Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền bài viết của TS Nguyễn Hoàng Ánh có tựa đề “Phụ nữ Việt làm sao thế?” khi đề cập đến sự hy sinh khó hiểu của nhiều chị em. Thực tế việc cam chịu của phụ nữ trong hôn nhân diễn ra như thế nào?

Phụ nữ Việt nay đã khác

Theo Gia đình và xã hội | 26/02/2017, 05:12

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền bài viết của TS Nguyễn Hoàng Ánh có tựa đề “Phụ nữ Việt làm sao thế?” khi đề cập đến sự hy sinh khó hiểu của nhiều chị em. Thực tế việc cam chịu của phụ nữ trong hôn nhân diễn ra như thế nào?

Phụ nữ Việt làm sao thế?

Trên Facebook của mình, TS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ câu chuyện về một phụ nữ 30 tuổi, tài, sắc có đủ nhưng chấp nhận một cuộc sống hôn nhân thiếu hạnh phúc, thiếu tình cảm và sự chia sẻ của chồng. Người phụ nữ đó đã tự lo việc gia đình, tự nuôi con và còn chịu cả sự ghẻ lạnh của chồng, mẹ chồng. Chồng chị đi làm ăn xa thi thoảng mới về. Anh chồng đã có thời gian đi cặp bồ. Tiền lương 30 triệu đồng/tháng nhưng số tiền gửi về chỉ là đủ để trả khoản nợ mà anh ta đã vay trước đó. Điều lạ lùng là người phụ nữ đó chấp nhận cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc không phải vì quá yêu chồng mà là do sợ làm mất gia phong, sợ mang tiếng và do bởi mẹ ruột ngăn cản.

TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, những câu chuyện “phụ nữ chấp nhận” cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc tương tự như thế không hiếm trong xã hội nhưng có hai vấn đề khiến ông không thể hiểu nổi cách nghĩ của phụ nữ Việt. TS Nguyễn Hoàng Ánh viết:

“Thứ nhất, theo mình biết, phụ nữ đi làm ô sin, làm điều dưỡng chăm sóc người già, nhất là đẻ thuê đều được trả lương cao mà người chủ còn có nghĩa vụ đối xử tử tế với mình. Vậy không hiểu vì lý do gì mà bạn phí hơn 10 năm làm việc 3 trong 1 không lương, thậm chí còn đem tiền riêng ra trả nợ cho mẹ chồng mà còn cam chịu bị “ông chủ” ghẻ lạnh?

Thứ 2, người mẹ nào cũng mang nặng đẻ đau con 9 tháng 10 ngày, bú mớm nâng niu đến ngoài 20, còn cho ăn học đầy đủ mới gả con đi. Con nó không may lấy phải chồng không ra gì, không che chở thì thôi, sao còn có thể nỡ lòng giam con trong chốn ngục tù không lối thoát ấy vì những thứ vớ vẩn như “sợ dị nghị”, “giữ gia phong”...?”.

Câu chuyện mà TS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng, nhận được 2.500 lượt like và hàng trăm lượt chia sẻ.

Nối tiếp câu chuyện của TS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ, chuyên gia Xã hội học Khuất Thu Hồng cho rằng, xã hội vẫn thường ca ngợi đức hy sinh của phụ nữ và không ít chị em chân thành tin vào những lời khen đó đến mức nghĩ rằng:

“Phụ nữ sinh ra là để chịu đựng và hy sinh cho người khác”. Phụ nữ đã không nhận ra là mình đang bị lợi dụng để hy sinh, để chịu đựng cho người khác được hưởng lợi. Khi phụ nữ chấp nhận hy sinh thì xã hội sẽ không phải chi các khoản tiền khổng lồ cho các dịch vụ xã hội (chăm sóc trẻ em, người già, người ốm và nhiều công việc gia đình khác mà chi phí lẽ ra phải được tính cho cả xã hội chứ không trở thành công việc không lương của phụ nữ).

Những người khác trong gia đình (chồng, bố mẹ chồng, họ hàng...) cũng được lợi nếu phụ nữ cam chịu và hy sinh. Vì thế họ tiếc gì mà không ca ngợi phụ nữ và ra sức khuyến khích (thực ra là ép buộc) phụ nữ làm như họ muốn để được khen. Và TS Khuất Thu Hồng cho rằng, đó chính là chiếc vòng kim cô xiết vào đầu phụ nữ mà họ không hay biết.

