Đến 4 giờ chiều 26/4, Tòa đại sứ Pháp và đại sứ Mỹ Martin báo cho ông Trần Văn Hương lẫn Trần Văn Đôn biết rằng chỉ có Dương Văn Minh mới có thể đối thoại với “phía bên kia” và không thể giao ông Đôn làm "thủ tướng toàn quyền” được. Sáng chủ nhật 27/4, Trần Văn Hương lại họp “đặc biệt” tại nhà riêng. ông Hương lầm bầm: "Muốn ông Minh thì có ông Minh"...

Phụ lục 10: Dương Văn Minh, trước giờ di tản trong tầm pháo

Một Thế Giới | 02/02/2015, 04:45

Đến 4 giờ chiều 26/4, Tòa đại sứ Pháp và đại sứ Mỹ Martin báo cho ông Trần Văn Hương lẫn Trần Văn Đôn biết rằng chỉ có Dương Văn Minh mới có thể đối thoại với “phía bên kia” và không thể giao ông Đôn làm "thủ tướng toàn quyền” được. Sáng chủ nhật 27/4, Trần Văn Hương lại họp “đặc biệt” tại nhà riêng. ông Hương lầm bầm: "Muốn ông Minh thì có ông Minh"...

 Phụ lục 9: Tổng thống Trần Văn Hương là một con số không
Phụ lục 8: Lá thư vay 3 tỉ đô la của Nguyễn Văn Thiệu nhằm chặn bước tiến về Sài Gòn


10 giờ sáng 26/4, Trần Văn Hương với tư cách tổng thống mời Quốc hội họp phiên “đặc biệt”. Ông trần tình việc giao Dương Văn Minh làm thủ tướng toàn quyền nhưng bị từ chối. Và ông Minh yêu cầu Trần Văn Hương phải trao ghế tổng thống để đối thoại với Chính phủ Cách mạng. Đứng giữa lưỡng viện, ông Hương thở ra:

  • Trao cái ghế tổng thống cho ai đâu phải là việc nhỏ như trao một chiếc khăn tay, “qua” không làm qua quýt đặng, thôi thì lưỡng viện quyết lấy một trong hai điều. Hoặc là “qua” được toàn quyền chỉ định thủ tướng. Hoặc là bầu ông Minh làm tổng thống.
Nói rồi, ông Hương ra về, điện thoại đến nhà Trần Văn Đôn hứa chắc: “Nếu quốc hội biểu quyết giao quyền chỉ định thủ tướng toàn quyền, tôi sẽ chỉ  định anh!”.

Ông Đôn cám ơn và bàn với bác sĩ Trần Văn Du, giáo sư Bùi Anh Tuấn, đại tá Vũ Quang... về khả năng “hành động và đối thoại” với Mặt trận giải phóng nếu Đôn được giao “toàn quyền”. Đôn cũng điện thoại báo Nguyễn Cao Kỳ biết.

Kỳ đề nghị nên mời tướng Nguyễn Đức Thắng làm Tổng trưởng Quốc phòng để lo việc kéo quân về miền Tây thử “phòng thủ và kháng cự” xem sao. Miệng tuy nói vậy nhưng Kỳ không còn bụng dạ nào để nghĩ đến chuyện viển vông như “uống nước sông Cửu Long thay cơm” để tử thủ. Vì cách đó 4 hôm, vào đêm 22/4, Kỳ tiếp chuyện với một trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Erich Von Marbord tại nhà riêng của mình trong căn cứ Tân Sơn Nhất và rõ ràng vô vọng.

Kỳ kể hôm Von Marbord đến ngồi vào chiếc ghế mà đại sứ Mỹ Martin đã từng ngồi lên đó với vẻ “lạnh lùng và lặng lẽ như đá cẩm thạch ở nhà mồ”. Khi ấy “một người hầu rót thêm trà xanh và rượu Napoléon. Đó là chai rượu cuối cùng còn trong nhà. Tôi (Kỳ) quay sang hỏi Von Marbord:
  • Ông biết dự định của tôi rồi chứ? Ông biết rằng tôi đã giải thích cho đại sứ Martin là chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu ở vùng châu thổ sông cửu Long (!!!) như thế nào rồi chứ!? Tôi biết tôi có thể tổ chức cuộc kháng cự và duy trì nó, có lẽ trong vài tháng... Liệu Chính phủ Mỹ sẽ yểm trợ cho chúng tôi không? Chẳng phải cần đến người mà cần yểm trợ vũ khí thôi. Chúng tôi chỉ yêu cầu bấy nhiêu”...
Kỳ nói mê sảng trong men rượu. Von Marbord im lặng, có lẽ  ông ta nghĩ đến hơn nửa triệu quân Mỹ phải cuốn cờ nữa là, và thế rồi chỉ một câu ngắn ngủi làm tan vỡ sự mong đợi của Kỳ: Tôi rất tiếc, câu trả lời là KHÔNG!
“Von Marbord nói với một giọng tẻ nhạt, yếu ớt, không dám nhìn thẳng mặt tôi. Tôi tự hỏi giọng nói ấy, giọng nói chẳng có chút âm vang nào, bộc lộ điều gì? Thất vọng chăng? Nhẫn chịu chăng? Hoặc là tủi nhục?”.

Từ chỗ ngồi nói chuyện với Von Marbord, nhìn ra cửa sổ, bầu trời căn cứ Tân Sơn Nhất “nhuộm một màu bầm đỏ”, Kỳ thấy trong cảnh nhá nhem buổi mặt trời lặn “những vết đỏ xuất phát từ các trận pháo bao quanh ngoại ô chẳng khác gì một giàn hỏa táng cho Nam Việt Nam (chế độ Sài Gòn), cho cuộc thất trận của một quốc gia lớn nhất trên thế giới...”.

