Sau khi xuất hiện ca cúm gia cầm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam, sáng 6.4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang và Viện Pasteur TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Thông tin Y học

Phát hiện ca nhiễm cúm gia cầm A(H9) đầu tiên, Bộ Y tế ra công văn khẩn

Hồ Quang 06/04/2024 12:32

Sau khi xuất hiện ca cúm gia cầm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam, sáng 6.4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang và Viện Pasteur TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế địa phương tập trung tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp mắc mới; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm chết và những khu vực có nguy cơ cao; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

xuat-hien-ca-cum-gia-cam-cum-gia-cam-a-h9-dau-tientai-viet-nam-o-y-te-ra-cong-van-khan-hinh-anh.png
Tiêm phòng bệnh cho gia cầm - Ảnh minh họa

Đối với Viện Pasteur TP.HCM, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới; tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm vi rút; hướng dẫn và hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người và xử lý ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, xem xét tập huấn nâng cao năng lực cho địa phương trong giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch cúm gia cầm trên người, cũng như hướng dẫn phối hợp với ngành thú y; hướng dẫn và hỗ trợ địa phương trong xây dựng thông điệp truyền thông và triển khai truyền thông về phòng, chống cúm gia cầm.

Trước đó, một người đàn ông (37 tuổi, ngụ xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được xác định mắc cúm gia cầm A(H9). Đây là bệnh nhân mắc cúm gia cầm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam.

Theo thông tin ban đầu, ngày 10.3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vào ngày 16.3. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi nặng nghi do vi rút.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phát hiện bệnh nhân dương tính cúm A và có các đoạn gien tương đồng vi rút cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định.

Ngày 1.4, Viện Pasteur TP.HCM phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9. Hiện bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Viện Pasteur TP.HCM đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm.

Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra dịch tễ cho thấy, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe; đến nay chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp; chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.

Vào tháng 3.2024, tại tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm gia cầm A(H5N1) trên người.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương cùng đơn vị thú y trên địa bàn.

Ngoài ra, người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.

Bộ Y tế cũng khuyến khích người dân nên đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.

Khi người dân có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bài liên quan
Động vật có vú mắc cúm gia cầm làm dấy lên lo ngại
Từ năm 2020 có một đợt cúm gia cầm H5N1 bùng phát đến mức kỷ lục. Vi rút biến đổi về mặt di truyền lây lan cực nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện ca nhiễm cúm gia cầm A(H9) đầu tiên, Bộ Y tế ra công văn khẩn