Sáng 7.4, Thủ đô Tokyo chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp khi có hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19, dẫn đến ý tưởng rời khỏi thủ đô đang gây bão mạng xã hội.

Phong trào ‘Chạy trốn khỏi Tokyo’ rộ lên trước giờ giới nghiêm tại Nhật Bản

08/04/2020, 04:22

Sáng 7.4, Thủ đô Tokyo chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp khi có hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19, dẫn đến ý tưởng rời khỏi thủ đô đang gây bão mạng xã hội.

Các ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh tại Nhật Bản - Ảnh: Internet

Đến sáng 7.4, Nhật Bản có hơn 3.900 ca nhiễm và 92 người tử vong vì COVID-19. Trong đó, thủ đô Tokyo có hơn 1.000 ca, khoảng 1/4 số ca nhiễm của cả nước.

Tokyo cùng một vài trung tâm đô thị đông dân khác chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng, từ 7.4 đến 6.5 và kêu gọi mọi người ở nhà, các cửa hàng đóng cửa.

Cuối tuần qua, Karuizawa, một vùng đồi núi từ lâu đã nổi tiếng là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần được nhiều người yêu thích, xuất hiện rất nhiều ô-tô mang biển số Tokyo, đặc biệt trong 2 dịp cuối tuần từ khi thống đốc Tokyo đề nghị mọi người ở nhà, báo chí địa phương cho biết.

Giới chức cảnh báo người dân không di chuyển, gây nguy cơ trở thành gánh nặng cho hệ thống y tế địa phương vốn đã phải căng mình đối phó.

“Điều đó sẽ chỉ phát tán virus khắp nơi. Tôi kêu gọi mọi người cố chịu đựng sự bất tiện. Chúng ta không nên vội vã rời đi”, ông Nobuhiko Okabe, thành viên ban chuyên gia của chính phủ về đối phó với dịch COVID-19, kêu gọi.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang khi ra đường

Nhiều tỉnh của Nhật Bản chưa phát hiện ca bệnh nào. Iwate, tỉnh nằm ở phía đông bắc đất nước, tuần trước yêu cầu bất kỳ ai đến từ Tokyo hoặc các tỉnh lân cận phải cách ly trong 2 tuần.

Hastag “Chạy trốn khỏi Tokyo” hôm nay lọt vào nhóm xu hướng dẫn đầu trên mạng xã hội Twitter. Nhiều người bình luận kêu gọi người dân ở Tokyo và các thành phố lớn khác hãy ở yên tại chỗ.

Các bình luận phần lớn cho rằng, bệnh viện và các y bác sĩ là nguồn lực quý giá ở địa phương, chúng ta nên hợp tác cùng chính phủ để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.

Không chỉ vậy, nếu người dân các thành phố lớn đổ về quê, nơi có nhiều người già, trẻ nhỏ sinh sống. Nguy cơ lây nhiễm cho những người già và người có đề kháng yếu hơn sẽ rất cao. Nhiều bình luận còn cho rằng, nếu một gia đình tại thị trấn nhỏ bị mắc COVID-19, họ sẽ bị cho là nguồn phát tán bệnh tật và bị kỳ thị lâu dài.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo dự kiến ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực có tình trạng COVID-19 chủng mới lây lan mạnh.

Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp được áp dụng tại Nhật Bản rất khác các lệnh phong tỏa ở một số nơi trên thế giới. Theo Hãng tin AFP, điểm khác biệt đầu tiên nằm ở chỗ lệnh này sẽ không áp dụng trên toàn nước Nhật.

Tình trạng khẩn cấp sẽ chỉ ảnh hưởng tới 7 khu vực được các chuyên gia y tế xác định là những nơi có virus lan mạnh, đe dọa đẩy hệ thống y tế vào cảnh quá tải.

Phát biểu hôm 6.4, ông Abe cho biết những khu vực được đặt trong tình trạng khẩn cấp bao gồm Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, Hyogo, trung tâm phía tây của Osaka và vùng tây nam Fukuoka.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong cuộc họp báo ngày 6.4

Tình trạng khẩn cấp cho phép lãnh đạo khu vực kêu gọi áp dụng giới hạn đi lại và thương mại, nhưng lại trao cho họ rất ít quyền hạn trong việc thực thi. Chính quyền địa phương có thể yêu cầu người dân ở yên trong nhà, cũng như những cơ sở kinh doanh như khu giải trí, trung tâm thương mại phải đóng cửa.

Dù vậy chính quyền địa phương không thể phạt những người vi phạm. Hệ thống giao thông công cộng vẫn sẽ hoạt động dù bị giới hạn. Các cửa hàng và những doanh nghiệp khác có thể tiếp tục mở cửa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết rằng chính phủ của ông sẽ làm hết sức có thể để bảo vệ cuộc sống của người dân.

Nội các của ông cũng sẽ thông qua gói kích thích khổng lồ trị giá 108 nghìn tỉ yen (990 tỉ USD), bằng 20% ​​sản lượng kinh tế của Nhật Bản, để giảm bớt tác động của đại dịch với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Đan Thuỳ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong trào ‘Chạy trốn khỏi Tokyo’ rộ lên trước giờ giới nghiêm tại Nhật Bản