Giờ đây, vẫn với giọng mê sảng, Kỳ đồng ý “phòng thủ và kháng cự” nhưng ý chừng nói khơi khơi với Đôn chứ tâm thần đã rệu rã lắm. Nghe vậy, Đôn bảo Nguyễn Cao Kỳ:

  • Tôi ở lại cố gắng tìm giải pháp thương thuyết đình chiến (!), nếu không được tôi sẽ quay về miền Tây...
Muốn như vậy Đôn phải được nắm quyền thủ tướng toàn quyền đã. Và ngay đó, ông đã liên hệ với Dương Văn Minh: ‘Tôi điện thoại cho ông Minh biết tôi có thể được chỉ định chức vụ mà ông đã từ chối với ông Hương. Ông Minh cười... hơi khinh...”.
Đến 4 giờ chiều 26/4, Tòa đại sứ Pháp và đại sứ Mỹ Martin báo cho ông Trần Văn Hương lẫn Trần Văn Đôn biết rằng chỉ có Dương Văn Minh mới có thể đối thoại với “phía bên kia” và không thể giao ông Đôn làm “thủ tướng toàn quyền” được.

Sáng chủ nhật 27/4, Trần Văn Hương lại họp “đặc biệt” tại nhà riêng với các ông Trần Văn Linh (Chủ tịch Tối cao pháp viện), Trần Văn Lắm (Chủ tịch Thượng viện), Phạm Văn Út (Chủ tịch Hạ viện), Trần Văn Đôn và một phụ tá tư pháp của ông Hương. Nội dung bàn việc “Quốc hội biểu quyết trao quyền cho người khác”, ông Hương lầm bầm:

  • Muốn ông Minh thì có ông Minh.

Họp xong đã 12 giờ trưa, đại tướng Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng) xin ông Hương ký sắc lệnh cho mình “nghỉ dài hạn không lương kể từ ngày 27/4/1975”!!! Tới giờ đó rồi mà ông Hương còn hỏi lại Cao Văn Viên vì sao mà nghỉ không lương, ông Viên đáp:

  • Không thể làm việc dưới quyền ông Dương Văn Minh.
Trần Văn Hương “trịnh trọng chấp thuận” cho Viên nghỉ việc! Đến chiều, lưỡng viện vẫn mời ông Cao Văn Viên họp lần cuối có mặt Nguyễn Văn Minh (trung tướng, tư lệnh biệt khu Thủ đô), Trần Văn Minh (trung tướng, tư lệnh không quân), Chung Tấn Cang (trung tướng, tư lệnh hải quân) và trưởng phòng 3 hành quân thuộc Bộ Tổng tham mưu là chuẩn tướng Thọ, trưởng phòng nhì tình báo Bộ Tổng tham mưu là đại tá Lương. Lưỡng viện quốc hội Sài Gòn nghe một loạt báo cáo bi quan về “vòng đai bị thu hẹp”, hy vọng “chỉ còn miền Tây”, lực lượng “tổng trù bị” xuống tinh thần, nội đô còn một lực lượng biệt động quân và... cảnh sát dã chiến!

Một không khí lo âu, sợ sệt bao trùm. Một nhân vật có danh tiếng ở Sài Gòn nói một câu bằng tiếng Pháp:
  • Nếu có xuống âm phủ mình đi với nhau càng nhiều càng vui!
Nghe ớn. Chiều đó 136/138 dân biểu nghị sĩ biểu quyết trao quyền tổng thống cho Dương Văn Minh. Hai người không biểu quyết là chủ tịch thượng viện và chủ tịch hạ viện.
5 giờ chiều thứ hai 28/4, chính nơi Thiệu trao ghế tổng thống cho Trần Văn Hương, thì giờ đây ông Hương trao lại cho Dương Văn Minh. Cuộc lễ vừa xong, tiếng máy bay gầm réo qua nóc dinh Độc Lập, tiếng nổ ầm ầm từ xa vọng tới...

Ngay tối hôm đó, theo tài liệu của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, luật sư Triệu Quốc Mạnh (đảng viên ĐCSVN) được Dương Văn Minh giao chức Giám đốc cảnh sát đô thành. Triệu Quốc Mạnh lập tức ra lệnh giải tán các phòng cảnh sát đặc biệt và thả hết tù chính trị, lấy lý do “tạo điều kiện thương thuyết”.

Sáng 29/4, Trần Văn Đôn vào Bộ Tổng tham mưu nhưng bị chặn lại vì bên trong đang bị pháo kích. Cao Văn Viên thoát khỏi tầm pháo, di tản qua Bangkok, bỏ lại Bộ Tổng tham mưu cho tướng Khuyên.

12 giờ trưa, Trần Văn Đôn đến Tòa đại sứ Mỹ nhưng không vào được vì quá đông người. Quay về trụ sở Bộ Quốc phòng Sài Gòn, Đôn tìm cách điện cho một nhân vật có quyền thế của CIA là Polgar. Nhưng gọi mãi không được vì nhiều đường dây điện thoại dẫn đến Tòa đại sứ Mỹ đã bị cắt. Lúc đó, có nhiều tiếng nổ vọng lại từ hướng Tân Sơn Nhất.

23 giờ đêm 29/4, bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh điện bổ sung cho quân đoàn 3 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn... (Còn nữa)
Mai Nguyễn 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ lục 10: Dương Văn Minh, trước giờ di tản trong tầm pháo