Phong tục đón Tết của người Lô Lô rất độc đáo, ẩn chứa những giá trị văn hóa đậm nét của các cư dân trên miền núi cao.

Phong tục đón Tết độc đáo của người Lô Lô ở Cao Bằng

theo báo Cao Bằng | 01/02/2022, 07:34

Phong tục đón Tết của người Lô Lô rất độc đáo, ẩn chứa những giá trị văn hóa đậm nét của các cư dân trên miền núi cao.

Phụ nữ Lô Lô chuẩn bị bữa cơm ngày Tết.

Dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng thuộc nhóm Lô Lô đen, sống tập trung tại các xã: Kim Cúc, Hồng Trị, Cô Ba (Bảo Lạc) và xã Đức Hạnh (Bảo Lâm). Khi mùa xuân đến, những người Lô Lô hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị chu đáo để đón một mùa xuân mới. Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục, tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô tuy giản dị, mộc mạc nhưng vui vẻ, đầm ấm.

Phong tục đón Tết của người Lô Lô rất độc đáo, ẩn chứa những giá trị văn hóa đậm nét của các cư dân trên miền núi cao. Với người Lô Lô, những ngày cuối cùng của năm cũ là bận rộn nhất, đặc biệt sau ngày chợ phiên 25 tháng Chạp, mọi người quét dọn nhà cửa, chuồng gia súc, gia cầm sạch sẽ để chuẩn bị đón Tết, đón tài lộc năm mới. Những ngày này, đàn ông trong bản giúp nhau thịt lợn, người trẻ mổ gà chuẩn bị các món ăn cho bữa cơm tất niên và những ngày Tết. Theo phong tục, từ sau phút giao thừa cho đến khi thầy Tào xem được ngày tốt, giờ tốt thì dân bản mới được phép quét dọn nhà cửa và mổ lợn, già, vịt trở lại. Chị em phụ nữ bận rộn bên khung cửi để kéo sợi, dệt vải và hoàn thành những bộ quần áo mới cho các thành viên trong gia đình để vui xuân, đón Tết.

Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo mà phải có nhiều củi và nước, đó là thành quả của một năm làm ăn bội thu, sung túc. Vậy nên trước thềm năm mới, người Lô Lô kiếm sẵn nhiều khúc củi lớn đun trong ngày Tết, đặc biệt mỗi nhà chuẩn bị một khúc củi to, dài đủ để giữ lửa trong những ngày Tết. Theo quan niệm, từ chiều 30 tháng Chạp đến hết Tết, bếp lửa trong nhà luôn phải có lửa cháy, để cả năm được ấm áp như lửa, ngoài ra còn có tác dụng đuổi tà ma trong dịp đầu năm mới, tránh xui xẻo cho cả năm.

Sáng sớm mùng một, các thành viên trong gia đình quây quần bên bếp lửa, kiểm tra đầu củi cháy thành hình gì để tiên tri cho năm sau. Nếu củi cháy thành hình tròn thì năm đấy sẽ nuôi lợn tốt. Còn củi cháy thành hình nhọn thì nuôi gà tốt. Khúc củi sẽ được đun đến khi còn một đoạn ngắn thì giữ lại, để đến ngày 30 tháng Giêng mới đem ra đun nốt, đánh dấu khép lại những ngày xuân, bắt đầu công việc của một năm mới.

Người Lô Lô có tục đi lấy nước mới đầu năm, sau giao thừa, các gia đình đốt đuốc đi gánh nước đầu nguồn đem về đun pha trà dâng cúng tổ tiên, sau đó cả nhà rửa mặt, ngâm chân bằng nước mới để lấy may mắn cho cả năm. Họ quan niệm, nước mới đầu năm ngoài việc đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên, rửa mặt, rửa tay chân giúp họ tỉnh táo, mạnh khỏe, trẻ con thông minh hơn, phần nước còn lại đem cho vật nuôi uống để béo, khỏe. Đặc biệt, sáng sớm ngày đầu năm mới, họ gọi vật nuôi thức dậy, coi chúng như người bạn, giúp họ công việc đồng áng hằng ngày. Tập tục này có từ ngàn đời, trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Lô Lô.

Chiều 30 Tết, người Lô Lô tổ chức bữa cơm sum họp gia đình, cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với gia đình sum họp đón mừng năm mới. Các đồ lễ cúng chiều 30 Tết đối với đàn ông, con trai cúng bằng gà mái; đàn bà, con gái cúng bằng gà trống. Đây cũng là ngày “niêm phong” các loại đồ vật, cây cối quanh nhà, chuồng chăn nuôi... bằng giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật dụng được “nghỉ Tết” và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.

