Việc các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được sự va chạm của 2 ngôi sao neutron được xem là khám phá "chưa từng có", mở ra kỷ nguyên mới của thiên văn học.

Phát hiện 2 ngôi sao va chạm, đo được tốc độ của sóng hấp dẫn

zing | 17/10/2017, 10:02

Việc các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được sự va chạm của 2 ngôi sao neutron được xem là khám phá "chưa từng có", mở ra kỷ nguyên mới của thiên văn học.

Các nhà khoa học cho biết sóng xung kích và ánh sáng phát ra từ vụ nổ cách Trái Đất 130 triệu năm ánh sáng đã được các kính viễn vọng không gian và trên mặt đất cùng các máy dò ghi lại vào ngày 17.8.

"Chúng tôi đã chứng kiến lịch sử đang mở ra trước mắt: 2 ngôi sao neutron tiến đến ngày càng gần nhau, di chuyển càng lúc càng nhanh sau đó va chạm và tiêu tan thành các mảnh vỡ văng ra khắp nơi", đồng tác giả Benoit Mours từ Viện Nghiên cứu CNRS của Pháp nói vớiAFP.

Vụ va chạm đã tạo ra bằng chứng đầu tiên của một nguồn đơn lẻ phát ra đồng thời những gợn sóng trong không gian-thời gian, được gọi là sóng hấp dẫn, cũng như ánh sáng dưới dạng một vụ nổ tia gamma kéo dài 2 giây.

Các dữ liệu cũng tiết lộ rằng vụ nổ là nguồn gốc của lượng lớn vàng, bạch kim, thủy ngân và các kim loại nặng khác trong vũ trụ. Các kính thiên văn cũng quan sát được bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của vật liệu mới hình thành trong vụ nổ, điều mà các nhà khoa học đã nghi ngờ từ lâu.

Nhà vật lý Patrick Sutton, thành viên của Đài quan trắc Sóng hấp dẫn bằng Giao thoa kế Laser (LIGO), cho biết: "Có thể thấy rõ là một phần đáng kể, có lẽ là một nửa hoặc nhiều hơn, các nguyên tố nặng trong vũ trụ được tạo ra bởi vụ va chạm kiểu này".

Các cuộc họp báo đã được tổ chức trên khắp thế giới và hàng loạt bài báo khoa học đã được công bố vào ngày 16.10 nêu chi tiết về khám phá này.

Các bài báo và hội nghị này đại diện cho hàng nghìn nhà khoa học, 70 đài quan sát, các cơ quan dò sóng hấp dẫn LIGO và Virgo. Tất cả cùng tham gia vào một trong những sự kiện thiên văn được quan sát và nghiên cứu nhiều nhất trong thời đại này.

Sóng hấp dẫn lần đầu tiên được phát hiện trực tiếp 2 năm trước, chứng minh lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein. Mới đây, 3 nhà khoa học đã được trao giải Nobel Vật lý cho công trình về phát hiện đầu tiên này.

Những sóng hấp dẫn này là kết quả của 2 lỗ đen va chạm và tín hiệu chỉ kéo dài một phần giây. Bởi vì các lỗ đen không phát ra ánh sáng, các sóng này không nhìn thấy được và chỉ "nghe" như tiếng bụp.

Phát hiện về 2 ngôi sao neutron va chạm để tạo ra cùng loại sóng, bên cạnh ánh sáng, cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu các sóng hấp dẫn theo cách mới. Tín hiệu kéo dài trong 100 giây cung cấp cho họ nhiều dữ liệu hơn và hiểu biết sâu hơn. Nó cũng cho thấy sóng ánh sáng và sóng hấp dẫn đi cùng tốc độ.

Phát hiện này khẳng định rằng vụ nổ tia gamma có thể là kết quả của sự va chạm của các sao neutron, cũng như các nguyên tố nặng được tạo ra do va chạm bạo lực giữa các ngôi sao. Nó cho thấy hình ảnh những ngôi sao neutron khi va chạm và nó xác nhận sóng hấp dẫn và ánh sáng có thể xảy ra đồng thời.

"Sự kiện độc nhất này đã giải quyết được tất cả những vấn đề trên, đưa tất cả bí ẩn này vào cùng một thời điểm",CNNdẫn lời Tony Piro, chuyên gia vật lý học thiên thể lý thuyết từ Viện Nghiên cứu Carnegie Observatories.

Sao neutron là phần lõi đông đặc còn sót lại sau khi các ngôi sao khổng lồ hết nguyên liệu, nổ tung và chết.

Với đường kính khoảng 20km và khối lượng chỉ kém một chút so với Mặt Trời, các ngôi sao này siêu đậm đặc và có phóng xạ cao. Chỉ một nắm vật chất của sao neutron đã nặng bằng Núi Everest.

Tuyết Mai/Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện 2 ngôi sao va chạm, đo được tốc độ của sóng hấp dẫn