Phụ nữ trẻ không chấp nhận hôn nhân thiếu hạnh phúc

Nêu ý kiến về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải Âu, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCS HCM) cho biết, hiện nay có hai hệ tư tưởng khá khác biệt nhau trong hôn nhân ở hai thế hệ tạm chia là từ 7X đổ về trước và 8X, 9X. Thế hệ từ 7X trở về trước chủ yếu có tư tưởng chấp nhận cuộc hôn nhân bất hạnh, chấp nhận phải hy sinh mặc dù họ cũng đã từng phải đấu tranh rất nhiều để đòi quyền bình đẳng nam nữ.

Còn bắt đầu từ thế hệ 8X trở đi, suy nghĩ của họ đã khác. Mặc dù tư tưởng “phụ nữ thì phải hy sinh” vẫn tồn tại ở thế hệ trẻ nhưng tỷ lệ đó không nhiều. Thế hệ trẻ thường không cố giữ chồng bằng mọi cách. Vì thế phụ nữ thuộc thế hệ này ly hôn dễ dàng hơn. Nhiều cặp đôi mới lấy nhau được vài tháng đã đưa nhau ra tòa. Những cặp đôi chung sống được một vài năm ra tòa là chuyện thường xẩy ra.

Đặc biệt về vấn đề bình đẳng, phụ nữ trẻ cũng ý thức rất rõ chứ không cam chịu hy sinh hết vì những điều phi lý trong quan hệ vợ chồng. Ví dụ như việc phân công việc nhà chẳng hạn. Phụ nữ trẻ hiện nay không chấp nhận làm một mình, còn chồng thì ngồi hưởng. Chuyên gia Hải Âu kể về một cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội. Cả hai đều thuộc thế hệ 8X, đều là thạc sĩ, rất yêu nhau, tự nguyện cưới nhau và hai bên gia đình rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, trước khi cưới, cô vợđề nghị người chồng tương lai ký một bản hợp đồng thỏa thuận về phân công công việc gia đình. “Việc này bố mẹ gia đình hai bên không biết nhưng anh chồng trẻ rất vui vẻ ký và thực hiện khi cô vợ đề nghị. Thời gian trước Tết, người chồng trẻ thường đi nhậu nhiều, lơ là công việc gia đình, vi phạm thỏa ước hai bên nên đã bị cô vợ đưa ra nhắc nhở và chấn chỉnh. Hiện cặp đôi này vẫn đang vui vẻ hạnh phúc và chưa xảy ra vấn đề gì to tát”, chuyên gia Hải Âu nói.

Sự thay đổi và phân hóa tư tưởng của phụ nữ giữa hai thế hệ như ở trên cho thấy, phụ nữ Việt không nên quá thất vọng hay “tuyệt vọng” về chính mình. Tự chủ sẽ là chiếc chìa khóa để chị em tự vượt thoát khỏi chiếc vòng kim cô từ định kiến xã hội hay từ “văn hóa” mà các nhà xã hội học đề cập đến.

Theo thống kê ở các tòa án hôn nhân thì tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến cho tỷ lệ ly hôn tăng nhưng trong đó một phần là do tư tưởng của chị em đã cởi mở hơn. Phụ nữ trẻ từ thế hệ 8X trở đi đã thay đổi rất lớn về tư tưởng, họ không chấp nhận cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc.

Ngân Khánh/ Theo Gia đình & Xã Hội
Bài liên quan
Xem ‘Dưới bóng giai nhân’ ngẫm về phụ nữ thời nay
Vở kịch "Dưới bóng giai nhân" (đạo diễn Quang Thảo, cảm tác từ "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du) là một tác phẩm mượn chuyện xưa liên hệ với bối cảnh xã hội hiện đại. Tác giả đã xử lý thân phận và tính cách nhân vật theo một hướng khác: Liệu định kiến xã hội ngày xưa có thực sự công bằng khi gán cho Hoạn Thư một tội ác vô cùng xấu xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ Việt nay đã khác