Sáng 31.10, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tái thông mạch máu chi dưới cho bệnh nhân nữ 104 tuổi.
Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất bị tắc mạch cấp được phẫu thuật thành công tại bệnh viện này. Bệnh nhân là cụ bà Bùi Thị Tr. (104 tuổi, ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nhập viện ngày 28.10 vì đau nhức và tím bàn chân trái. Bệnh nhân đã dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhưng triệu chứng ngày càng tăng, bàn chân trái tím nên gia đình bệnh nhân đưa bệnh nhân nhập viện.
Tắc động mạch chi cấp tính là tình trạng đột ngột thiếu máu chi, đe dọa đến khả năng bảo tồn chi. Đây là bệnh cảnh cấp cứu và nguy hiểm nhất đối với mạch ngoại biên, dễ có nguy cơ đoạn chi gây tàn tật, thậm chí tử vong nếu không được điều trị thích hợp.
Các bác sĩ đã siêu âm mạch máu cấp cứu, và nhận thấy cụ bà bị tắc động mạch đùi nông chân trái. Chụp CT-Scan mạch máu có cản quang đa lát cắt, cho thấy, tắc đoạn 1/3 dưới động mạch đùi nông 2 bên, tắc động mạch khoeo 2 bên... Và bệnh nhân được chẩn đoán tắc động mạch đùi nông cấp.
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành rạch da vùng 1/3 trên trong cẳng chân trái, bộc lộ động mạch khoeo trái, chày sau. Dùng Forgasty lấy huyết khối động mạch đùi nông và huyết khối động mạch chày sau. Thời gian thực hiện phẫu thuật là 60 phút.
Sau can thiệp tình trạng tắc nghẽn động mạch chi cấp cải thiện rõ. Sáng 31.10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn, chi trái hết tím, hết đau, mạch rõ, chi ấm.
Trước đây, phẫu thuật điều trị thiếu máu cấp tính ở chi chỉ có một phương pháp duy nhất là đoạn chi. Cùng với sự tiến bộ của y học cũng như hiểu biết đầy đủ về cơ chế sinh bệnh, điều trị tắc động mạch chi đã có thay đổi rất nhiều, trong đó phải kể đến sự ra đời của kỹ thuật lấy cục máu gây tắc bằng dụng cụ đặc biệt gọi là Fogarty và kỹ thuật tái lập lưu thông mạch máu bằng phẫu thuật cầu nối.
Phong Phạm