Trong dịp Tết, người Lô Lô làm bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli như người Tày, điểm khác biệt bánh chưng của người Lô Lô không làm nhân đỗ xanh mà chỉ làm nhân bằng thịt lợn ba chỉ. Thịt dùng để làm nhân thường được thái dài bằng chiều dài của chiếc bánh, tẩm ướp bằng các loại gia vị có sẵn như: gừng núi, hạt têu rừng, muối trắng. Bánh gói giống như bánh chưng gù của người Tày, Nùng; họ gói bánh ngày 29 tháng Chạp, ngày 30 đem luộc kịp đêm giao thừa có bánh cúng tổ tiên. Đêm giao thừa là đêm tất bật nhất, trong nhà từ già trẻ, gái trai đều thức chờ đón giao thừa, mọi người quần tụ bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng nghi ngút tỏa mùi thơm.

Ngoài bánh chưng, người Lô Lô còn chế biến một loại bánh bằng bột gạo nếp, bánh này thường được làm sau phút giao thừa. Vì vậy, đêm giao thừa sau khi đón năm mới, mỗi gia đình cử một người ra mỏ gánh nước về nhào bột làm bánh nếp. Đêm 30 Tết là đêm gia đình người Lô Lô ôn lại những câu chuyện của năm cũ, người cao tuổi tổng kết những việc đã làm được, những việc chưa hoàn thành và có kế hoạch cho năm sau. Họ quan niệm, tiếng gà gáy đầu tiên trong bản chính là khoảnh khắc đón giao thừa. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong bản có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy khấn tổ tiên, mời các cụ về ăn Tết với con cháu; người đi gánh nước, người cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí vang náo nhiệt khắp bản làng.

Sáng sớm mùng một Tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Trên bàn thờ có hình nhân làm bằng cây gỗ “mạy vjẹc” - một loại cây được coi là vật thiêng lấy từ trong khu rừng thần của bản, đây được coi là nơi trú ngụ của Thổ công. Người Lô Lô rất coi trọng tổ tiên, tổ tiên gần 3 đời gọi là “dùng khé”, tổ tiên trên 4 đời gọi là “pờ si”. Trên bàn thờ không thể thiếu cành cây “mà si phìa”, cành cây cắm từ cầu thang, cửa nhà đến bàn thờ tổ tiên để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, con cháu thảo hiền… Ngoài ra, người Lô Lô thờ thần đất và mặt trời. Hằng năm, người dân tổ chức cúng thần Thổ công, làm lễ xông đất để đánh thức hồn lúa, hồn đất dậy xua đuổi chim, chuột, sâu bọ, cầu mưa thuận, gió hòa, nương rẫy xanh tốt.

Theo người Lô Lô, bữa ăn trong ngày Tết rất quan trọng, không thể thiếu thịt gà, lợn đen treo trên gác bếp, cá lam, đặc biệt có món ăn được chế biến từ côn trùng như châu chấu, nhái… được người dân tìm kiếm từ rừng mang về, đây là những món ăn rất đặc biệt và chế biến cầu kỳ. Đây đều là những món được đồng bào cho là ngon, chỉ khi nào có khách quý đến chơi Tết mới được mời.

Sau khi ăn mâm cơm cúng sáng mùng một Tết, mọi người bắt đầu đi xông nhà. Người Lô Lô rất coi trọng việc xông nhà, họ quan niệm chỉ người đàn ông mới được đi xông nhà, sau đó phụ nữ và trẻ em mới đến các nhà chúc Tết. Nhà đầu tiên họ đến chúc Tết là các trưởng họ (thầu chú - ông cậu), nhà thầy Tào, thầy cúng rồi mới đến các gia đình trong bản. Điều này cho thấy người Lô Lô đen rất trân trọng những người có uy tín tại địa phương, tôn trọng những người đứng đầu dòng họ.

Trong 3 ngày Tết, người Lô Lô không ra đồng làm việc. Họ quan niệm để mưa thuận, gió hòa, có một năm bội thu thì sau những ngày nghỉ Tết, khi nào thầy Tào, người cao tuổi uy tín trong bản chọn được ngày, giờ tốt ra đồng cuốc đất, khi đó các gia đình mới đi làm đồng. Những ngày Tết, người Lô Lô không mở cửa, khách đến chơi nhà khi ra vào phải chú ý khép cửa lại. Chủ nhà sẽ treo “xì pèng” ngoài cửa và chọn giờ đẹp mở cửa đón xuân. “Xì pèng” là cây dại mọc trên núi, đem về phơi khô, có ý nghĩa cầu sự may mắn, an lành. Điều tối kỵ trong những ngày đầu xuân là không sát sinh con vật, không cãi nhau, tránh làm vỡ đồ.

Phong tục đón Tết và các nghi lễ chào đón năm mới của người Lô Lô đen là những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Cao Bằng. Ngày nay, trong xu hướng phát triển du lịch bền vững tại địa phương, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nguyên gốc sẽ tạo thêm điểm đến cho du khách trong những tour du lịch khi đến du xuân miền non nước Cao Bằng. 

Thiên Phước         

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong tục đón Tết độc đáo của người Lô Lô ở Cao Bằng