Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một thiên thể có quỹ đạo xoay quanh ngôi sao rất giống với mặt trời, có tên KOI- 456.04.
Hành tinh này khác với những ngoại hành tinh giống trái đất được phát hiện trước đây ở chỗ ngôi sao trung tâm của nó, Kepler-160, có sự tương đồng đáng kinh ngạc với mặt trời của chúng ta. Mặc dù sự hiện diện của hành tinh này vẫn chưa được xác nhận, sự tương đồng và ngôi sao của nó với mặt trời và trái đất của chúng ta có thể coi là gần nhất từ trước đến nay.
Tiến sĩ René Heller thuộc Viện Nghiên cứu hệ mặt trời Max Planck (Đức), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu nói trên đã từng khẳng định: “KOI-456.01 tương đối lớn so với các hành tinh có khả năng tồn tại sự sống khác. Tuy nhiên, chính việc hành tinh này có kích thước nhỏ hơn trái đất 2 lần và ngôi sao trung tâm của nó có các đặc điểm tương tự như mặt trời đã khiến nó trở nên đặc biệt và quen thuộc với chúng ta”.
Nằm cách trái đất hơn 3.000 năm ánh sáng, ngôi sao Kepler-160 có kích thước lớn gấp 1,1 lần mặt trời và có nhiệt độ bề mặt là 5.200 độ C, chỉ thấp hơn mặt trời 300 độ. Ngôi sao này có hai ngoại hành tinh được phát hiện là Kepler-160b, một siêu trái đất với bề mặt đá và Kepler-160c, hành tinh khổng lồ tương tự sao Hải vương - nhưng quỹ đạo của cặp hành tinh này rất gần với ngôi sao và được cho là quá nóng, không thể có sự sống ở đó được.
Tuy nhiên, khả năng tồn tại một hành tinh thứ 3, được xác định từ khác lạ trong quỹ đạo của Kepler-160c, đã thu hút các nhà thiên văn học tiếp tục tìm hiểu về hệ thống hành tinh này.
Cả hai hành tinh trước đó đều được phát hiện bằng cách tìm kiếm các pha chớp tắt độ sáng của Kepler-160, cho thấy một vật thể đang chuyển động. Tuy nhiên, những vết mờ tạm thời này rất khó phát hiện từ các ngoại hành tinh nhỏ hơn, do đó Heller và nhóm của ông đã tạo ra một thuật toán tìm kiếm mới, có thể xác định chính xác hơn sự hiện diện của các hành tinh này. Bằng phương pháp cải tiến, họ đã tìm ra được KOI-456.04.
KOI-456.04 có kích thước gần gấp đôi trái đất và xoay quanh ngôi sao chủ (Kepler-160) nhận được lượng ánh sáng bằng khoảng 93% mức độ ánh sáng mà địa cầu nhận được.
Thậm chí, thiên thể này còn quay quanh ngôi sao chủ với khoảng cách tương đương trái đất, mất 378 ngày để hoàn thành quỹ đạo.
Cũng theo MIT, nếu KOI-456.04 có bầu khí quyển trơ với hiệu ứng nhà kính nhẹ giống như trái đất, nhiệt độ bề mặt của nó sẽ vào khoảng 5 độ C, thấp hơn 10 độ so với nhiệt độ trung bình địa cầu. Ngoài ra, khoảng cách của KOI-456.04 và Kepler-160 rất có lợi cho sự tồn tại của chất lỏng.
Hiện KOI-456.04 có 85% khả năng là một ngoại hành tinh, song vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để nâng tỷ lệ này lên 99%. Các nhà thiên văn học cho rằng họ sẽ cần phải chờ đợi thêm các nhiệm vụ không gian trong tương lai, chẳng hạn như tàu vũ trụ ESA, PLATO trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Đan Thùy