Đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn cuộc sống và trật tự thế giới, ảnh hưởng đến mấy tỉ người. Hàng triệu công ty phá sản vì dịch bệnh, đóng cửa vì không có việc làm, đóng băng hoạt động. Ở Việt Nam có thương hiệu bị xóa sổ lãng nhách vì tên gọi. Đó là Buddha Bar ở phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.
Tên gọi Buddha Bar dễ làm ai đó nghĩ là nơi giải trí cho tăng ni, Phật tử; đâu ngờ đó là chốn ăn chơi quốc tế, ổ dịch Covid 19 của Sài Gòn. Nếu “Cô Vy” không ghé thăm, bar vẫn ăn nên làm ra, ngày càng phát đạt. Chỉ trong đêm 14.3, "Cô Vy” quậy tưng quán với 8 người dương tính phải tập trung cách ly. Cả trăm người F1 phải tự cách ly, gần ngàn người F2 người thấp thỏm, thiên hạ té ngửa. Có quan bar nổi tiếng mang tên Phật, trang trí phong cách Phật. Có cả tượng Phật vô vi nhìn chúng sinh ăn chơi, nhảy nhót.
Có người bảo “Có gì mà ầm ĩ, luật pháp không cấm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phản đối, hà cớ gì mấy người thắc mắc?”. Có lẽ giáo hội chưa vào đó nên không hay nhưng chắc chắn Phật tử biết, báo chí biết; sao lâu nay vẫn giữ thái độ “Im lặng là vàng”. Mãi đến khi thành ổ dịch Covid 19, mới bức xúc lên án.
Buddha Bar là chuỗi quán bar, nhà hàng, khách sạn của người Pháp, hoạt động ở Paris từ 1996 và mở rộng ra nhiều nước. Với cách thiết kế và trang trí lạ mắt, Buddha Bar nhanh chóng trở thành thương hiệu nổi tiếng. Bị phản đối vì tên gọi, Buddha Bar ở Washington (Mỹ) và Jarkarta (Indonesia) phải đóng cửa, ở New York (Mỹ) phải đổi tên.
Buddha Bar Thảo Điền hoạt động từ 2010. Năm 2011, báo Giác Ngộ và giáo hội Phật giáo thành phố đã lên tiếng phản đối, chủ quán hứa đổi tên. Mọi việc chỉ dừng lại ở đó cho đến khi “Cô Vy” 19 ghé thăm. Theo thông tin báo chí. Buddha Bar là quán ăn Thái, giấy phép kinh doanh ghi tên quán là “Bvddha”. Chủ quán cố tình lập lờ, bởi biết chắc nếu ghi Buddha có thể bị từ chối.
Vấn đề là tên trên giấy phép một đằng, tên trên bảng hiệu một nẻo, cố tình gian lận mà vẫn tồn tại hàng chục năm nay? Tại sao báo Giác Ngộ và giáo hội Phật giáo thành phố không làm đến nơi, mạnh tay hơn; nhờ đồng nghiệp và dư luận lên tiếng mà nửa chừng buông xuôi? Văn hóa phương Tây tự do nhưng chưa thấy ai lấy tên của Đức Chúa Trời. Chúa Jesus hay người sáng lập các tôn giáo làm tên quán ăn chơi.
Nhà văn Salman Rushdie (Ấn Độ) vì báng bổ tiên tri Mohammed bị nhà nước Iran treo giải thưởng 600.000 usd và truy nã tử hình. Indonesia là quốc gia Hồi giáo nhưng Phật tử thủ đô đã buộc Buddha Bar ở Jarkarta đóng cửa từ 2010 theo lệnh của Tòa án, khi vừa đưa vào hoạt động. Ở Thái Lan, tượng và hình ảnh Phật chỉ được thỉnh từ trong chùa, không được bày bán trong các cửa hàng, kể cả trang sức.
Nhờ COVID-19, Phật ở Buddha Bar Thảo Điền được "giải cứu". Quán sẽ phải đổi tên và thay trang trí, nếu còn tồn tại. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn lại mình. Không thể vin vào cớ “Luật pháp không cấm” để nhắm mắt cho qua. Luật pháp không cấm nhưng phải được phép? Có thứ Luật pháp không cấm nhưng trái với đạo đức, văn hóa, truyền thống và dư luận xã hội chính là người phân xử.
Nguyễn Văn Mỹ