Lấy bối cảnh tại 65 quốc gia, gồm 200 bức ảnh rung động của hàng loạt nghệ sĩ quốc tế, một dự án nhiếp ảnh đặc biệt vừa ra mắt ở Anh nỗ lực đi tìm lời đáp cho câu hỏi: với mỗi người, cuộc sống ngày nay hàm chứa ý nghĩa gì?
Năm ngoái, nhà xuất bản độc lập Hoxton Mini Press (trụ sở tại London, Anh) và tạp chí Nhiếp ảnh Anh quốc (British Journal of Photography - BJP) phối hợp thực hiện “Portrait of Britain” - tuyển tập sách ảnh ấn tượng xoay quanh đề tài xã hội đương đại. Series với hàng trăm tác phẩm ghi nhận dấu ấn con người, văn hóa đa dạng nơi từng vùng miền xứ sở sương mù.
Tiếp nối thành công từ tựa sách, Hoxton và BJP lần nữa hợp tác trong một dự án mới mang giá trị rộng mở hơn. Sách ảnh tên gọi “Portrait of Humanity” phản ánh mối tương đồng thú vị về trải nghiệm sống giữa người với người, lần này, trên cấp độ toàn cầu.
Sách giới thiệu chuỗi ảnh nghệ thuật đồ sộ từ cộng đồng nghệ sĩ nhiếp ảnh đa quốc gia, trải rộng trên 65 đất nước với những câu chuyện bản sắc và khoảnh khắc sống thú vị.
Giữa thời đại khi chúng ta đang đối diện không ít thử thách về gìn giữ giá trị nhân quyền, những dự án như “Portrait of Humanity” chứa đựng lời nhắc nhở quan trọng: bất kể mọi khác biệt hay sự chia rẽ, con người vẫn còn đó rất nhiều nét tương đồng.
Dưới đây là một số tác phẩm nổi bật xuất hiện trong sách, đi kèm đoạn mô tả thú vị viết bởi chính những nhiếp ảnh gia.
‘Gia đình’ - Roland Błażejewski (Berlin, Đức)
“Tôi gặp cặp đôi trong ảnh ở Berlin. Khi tôi đến bắt chuyện, họ đang ngồi cạnh nhau tại một góc đường. Chúng tôi trò chuyện rất lâu và cụ ông cứ liên tục lặp lại những lời sau: ‘Chúng tôi là một gia đình, chúng tôi ở bên nhau, chúng tôi kiên cường’. Khi đứng dậy rời đi, bất chợt ngoảnh mặt lại tôi trông thấy họ ngay khoảnh khắc ấy, và tôi bấm máy”.
‘Bàn tay đưa nôi’ - Fabian Muir (Nampo, Triều Tiên)
“Những đứa trẻ này sống tại một cô nhi viện. Chúng khiến tôi không chỉ băn khoăn đến tương lai của riêng chúng, mà còn về tương lai đất nước chúng đang sống. Tôi hy vọng bọn trẻ có thể trưởng thành trên một mảnh đất Triều Tiên cởi mở hơn, vượt qua khoảng thời gian hơn nửa thế kỉ quanh lưng với thế giới”.
‘Trung tâm làm đẹp’ - Federico Redin (Kampala, Uganda)
“Một nữ nhân viên hiệu làm tóc làm việc tại ban công một trung tâm thương mại, trong khi khách hàng của cô đang ngồi thư giãn trên ghế. Cuộc ‘chạy đua’ tìm không gian kinh doanh tại trung tâm thủ đô Kampala thật sôi sục”.
‘Bác Tim, bé Noa và Ophir’ - Fiona Yaron-Field (London, Anh)
“Sinh năm 1906, bác Tim của tôi lớn lên trong một cộng đồng Do Thái truyền thống ở miền bắc nước Anh. Ông từng là quân nhân thuộc quân đoàn Anh chiếm đóng Ấn Độ. Ông sống sót qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, chứng kiến nhiều đổi thay chính trị lẫn phát triển công nghệ. Nhưng bác tôi vẫn tách mình khỏi bao biến động xung quanh. Ông luôn ít nói nhưng sự im lặng lại lắp đầy tâm trí tôi bằng những câu chuyện quá khứ ám ảnh”.
