Thủ tướng: ‘Chấm dứt cơ chế “xin - cho”, không bao cấp, hỗ trợ cho sự yếu kém’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:35, 01/08/2016
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với ngành công thương cần thay đổi cơ bản để xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất và hiệu quả. Yêu cầu ngành công thương tập trung tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu đổi mới, với trách nhiệm kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh trong lĩnh vực ngành quản lý.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển nhanh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để nâng cấp nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng lớn mạnh, trừ một số lĩnh vực quan trọng nhà nước cần chi phối.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, Bộ Công thương phải nêu cao cung cách làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới cải cách thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, quy hoạch theo hướng thị trường; xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi phải phù hợp với cơ chế thị trường đồng thời tạo động cơ mạnh mẽ cho các chủ thể của nền kinh tế lựa chọn hành động để đạt mục tiêu đề ra.
Thông báo nêu rõ, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi, tiến tới chấm dứt cơ chế “xin - cho”; không bao cấp, hỗ trợ cho sự yếu kém; chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm.
Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư, nhất là môi trường sống của người dân. Lãnh đạo các Bộ, các địa phương phải chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhà nước, trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra thảm họa môi trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục tập trung xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành công thương; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, tận dụng triệt để, hiệu quả những lợi ích do hội nhập mang lại.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công thương, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu những vấn đề trong ngành công thương như một số chuỗi bán lẻ lớn bị nước ngoài chi phối, quản lý bán hàng đa cấp, phân bón giả chưa chặt chẽ gây bức xúc xã hội… Rồi việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp cũng chậm, chưa hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương cần nghiên cứu tái cơ cấu ngay bộ máy của mình. Chỉ tên từng thứ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thứ trưởng phải tái cơ cấu ngay bộ phận mình phụ trách. “Bộ máy cồng kềnh đi vào đi ra nhiều quá không hiệu quả, phải tái cơ cấu lại” -Thủ tướng nói và lo “nói mãi không chịu làm”.
Nêu thách thức lớn với ngành công thươngnhư thể chế quản lý còn nửa thị trường, nửa kế hoạch hóa, thiếu mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách, điều hành, đặc biệt việc chống độc quyền còn hạn chế, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt hơn, phải đẩy mạnh hoạt động, chống mặt trái thị trường về cạnh tranh.
Trí Lâm