Nhiều ý kiến của các chuyên gia về những đề tài luận án tiến sĩ cho thấy không hề có hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đào tạo, như người ta thường bảo đó là "phổ cập tiến sĩ", "tiến sĩ giấy".

Phổ cập tiến sĩ: Tệ sính bằng cấp còn quá nặng

Dạ Thảo | 10/05/2022, 15:49

Nhiều ý kiến của các chuyên gia về những đề tài luận án tiến sĩ cho thấy không hề có hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đào tạo, như người ta thường bảo đó là "phổ cập tiến sĩ", "tiến sĩ giấy".

Đào tạo tiến sĩ theo cách "nhân bản": Tình trạng sính bằng cấp còn nặng

Bộ GD-ĐT đã lên tiếng rằng việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước như sau: Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại hội đồng cấp trường/viện. Người phản biện phải là những nhà khoa học hay chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Thành viên hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó chủ tịch hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án. Dù quy định khá khắt khe như vậy, nhưng hàng loạt "đề tài khoa học" của các tiến sĩ vừa được dư luận đưa ra mổ xẻ, đặc biệt vụ "tiến sĩ cầu lông" tỉnh Sơn La, khiến người ta không khỏi nghi ngờ về chất lượng đào tạo cũng như quy trình quá lỏng lẻo dẫn đến những hậu quả tai hại cả về mặt khoa học và đời sống xã hội.

Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài, mà còn ở nội dung, giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Theo các chuyên gia giáo dục, những đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ về các môn thể thao như cầu lông, yoga, bơi lội... ở các tỉnh chưa có tính ứng dụng thực tiễn, không thể không quy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, đồng thời cũng là trách nhiệm của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Đặc biệt mới đây có kết luận của Thanh tra chính phủ về những liên quan của viện này với việc đào tại thạc sĩ, tiến sĩ trong giai đoạn 2015-2019. Kết luận của thanh tra cũng chỉ rõ, giai đoạn ấy, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.

Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là những cách mà ngành giáo dục đang "nhân bản tiến sĩ" ở Việt Nam, những đề tài nghiên cứu khá dễ dãi khiến dư luận và giới khoa học bất bình, đáng báo động. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, GS-TSKH Ngô Việt Trung cho rằng chỉ có những người không có kiến thức hoặc đầu óc "có vấn đề" mới tin những đề tài phát triển môn cầu lông, bơi, yoga cho viên chức, công chức là đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ.

GS Ngô Việt Trung cũng cho rằng hiện nay việc chuộng bằng cấp ở Việt Nam vẫn còn nặng nề, và còn chú trọng bằng cấp thì còn xảy ra tình trạng "nhân bản tiến sĩ". Các công ty tư nhân hầu như không có đơn vị nào đòi hỏi người được tuyển dụng và làm việc phải là tiến sĩ. Chỉ nhà nước hay các cơ sở giáo dục đào tạo mới cần đến bằng cấp tiến sĩ, giáo sư, và phải được thực hiện nghiêm túc bởi những quy định chuẩn hóa các vị trí công tác. Nhưng đó cũng là nguyên do để những người "chạy chức, chạy quyền" tìm đến những cơ sở đào tạo dễ dãi để tránh né làm những đề tài nghiên cứu, nghiêm túc mang tính khoa học áp dụng thực tiễn thực sự.

"Việc đào tạo tiến sĩ quá dễ dãi, hệ lụy sẽ rất khủng khiếp, sẽ có những cán bộ không đủ trình độ, năng lực vào làm ở các vị trí lãnh đạo… Điều đáng nói, chuyện đào tạo tiến sĩ dễ dãi này không phải bây giờ mới có, mà chỉ là lúc này mới gây xôn xao dư luận. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ cả nước, chúng ta cần phải chuẩn hóa đầu ra, xem lại việc chạy theo số lượng trong đào tạo tiến sĩ. Ngoài việc Bộ GD-ĐT phải thẩm định lại chất lượng của luận án tiến sĩ, cần phải đưa ra những quy chuẩn của đầu ra. Nên xem lại việc chạy theo số lượng trong đào tạo tiến sĩ vì việc này sẽ để lại hậu quả nguy hiểm và kéo dài. Các đơn vị quản lý nhà nước cần phải tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để có thể ngăn chặn các trường hợp không đạt chuẩn" - ông Trung cho hay.

Không nên để chức danh chung và lâu dài

Ở Việt Nam hiện nay, các cơ sở đào tạo uy tín đã có người hướng dẫn khoa học đối với các luận án tiến sĩ thực chất, có chuyên môn, chuyên ngành và có những quy chuẩn đầu ra phù hợp tiếp cận được với các nước tiên tiến trên thế giới. Do đó, rất cần thiết chế bằng các quy định về tiêu chuẩn luận án tiến sĩ, và quan trọng hơn là tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận án tiến sĩ từ các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, thì mới có thể lấy lại uy tín cho việc đào tạo trong đào tiến sĩ của một số chuyên ngành.

d(1).jpg
Đào tạo tiến sĩ dễ dãi, hệ lụy rất nghiêm trọng

Bảo vệ quan điểm về việc cần thắt chặt đầu ra và cả đầu vào của tiến sĩ, ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng hiện nay chức danh giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sĩ ở các nước đều gắn với tên trường. Ví dụ giáo sư của trường đại học A hay B, chứ không phải là giáo sư chung chung như chúng ta đang đang áp dụng.  "Tôi cho rằng không nên có giáo sư suốt đời gắn với 1 lần bảo vệ. Các trường có thể phong GS, PGS...  theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm. Sau nhiệm kỳ, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận chức danh nữa. Chứ như ở ta hiện nay, GS, PGS thì đến chết vẫn giữ chức danh. Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là GS, PGS. Đó là chuyện vô lý", TS Lê Viết Khuyến đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) cho rằng sự thẩm định của Bộ GD-ĐT lúc này là cần thiết, nhưng theo bà Nga, tại sao trước đó Bộ GD-ĐT không thẩm định thường xuyên mà phải có ý kiến người dân mới thẩm định. Liệu bộ chỉ làm với những luận án đang được dư luận quan tâm mổ xẻ, còn những luận án khác không được thẩm định thì liệu có chính xác không?

"Tôi tin vẫn còn nhiều luận án mà chúng ta chưa được tiếp cận. Thẩm định là việc làm trước mắt nhưng tôi nghĩ cần thiết hơn cả không chỉ là đi thẩm định lại mà bộ cần chấn chỉnh sao cho có sự nghiêm túc thật sự trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Là cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT cần kiên quyết thực sự và không chạy theo thành tích nữa. Hành lang pháp lý chúng ta có đầy đủ các quy định, các tiêu chuẩn đưa ra khá chặt chẽ thì chốt lại ở chỗ thực hiện không nghiêm, khâu thẩm định, đánh giá có vấn đề. Trong thời gian tới, chúng ta cần thực sự nghiêm túc hơn nữa ở khâu tổ chức thực hiện và thẩm định đánh giá để có được những luận án xứng đáng, chứ không phải là luận án như dư luận vừa phản ánh" - bà Nga khẳng định.

Cũng trong ngày 10.5, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ thẩm định lại theo đúng quy chế những luận án tiến sĩ có ý kiến của dư luận. Bộ cho biết bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng, cũng luôn nhắc nhở các cơ sở đào tạo chú trọng đến sự công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phổ cập tiến sĩ: Tệ sính bằng cấp còn quá nặng