Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân các hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, người già, trẻ em trong thời gian mưa lũ.
Ngày 16.9, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội).
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện huyện Mỹ Đức cho biết, tính đến ngày 16.9, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện từ đầu năm là 1.939,0mm, tăng 449,1mm so với năm 2023. Trong đó, mưa từ ngày 6.9 đến 6h ngày 16.9 là 494,0mm. Từ đêm ngày 15.9 đến 6 giờ ngày 16.9, mưa trung bình đạt 11mm.
Mực nước trên sông Đáy tại xã An Mỹ đạt báo động 2 (từ 17 giờ 20 phút ngày 10.9); sông Bùi, xã Phúc Lâm báo động 3 (từ 17 giờ, ngày 9.9); sông Mỹ Hà tại Hòa Lạc rút báo động 2 (từ 19 giờ, ngày 13.9). Mực nước các hồ trên địa bàn huyện đang ở mức cao, trong đó, hồ Quan Sơn vượt ngưỡng tràn (đo lúc 6h ngày 16.9 là 5,94m).
Trước tình hình mưa bão, các phòng, ban ngành, xã, thị trấn tiếp tục chủ động triển khai các hoạt đông phòng, ngừa, ứng phó với bão, lũ; vận hành 8 trạm bơm với 20 tổ mức, tổng lưu lượng 90.200m3 để tiêu úng; cắt tỉa cây xanh gãy, đổ; khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do bão; chủ động ứng trực, chuẩn bị nhân lực, vật tư phương tiện, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các xã, thị trấn đã huy động trên 6.200 lượt người; 80 ô tô các loại, 18 máy xúc, 20 thuyền, khoảng trên 2.600m3 cát, trên 620m3 đất, trên 71.500 bao tải… để khắc phục các sự cố trên các tuyến đê, trạm bơm, thu hoạch lúa cho dân…
Lực lượng vũ trang đã huy động trên 730 người hỗ trợ dân đắp đê, thu hoạch lúa Mùa tại các xã Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn, An Tiến… Huyện đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng thu hoạch lúa mùa đến nay là 1.072ha, đạt 15%.
Về thiệt hại, toàn huyện có khoảng 2.632ha lúa bị đổ, ngập, trong đó, 1.838,7ha bị ảnh hưởng nặng; 360ha hoa màu bị ảnh hưởng, khoảng 25.300 cây ăn quả bị đổ, gãy; khoảng 98,2ha cây hàng năm bị đổ gãy; 7.250 cây bóng mát, cây lấy gỗ bị đổ, gãy; khoảng 9.675 con gia cầm bị chết do ngập chuồng; tràn trên 139,4ha nuôi trồng thủy sản; 114 chuồng trại bị đổ, sập, tốc mái…
Ngoài ra, do ảnh hưởng mưa bão còn gây hư hỏng một số trạm bơm; sập cống trạm bơm Tảo Khê, xã Bột Xuyên; sạt sụt 70m đê vùng 700 xã An Phú, sụt khoảng 50m taluy đê Quán Quốc, tràn các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…
Có 85 nhà cấp 4, mái tôn trường học, đình, chùa, trạm y tế… bị tốc mái, có 1 hộ xã Tuy Lai có nhà bán kiên cố bị sập. Đến nay, còn 5 trường học học sinh chưa quay trở lại trường; 3.421 hộ bị nước tràn vào nhà; đã di dời 1.979 hộ vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn, trong đó, khoảng 600 hộ với 2.500 nhân khẩu xã An Phú; 300 hộ với trên 1.200 nhân khẩu xã Hợp Tiến và 774 hộ với 3.560 nhân khẩu xã Hợp Thanh đến nơi an toàn. Hiện, đã có 38 hộ phải di dời đã trở về nhà sinh hoạt bình thường.
Về công tác cứu trợ, tính đến ngày 15.9, đã có khoảng 141 tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân các xã: Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Phú, Phúc Lâm… có người dân bị ảnh hưởng do mưa, bão, úng: 6,1 tấn gạo, 3.323 thùng mì tôm, 8.029 bình nước uống, 1.556 hộp sữa, 523 kg rau củ quả, 1.069kg thịt lợn, 2.031 hộp bánh, lương khô, bánh gạo, 1.259 chai nước mắm, 971 áo phao, 1.903 đèn pin, 25,5 triệu tiền mặt và nhiều đồ dùng thiết yếu…
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mỹ Đức kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm nhằm kịp thời hỗ trợ các hộ dân thôn Đồng Chiêm cũng như nhân dân huyện Mỹ Đức sớm vượt qua những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, cần kịp thời sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng người dân trong bối cảnh mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bà Tuyến cũng yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về phòng chống bão lụt, kịp thời ứng phó với mọi tình huống trên tinh thần bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân các hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, người già, trẻ em trong thời gian mưa lũ.
Sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đến xã Hợp Tiến, một trong những xã bị ngập nặng tại Mỹ Đức trao 100 suất quà cho các em thiếu nhi các xã Hợp Tiến, Hợp Thanh và An Phú, huyện Mỹ Đức.
Trong bối cảnh mưa lũ khiến nhiều gia đình ở Mỹ Đức bị ngập nước, nhiều trường học phải tạm đóng cửa, tổ chức học online cho học sinh; những phần quà được trao tặng vào đúng dịp Tết Trung thu góp phần động viên, khích lệ tinh thần, đồng thời mang đến những tình cảm yêu thương cho các em thiếu nhi.
Hà Nội: 30.000 người sơ tán ngập lụt, chưa trở về nhà
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho biết, tính đến 19 giờ tối qua (15.9), các quận, huyện, thị xã đã sơ tán 78.747 người tránh bão, lụt.
Hiện lũ sông Hồng, Đà, Đuống rút, Hà Nội có 48.211 người trở về nơi ở cũ; trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 5.489 người, Tây Hồ có 20.963 người, Hoàn Kiếm có 4.379 người, Long Biên có 1.055 người, Hai Bà Trưng có 1.198 người…
Thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội còn khoảng 30.536 người phải sơ tán tránh ngập lụt, chưa trở về nơi ở cũ; trong đó, huyện Chương Mỹ còn 9.052 người, huyện Mỹ Đức 7.768 người, huyện Sóc Sơn 5.636 người, huyện Ứng Hòa 4.672 người, huyện Đông Anh 1.234 người, huyện Quốc Oai 1.129 người…