Channel News Asia ghi nhận Wechat Pay và Alipay của Trung Quốc ngày càng được chấp nhận rộng rãi ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, nhưng giới chuyên gia nhận định giao dịch thanh toán xuyên biên giới đối mặt với nhiều thách thức.
Khoa học - công nghệ

Phương thức thanh toán số của Trung Quốc có thể thành công ở Đông Nam Á hay không?

Cẩm Bình 16:42 09/10/2024

Channel News Asia ghi nhận Wechat Pay và Alipay của Trung Quốc ngày càng được chấp nhận rộng rãi ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, nhưng giới chuyên gia nhận định giao dịch thanh toán xuyên biên giới đối mặt với nhiều thách thức.

Như hàng nghìn khách Trung Quốc chọn dành “tuần lễ vàng” kỳ nghỉ quốc khánh tại Singapore, nghiên cứu sinh tiến sĩ Leng Jiying đến từ Quảng Châu lên kế hoạch chuyến đi rất tỉ mỉ. Cô đặt vé tham quan loạt điểm đến nổi tiếng như Sở thú Singapore trên trang Ctrip.com, sau đó thanh toán qua WeChat Pay một cách tiện lợi với mức giá phải chăng.

Zhang Huifang cũng cùng cháu gái từ Thượng Hải đến thăm sở thú. Bà nội trợ 44 tuổi này cũng thanh toán qua WeChat Pay: “Sử dụng phương thức thanh toán mà chúng tôi biết giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”. Trên nền tảng còn có chương trình khuyến mãi lẫn giảm giá. Zhang trả 336 nhân dân tệ (48 USD) cho 1 vé người lớn cùng 1 vé trẻ em – thấp hơn mức giá 451 nhân dân tệ nếu mua trực tiếp.

2024-10-08-164043.png
WeChat Pay và Alipay ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á - Ảnh: CNA

Sử dụng Wechat Pay và Alipay tại Đông Nam Á

Kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và phổ cập điện thoại di động rộng rãi thúc đẩy xã hội Trung Quốc chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt từ rất sớm. Ví điện tử, ứng dụng thanh toán được sử dụng hằng ngày trong mua sắm và được mở rộng ra nước ngoài trong vài năm gần đây, khi lượng lớn khách Trung sang các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore du lịch. Hai ứng dụng phổ biến nhất làWechat Pay và Alipay.

Alipay đến Singapore vào năm 2015 và được không ít cửa hàng chấp nhận. WeChat Pay xuất hiện ở đảo quốc sư tử vào năm 2018 với chỉ 600 cửa hàng chấp nhận, nhưng đến nay có hơn 100.000 người buôn bán sử dụng, theo số liệu do Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cung cấp. Khách Trung chủ yếu sử dụng hai phương thức thanh toán này để mua sắm, ăn uống cũng như đặt phòng khách sạn.

Hệ thống giao thông công cộng BTS Skytrain của Bangkok cũng tích hợp cả WeChat Pay lẫn Alipay, giúp Thái Lan thu thêm tiền từ khách Trung.

Doanh nghiệp Singapore đang nhận được lợi ích khi chấp nhận phương thức thanh toán của Trung Quốc. Phát ngôn viên WeChat cho biết số giao dịch thực hiện tại đảo quốc sư tử trong “tuần lễ vàng” 2023 tăng 44% so với các tháng trước.

Giám đốc truyền thông khách sạn Raffles Jesmine Hall nhấn mạnh việc thích ứng với khách Trung vô cùng quan trọng. Kể từ tháng 5, khách sạn bắt đầu chấp nhận thanh toán đặt phòng, ăn uống tại nhà hàng cùng quán bar, mua quà trong cửa hàng quà lưu niệm, dùng dịch vụ spa qua WeChat Pay hoặc Alipay. Raffles ghi nhận số khách dùng phương thức thanh toán của Trung Quốc gia tăng.

Ngay tháng đầu tiên được tích hợp vào WeChat Pay, nền tảng chia sẻ xe đạp Anywheel có thêm hơn 4.500 người dùng đăng ký bằng số điện thoại bắt đầu bằng +86 (mã quốc gia Trung Quốc). STB xác định có khoảng 10.000 quán đường phố chấp nhận WeChat Pay.

Rachel Chua - chủ một quán nước tại khu ẩm thực Maxwell - cho biết khách Trung dùng Alipay ngay cả với món hàng nhỏ như khăn giấy chỉ 30 cent. Bà đặt biểu tượng WeChat Pay là Alipay một cách nổi bật nhằm thu hút họ.

Tuy nhiên, với một số khách, chẳng hạn Li Xiang cùng bạn trai (đến từ Quảng Tây) vẫn dùng tiền mặt lúc cho giao dịch giá trị nhỏ. Cô chia sẻ: “Chúng tôi đổi chút tiền mặt để phòng hờ. Chúng tôi có thể dùng WeChat Pay là Alipay trong trung tâm thương mại, nhưng nơi nhỏ hơn như quán đường phố có thể không chấp nhận”.

