Ngay sau khi lực lượng chức năng phát hiện Công ty Trung Thành tuồn thực phẩm bẩn vào 7 trường mầm non, tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội), nhiều phụ huynh đã vô cùng bức xúc khi biết con họ đã ăn thực phẩm bẩn lâu nay.

Phụ huynh bức xúc khi con mình ăn “thực phẩm bẩn” nhiều tháng

Một Thế Giới | 18/01/2016, 06:32

Ngay sau khi lực lượng chức năng phát hiện Công ty Trung Thành tuồn thực phẩm bẩn vào 7 trường mầm non, tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội), nhiều phụ huynh đã vô cùng bức xúc khi biết con họ đã ăn thực phẩm bẩn lâu nay.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chị Thùy Dương (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) có con đang học tại Trường tiểu học Nhật Tân và Trường mầm non Xuân La cho biết: "Ngay sau khi có thông tin các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ nhập thực phẩm bẩn để nấu ăn cho các học sinh học bán trú, tôi vô cùng lo lắng và tức giận. Bản thân người lớn ăn đồ ăn nhiễm bẩn lâu ngày còn gặp nhiều tác hại, huống gì trẻ con đang theo học mầm non và tiểu học. Tôi thật sự thất vọng về cách quản lý, theo dõi và đảm bảo nguồn thực phẩm tại nhà trường khi ký cam kết với phụ huynh".
Chị Dương cũng cho biết, trong chiều ngày 16.1, Trường tiểu học Nhật Tân tổ chức họp phụ huynh, có nhiều phụ huynh hỏi cụ thể thông tin này nhưng nhà trường và giáo viên luôn né tránh, không đưa ra câu trả lời hợp lý.
Cùng chung quan điểm với chị Dương, chị Nguyễn Thúy (An Dương, Tây Hồ) chia sẻ, gia đình chị rất lo lắng khi hàng loạt thông tin thực phẩm nhiễm bẩn liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây. Buồn hơn đó lại là các ngôi trường mà con, cháu nhà chị đang theo học.
“Đây là sự tắc trách của nhà trường đã không theo dõi cẩn thận, làm ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu bé chứ không thể đổ lỗi cho nhà cung cấp được”, chị Thúy bức xúc. Việc để các cháu nhỏ có hệ tiêu hóa còn non nớt tiếp nhận các thực phẩm bẩn dễ gây ảnh hưởng tới sức khỏe vì sản phẩm không an toàn sẽ tích lũy dần các dư chất hóa học, về lâu dài sẽ gây nên những bệnh nguy hiểm.
Theo quy định, thực phẩm trước khi vào các trường học phải qua nhiều khâu kiểm soát từ nhân viên giao nhận cho đến khi ký hợp đồng tiếp nhận sản phẩm. Các trường học không được trực tiếp mua thực phẩm mà phải ký hợp đồng với những nhà cung cấp thực phẩm được nhà nước cấp phép. Quy định cũng nêu rõ, các trường học có trách nhiệm kiểm tra quá trình tiếp nhận thực phẩm nếu thấy bất thường có thể đổi hoặc trả lại.
Điều tra của cơ quan chức năng sau nhiều ngày theo dõi quy trình hoạt động của Công ty Trung Thành cho thấy, khi nhân viên của công ty mang thực phẩm đến các trường học thì tại các trường không có người tiếp nhận, kiểm tra như quy định đã ghi rõ.
Phủ nhận thông tin này, bà Lê Thị Bính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng cho rằng hôm lực lượng chức năng phát hiện thực phẩm bẩn được đưa vào trường thì… nhà trường chưa có người kiểm tra chứ không phải là không có (?!) Theo quy định, hàng tháng nhà trường có kiểm tra các sản phẩm được đưa vào trường học nhưng chưa lần nào phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc và cũng không thấy có gì bất thường

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Thanh Long, Phó phòng giáo dục quận Tây Hồ nói rằng cái khó đối với phòng giáo dục và nhà trường là thực phẩm sạch được quản lý không có bất cứ tem mác nào nên khi bị trộn lẫn với rau ngoài chợ thì rất khó phát hiện bằng mắt thường. Việc quản lý chất lượng thực phẩm một mình ngành giáo dục không thể làm được mà cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng và Cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, các trường đang chỉ làm theo quy định của nhà nước là ký kết với các công ty được cấp phép chứ không hề có hệ thống giám sát và kiểm tra một cách cụ thể hàng ngày, hàng tuần.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP.Hà Nội cho hay việc phát hiện Công ty Trung Thành "tuồn" thực phẩm bẩn vào trường học, nếu có phạt thì chỉ áp dụng khung hình phạt từ 1-3 triệu đồng, không đủ tính răn đe. Tuy nhiên, chính điều này sẽ khiến nhà trường và phòng giáo dục các quận, huyện cẩn trọng hơn trong việc nhập thực phẩm vào trường học để nấu ăn cho các học sinh.
rau ban, thuc pham ban, truong hoc, Tay Ho, suc khoe hoc sinh, bep an tap the
Nếu hàng ngày các em học sinh tiếp xúc và ăn các thực phẩm bẩn thì nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm sẽ tăng cao
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.400 trường học tổ chức bếp ăn tập thể với 3 hình thức là tự nấu, phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và mua suất ăn nấu sẵn. Trung bình mỗi ngày các trường này phục vụ khoảng 1,4 triệu suất ăn. Nếu nguồn gốc thực phẩm không được kiểm soát chặt sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các em học sinh.
Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cháu là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước hết thuộc về ngành giáo dục. Được biết, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thường xuyên các cơ sở chế biến suất ăn sẵn và nguồn cung cấp thực phẩm cho các trường học, để bảo đảm bữa ăn của học sinh bán trú thật sự an toàn, hợp vệ sinh.
Minh Khuê
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ huynh bức xúc khi con mình ăn “thực phẩm bẩn” nhiều tháng