Các nhà sinh vật học tìm thấy hai loài ếch thủy tinh mới với cơ thể trong suốt tại thung lũng dưới chân dãy núi Andes ở Ecuador.
Cách thủ đô Quito của Ecuador chưa đầy 16 km, các sườn núi gồ ghề của dãy Andes là một trong những điểm đa dạng sinh học nhưng cũng dễ tổn thương nhất ở vùng nhiệt đới. Dưới chân Andes là một thung lũng với con sông Guayllabamba chảy qua, là trung tâm của câu chuyện đáng chú ý về hai loài ếch thủy tinh mới được xác định.
Một trong số chúng, Hyalinobatrachium mashpi, sống ở phía nam của con sông trong Khu bảo tồn Mashpi và Tayra, hai ốc đảo nhiệt đới tư nhân liền kề nhau có diện tích 2.510 ha. Loài còn lại là Hyalinobatrachium nouns, sống ở sườn phía bắc của thung lũng trong dãy Toisan, một quần thể núi dốc nằm biệt lập với vành đai Andes chính, một hòn đảo nổi trên biển xanh.
Cả hai sinh vật đều sống ở cùng độ cao, trong các điều kiện nhiệt độ và độ ẩm tương tự nhau. Chúng có kích thước từ 1,9 đến 2,1 cm tính từ mõm đến lỗ huyệt (một thước đo chiều dài tiêu chuẩn của động vật lưỡng cư). Cơ thể của chúng gần giống nhau nếu nhìn bằng mắt thường, phần lưng màu xanh phủ bởi các chấm đen xếp xung quanh các đốm vàng. Phần bụng hoàn toàn trong suốt để lộ tim, gan và hệ tiêu hóa và một túi trứng màu xanh lục ở con cái.
Juan Manuel Guayasamin, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học San Francisco de Quito, tác giả chính của bài báo mô tả loài mới, cho biết: “Ban đầu khi bắt đầu tìm hiểu, chúng tôi nghĩ chúng là cùng một loài. Nhưng khi tôi và các đồng nghiệp phân tích DNA của loài ếch kỹ hơn, chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng chúng có sự khác biệt lớn về gien”.
Hiện nay, chỉ 156 loài ếch thủy tinh được biết đến trên thế giới, chủ yếu sống ở phía bắc dãy Andes và Trung Mỹ. Trong thập kỷ qua, Guayasamin và các đồng nghiệp đã thu thập các mẫu DNA của ếch thủy tinh, cả bằng cách đi bộ xuyên rừng nhiệt đới lẫn xem xét các mẫu vật từ các bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân ở một số quốc gia.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã giải mã trình tự gien cho khoảng 90% trong số 150 loài ếch thủy tinh hiện có. Họ cũng phát hiện ra rằng H. mashpi và H. nouns khác nhau về mặt di truyền gần 5%, một khoảng cách lớn đối với các loài lưỡng cư tương tự như vậy. Điều đáng ngạc nhiên là cả hai nhóm sống rất gần nhau về mặt địa lý, cách nhau khoảng 20 km.
“Do thung lũng sông Guayllabamba khô hơn và khác biệt về mặt sinh thái so với các sườn núi liền kề, nên chúng tôi nghĩ thung lũng đã ngăn những con ếch này không trộn lẫn với nhau. Các quần thể bị ngăn cách bởi một rào cản địa lý sẽ có sự tích lũy các đột biến trong mỗi nhóm và theo thời gian, chúng trở nên khác biệt về mặt di truyền”, Guayasamin nói.