Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi hôm nay, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an phải trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này.

Phó TT Trương Hòa Bình: Bộ Công an cần mở đợt tấn công tội phạm khai thác cát

Trí Lâm | 06/07/2017, 20:07

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi hôm nay, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an phải trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo từ Bộ Công an, tính đến tháng 5.2017, cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Tại nhiều địa phương, việc khai thác cát, sỏi không phép hoặc trái phép vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Những đối tượng khai thác cát thường hoạt động vào ban đêm.

“Có nơi cát tặc dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác cát và đối phó với cơ quan chức năng”, Thứ trưởng Bộ Công an cảnh báo và cho biếtcác tỉnh có nhiều mỏ khai thác vi phạm pháp luật như: Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Đồng Nai…

Qua 3 tháng đấu tranh từ tháng 4 đến nay, công an các địa phương đã phát hiện, bắt giữ 3.282 vụ, trong đó có 1.232 vụ việc khai thác trái phép, xử lý hành chính số tiền trên 17 tỉ đồng, tịch thu 32 tàu, thuyền và trên 22.000 m3 cát.

Báo cáo của Bộ Công an cũng nêu rõ, thời gian tới, nhu cầu cát sỏi ngày càng tăng cao, trong khi hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản hiện còn những tồn tại, bất cập, thậm chí có dấu hiệu bao che, bảo kê của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cấp ủy, chính quyền từ xã đến cấp tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo lĩnh vực khoáng sản, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: “Với tình hình khai thác cát như hiện nay thì nguồn tài nguyên này ở nước ta sẽ sớm cạn kiệt và gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực liền kề, mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân”.

Khai thác cát rầm rộ ở sông Kinh Thầy (Hải Dương) - Ảnh: Nam Phong

Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân của thực trạng trên là công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chặt chẽ, một số quy định còn bất cập, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, một số nơi buông lỏng... Dư luận cho rằng có lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát sỏi. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng cát để san lấp mặt bằng và xây dựng hiện nay rất lớn, việc khai thác và kinh doanh cát sỏi đem lại nguồn thu lớn nên việc khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra.

Đồng tình với nhận định này, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội cho biết, khai thác cát có lợi ích rất lớn, dẫn đến tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan, gây mất nhà, mất đất của dân, quốc gia thì mất khoáng sản.Do đó, cần phải tăng cường quản lý hơn nữa.

“Nơi nào có dấu hiệu bảo kê, dấu hiệu sạt lở thì công an cần khởi tố vụ án để điều tra, khi nào làm rõ vi phạm các cá nhân thì khởi tố bị can tính sau. Không thể để tình trạng tài nguyên đấy muốn làm gì thì làm. Tàu khai thác cát lớn thế có phải cái kim sợi chỉ đâu, người dân bức xúc thế chứ có phải không ai biết đâu”, ông Đương nói.

Về giải pháp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Xây dựng cần tăng cường hướng dẫn sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong lĩnh vực xây dựng, bổ sung các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng vật liệu xây dựng cát tự nhiên trong san lấp. Khẩn trương rà soát, xác định cân đối cung cầu cátsỏi xây dựng và cát san lấp trong cả nước đểbáo cáo Thủ tướng.

Nhất trí với phương án này, Bộ Xây dựng đề nghị không dùng cát cho san lấp mà chỉ dùng cho xây dựng, bởi vì mỗi khu đô thị, mỗi con đường tốn hàng triệu m3 cát để san lấp thì rất lãng phí.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cũng cho biếtviệc khai thác cát sỏi lòng sông, cả có phép và trái phép đều phục vụ cho xây dựng hạ tầng nên cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh quyết toán, xem xét nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản đã sử dụng trong công trình. “Trường hợp khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, kiên quyết không nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho chủ đầu tư”, ông Ngọc nói.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép, trường hợp vi phạm chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó TT Trương Hòa Bình: Bộ Công an cần mở đợt tấn công tội phạm khai thác cát