‘Đăng bức ảnh này khi ta không còn nữa’ - Tajette O’Halloran (Florida, Mỹ)
“Tôi chụp tấm ảnh đặc biệt này vào một tối ghé thăm nhà bà tôi. Lúc ấy tôi đang thay quần áo và chuẩn bị tắm. Khi bước ngang phòng ngủ của bà để dùng nhờ nhà tắm, bà nhìn tôi rồi nói: ‘Ô hay, con thật xinh xắn!’ Bà bỗng đến cạnh tôi, nhún vai, nâng bầu ngực lên vị trí nơi chúng từng căng tràn sức sống, 58 năm trước, thời điểm bà bằng tuổi tôi. Thấy thế, tôi cười một tràng dài. Bà đứng và cười cùng tôi, với nụ cười khúc khích nhỏ nhẹ điển hình.
Bà tôi qua đời ngày 11 tháng 3 năm 2018, ở tuổi 94. Và đến giờ tôi vẫn nghe được giọng nói của bà: ‘Đừng chĩa cái máy ảnh đó vào ta!’”
‘Niyonshuti Daniel’ - Patricia Gutiérrez (Kayonza, Rwanda)
“5 tuổi, Niyonshuti trở thành cô nhi và bắt đầu cuộc sống trên đường phố. Lên 10, cậu bé được giúp đỡ bởi Liên đoàn Bảo trợ Trẻ em đường phố (*Streets Ahead Childrean’s Centre Association - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ chăm sóc và giáo dục trẻ em cơ nhỡ tại Rwanda). Nhờ đó, Niyonshuti có cơ hội đến trường. 26 tuổi, Niyonshuti lấy bằng tốt nghiệp ngành Dược và Khoa học Sức khỏe, đại học Rwanda”.
‘Samy Chabani’ - David Cantor (London, Anh)
“Samy sinh ra ở miền tây nước Pháp, nhưng đến tuổi trưởng thành anh bắt đầu nhận ra sức ép từ chủ trương bảo thủ, kỳ thị tại quê nhà. Samy chuyển đến London, nơi anh tìm thấy cơ hội được tự do sống đúng với con người thật”.
‘Faso, người thuần ngựa’ - Iorgis Matyassy (Ougadougou, Burkina Faso)
“Faso là một người cưỡi ngựa và chuyên gia trong bộ môn nhảy ngựa. Tôi rất ấn tượng trước cách anh dễ dàng khiến con ngựa nằm xuống quy phục, ‘biến’ con vật cao to thành một chú chó nhà ngoan ngoãn”.
‘Lướt sóng ở Iran’ - Giulia Frigieri (Ramin, Iran)
“Từ năm 2013, Shahla Yasini đã ‘thách thức’ định kiến giới tính đối với phụ nữ Trung Đông, bằng cách trở thành vận động viên lướt sóng tiên phong tại khu vực đông nam Iran. Cô gái trẻ đại diện cho một thế hệ thanh niên Iran tự tin, dũng cảm và dám đấu tranh vì tự do nhân quyền”.
‘Adrian và Sofia trên biển’ - Javier Caso (Barcelona, Tây Ban Nha)
“Nghệ sĩ - nhà hoạt động xã hội Adrian Monzón, vợ anh Yordi và cô con gái nhỏ Sofia là một gia đình trẻ gốc Cuba. Họ sống tại một thị trấn ven biển cách Barcelona vài dặm đường. Tôi có dịp ghi lại một khoảnh khắc đẹp của tình thân, hạnh phúc cùng sự kết nối giữa Adrian và Sofia”.
Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)