Khách Trung tiếp tục chiếm phần lớn số du khách quốc tế tại nhiều nước Đông Nam Á, đặc biệt vào mùa cao điểm. Ant Group (công ty điều hành Alipay) ghi nhận giao dịch nước ngoài dịp “tuần lễ vàng” năm nay tăng 60%. Mức tăng của WeChat Pay lên đến 69%.

Năm 2023, Tencent (tập đoàn điều hành WeChat Pay) hợp tác với “ông lớn” Grab, tích hợp ứng dụng gọi xe vào WeChat cho phép người dùng Trung Quốc đặt dịch vụ này tại hơn 500 thành phố trên 8 nước Đông Nam Á.

Ở “tuần lễ vàng” 2024, tập đoàn cùng nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Sở thú Singapore đem đến ưu đãi lẫn giảm giá độc quyền.

2024-10-08-193805.png
Cả quán ăn nhỏ cũng chấp nhận WeChat Pay và Alipay - Ảnh: CNA

Thách thức với giao dịch thanh toán xuyên biên giới

Mặc dù ngày càng trở nên phổ biến tại Đông Nam Á, người dùng nước ngoài vẫn không tránh khỏi vài hạn chế trên WeChat Pay và Alipay. Phó giáo sư Shen Rui (Đại học Trung văn tại Hồng Kông) cho biết hai ứng dụng đòi hỏi phải đăng ký số điện thoại Trung Quốc mới dùng được.

Ngoài ra, hạ tầng liên quan như hệ thống viễn thông, dịch vụ chuyển vùng dữ liệu cần được xây dựng và kết nối để ứng dụng hoạt động thông suốt. Liên kết hạ tầng giữa nhiều quốc gia với nhau không hề dễ dàng.

Vấn đề dữ liệu cũng khá đáng ngại. Ông Shen lưu ý: “Dữ liệu được gửi đến đâu? Đến Trung Quốc hay lưu trữ tại chỗ? Đây là vấn đề nhạy cảm. Nếu người Trung dùng phương thức thanh toán di động ở Đông Nam Á thì dữ liệu được gửi về Trung Quốc, nhưng nếu người Đông Nam Á sử dụng chúng và Trung Quốc lấy dữ liệu của họ thì thật không chấp nhận được”.

Ant Group giải quyết thách thức bằng cách tung ra nền tảng thanh toán xuyên biên giới Alipay+, phục vụ người dùng toàn cầu, kết nối hơn 30 ứng dụng thanh toán quốc tế với nhiều đơn vị bán hàng khắp thế giới. Tổng giám đốc phụ trách Đông Nam Á Edward Yue cho biết: “Khu vực có hệ sinh thái số tuyệt vời. Hợp tác với các đối tác nước ngoài, chúng tôi nhìn ra cơ hội số hóa du lịch địa phương hơn nữa để đem lại lợi ích cho cả du khách lẫn doanh nghiệp”.

Theo Phó giáo sư Vanessa Liu (Đại học Khoa học xã hội Singapore): “Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc bão hòa, WeChat Pay và Alipay cần thiết lập hiện diện ở thị trường nước ngoài thông qua hợp tác chiến lược với doanh nghiệp và cơ quan du lịch địa phương. Nhưng không như thị trường nội địa đồng nhất, mỗi nước Đông Nam Á có đặc điểm nhân khẩu học, quy định cùng cơ chế quản lý thanh toán số khác nhau. Nếu muốn thành công tại Đông Nam Á, các nền tảng Trung Quốc cần phát triển tùy chọn thanh toán lẫn sản phẩm đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng nước. Việc tuân thủ yêu cầu giấy phép tài chính và quy định ngân hàng địa phương rất quan trọng”.

“Họ còn cần cảnh giác trước sự cạnh tranh từ dịch vụ thanh toán địa phương”, bà nói thêm. GrabPay tại Singapore hay GoPay tại Indonesia hoàn toàn có thể sao chép bất cứ tính năng gì mà WeChat Pay và Alipay tung ra.

Phó giáo sư Guan Chong (Đại học Khoa học xã hội Singapore) quan tâm nhiều hơn đến việc liệu WeChat Pay và Alipay có tạo ra thêm việc làm, chiêu mộ nhân tài địa phương hay không. Nếu có thì họ thực sự đem lại lợi ích cho nền kinh tế cũng như lực lượng lao động Đông Nam Á.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
4 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư biểu dương những kết quả nổi bật mà Ban Dân vận Trung ương đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời nêu rõ, căn cơ nhất của công tác dân vận tạo ra thế trận lòng dân vững chắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương thức thanh toán số của Trung Quốc có thể thành công ở Đông Nam Á hay không?