"Chưa hết, họ còn kêu tôi hỏi rõ mọi chuyện từ người tuyển tôi vào. Nhưng người giới thiệu tôi vào là bạn của tôi, cũng nghỉ luôn cùng thời điểm với tôi, vậy thì ai giải quyết cho tôi?”, anh Đ. cho biết thêm.
Cũng theo anh Đ., “có những hôm đi hỏi tiền mua cơm cho anh em, hỏi tiền lương cho anh em mà đặt vấn đề với cả hai nhà sản xuất, tức phía TBS và phía Hồng Kông, mà phía nào cũng nói… không biết. Đến mức tôi phải đi năn nỉ anh em mượn tiền, hoặc năn nỉ anh em chịu khó từ từ nhận lương. Động viên cho anh em vui, có tinh thần làm việc, chứ không biết chờ tới khi nào mới có tiền. Tôi đã làm phim hơn 10 năm trời, chưa từng thấy một đoàn phim nào lại đối xử với anh em như vậy”.
Không riêng gì anh Đ., đến thời điểm này, có những người đã làm việc cho đoàn phim có võ sĩ lừng danh một thời Mike Tyson tham gia, nhưng vẫn chưa có hợp đồng, chưa nhận được thù lao.
Về chuyện này, anh Đ. nói thêm: “Tôi chỉ lo cho những anh em chưa có hợp đồng hoặc chưa nhận được tiền, khi đoàn phim quay xong, họ về Hồng Kông, vậy thì ai sẽ trả tiền cho anh em đây? Vì hiện tại, có chuyện anh em hỏi công ty TBS thì TBS lại kêu hỏi phía Hồng Kông, mà tôi là một điển hình”.
Một thành viên đoàn phim thông qua báo chí đề nghị nhà sản xuất Hồng Kông và TBS phải chấp hành luật pháp Việt Nam, làm đúng luật lao động, thuê người lao động thì phải có hợp đồng lao động rõ ràng, không thể cứ “hợp đồng miệng”, không thanh toán tiền, hoặc thanh toán không đúng tiến độ trong hợp đồng (với trường hợp người lao động đã có hợp đồng).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào khoảng 4 năm trước, một đoàn làm phim châu Âu cũng đến và hợp tác với một hãng phim tư nhân Việt Nam thực hiện một phim chiến tranh. Tuy nhiên, sau khi quay xong, đoàn này trở về nước và không thanh toán số tiền còn lại cho hãng phim Việt, con số lên đến hàng trăm ngàn USD. Để giải quyết ổn thỏa mọi việc và giữ uy tín với nghề, hãng phim Việt này phải cắn răng xuất tiền túi để chi trả thù lao cho các thành viên đoàn phim
TheoMinh Luân - Hà Ngân/TNO