Bùi Viện nổi tiếng là con đường tập trung khách du lịch và các hoạt động của giới trẻ Tp.HCM. Vậy Bùi Viện là ai? Khu vực "Phố Tây" này có lịch sử như thế nào?...
Vào thế kỷ trước, hai đại ca lừng lẫy giang hồ Sài thành bấy giờ là Wòng Cái và Ba Thế chia nhau trấn giữ một khu vực kéo dài từ Lê Lai, Phạm Ngũ Lão tới tận chợ Dân Sinh ngày nay. Tới độ khoảng năm 1950-1951, một đám cháy lớn đã thiêu rụi toàn bộ khu ổ chuột tại Bùi Viện. Sau đó, một nhà đầu tư đã xây dựng lại một khu nhà trên nền đất cũ. Ngày nay, khu phố Tây dọc đường Bùi Viện đã trở thành một tụ điểm vui chơi không bao giờ ngủ của giới trẻ và khách du lịch. Tuy đã trải qua bao nhiêu biến đổi của thời cuộc nhưng cái tên Bùi Viện lại là một bí ẩn. Bí ẩn vì đó là một nhân vật lịch sử có thật nhưng ông có phải là người Việt Nam đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Hoa Kỳ hay không - điều đó xin phép hạ hồi phân giải.
Bùi Viện sinh năm 1839, hiệu là Mạnh Dực, theo "Từ diển Nhân vật Lịch sử Việt Nam" (1992), Bùi Viện là nhân vật xuất ngoại đầu tiên đề xuất việc bang giao với Hoa Kỳ. Năm 1864, ông đỗ Tú tài; năm 1868 đỗ Cử nhân. Năm 1871, ông nhận nhiệm vụ phò Lê Tuấn, Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế và sau đó được Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định mời ra giúp việc khai hoang, lấn biển.
Năm 1873, sau khi bình định Nam kỳ (chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh) Pháp đang muốn âm mưu ép triều đình ký một hiệp định thay thế Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Bùi Viện nhận sứ mạng sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với vua Tự Đức.
Hành trình sang Hoa Kỳ
Bùi Viện rời cửa biển Thuận An kinh thành Huế, để ngược ra Bắc tháng 8 năm 1873 và hai tháng sau đến Hương Cảng (Hong Kong) lúc đó đang là nhượng địa của nước Anh. Tại đây, Bùi Viện kết giao với viên lãnh sự Hoa Kỳ lai Hoa. Biết được nguyện vọng của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một người ở Hoa Kỳ có khả năng giúp ông tiếp cận với Tổng thống Mỹ.
Sau đó, Bùi Viện đến Yokohama (Hoành Tân, Nhật Bản) để sang Mỹ rồi lưu lại đó suốt một năm để gặp Tổng thống Ulysses Grant (1868 -1876). Lúc này Pháp và Mỹ đang xích mích với nhau trong chiến tranh Mỹ- Mexico nên Mỹ cũng tỏ ý giúp nước Nam. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên 2 bên không thể có một cam kết chính thức. Vì thế, Bùi Viện trở về Huế. Vua Tự Đức trao thư cho ông để ông xuất dương một lần nữa. Năm 1875, ông có mặt tại Hoa Kỳ. Nhưng lúc này Tổng thống Ulysses Grant khước từ cam kết giúp Việt Nam đánh Pháp vì sự thù địch Mỹ-Pháp đã kết thúc. Bùi Viện trở về nước, vừa đặt chân lên bờ thì nghe tin mẹ từ trần nên về quê cư tang. Ba tháng sau, Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức Thương chánh tham biện rồi sau đó là chức Chánh quản đốc nha Tuần hải. Chẳng lâu sau, ông qua đời đột ngột ở tuổi 40.
Hoàng Việt