Sáng 21.8, tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 tổ chức ở Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: ‘Chúng ta chưa tranh thủ được lợi ích từ hội nhập’

Trí Lâm | 21/08/2016, 13:08

Sáng 21.8, tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 tổ chức ở Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo Phó thủ tướng, công tác đối ngoại của địa phương đã thực sự trở thành một bộ phận không thể tách rời của công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đến nay, công tác đối ngoại địa phương vẫn còn một số hạn chế. Đó là tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm. Nhiều tỉnh, thành chưa gắn hội nhập với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội của địa phương, chưa xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết này (mới có 41/63 tỉnh, thành có chương trình hành động). Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.

“Chúng ta chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng. Năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu”- Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường

Theo đó, Phó thủ tướng cho rằng, các địa phương cần triển khai mạnh định hướng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, coi đây là nhiệm vụ chung của tất cả các sở, ban, ngành; gắn hội nhập quốc tế với chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể của địa phương mình.

“Cần tận dụng tối đa lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động, du lịch” – Phó thủ tướng nói.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, doanh nghiệp và người dân cần nắm rõ các cam kết, thỏa thuận kinh tế mà nước ta tham gia ký kết để “đón đầu”, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các cam kết này, tận dụng tối đa cơ hội mà các thoả thuận đó đem lại.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, cùng phối hợp với Trung ương tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại lớn được tổ chức tại địa phương, trong đó có các hội nghị APEC vào năm 2017, coi đây là cơ hội để quảng bá về địa phương, thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam theo dõi sát thị trường nước ngoài, hỗ trợđịa phương, doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư, cảnh báo sớm cho các địa phương về khả năng xảy ra tranh chấp thương mại, cảnh báo về những nhà đầu tư không có năng lực, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chí môi trường.

“Các địa phương cùng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại thường xuyên, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI, tăng cường công tác quản lý biên giới lãnh thổ (đối với các địa phương có biên giới trên bộ, biển, đảo), thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại và công tác phi chính phủ nước ngoài” – Phó thủ tướng cho hay.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại vụ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ biên-phiên dịch để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan ngoại vụ địa phương.

Ngoài ra, đối với các tỉnh chưa thành lập Sở Ngoại vụ, căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, địa phương chủ động thúc đẩy việc thành lập để có bộ máy chuyên trách, tham mưu giúp việc hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh trong công tác đối ngoại.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: ‘Chúng ta chưa tranh thủ được lợi ích từ hội nhập’