“Ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm thế nào cần phải làm rõ. Người đứng đầu cơ quan nào chịu trách nhiệm đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

‘Phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu chứ không thể ‘cha chung không ai khóc’

Trí Lâm | 24/08/2016, 16:13

“Ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm thế nào cần phải làm rõ. Người đứng đầu cơ quan nào chịu trách nhiệm đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ô nhiễm toàn diện

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường sáng 24.8,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian qua, các vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, gây bất ổn xã hội.

Theo Thủ tướng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn… và xảy ra trên diện rộng. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường đã diễn ra gay gắt ở nhiều nơi.

Chứng minh cho nhận định trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu ra hàng loạt con số “giật mình” về môi trường. Theo đó, trên toàn quốc hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.

Đồng thời, có hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng sai quy định hàng nằm; hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp,630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan...

Cẩn trọng trong thu hút FDI

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ chế thu hút FDI của Việt Nam được ưu tiên cao và chưa tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội về môi trường.

“Không thể phủ nhận vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, song chúng ta cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem rằng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có phải vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì những lợi thế so sánh của đất nước do chúng ta tạo ra hay vì những lý khác?” – Bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đặt câu hỏi: Tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực giá rẻ, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…?

Bộ trưởng hỏi rồi gần như tự trả lời rằng: “Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập? Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra?”.

Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, theo đó phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, “Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, vấn đề này trong những tháng qua, nhiều năm qua, Chính phủ đã suy nghĩ, có nhiều biện pháp tập trung chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thực trạng ô nhiễm môi trường, những yếu kém, thách thức vẫn hiện hữu, chưa có biện pháp giải quyết tập trung ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các địa phương đang là cơ quan quản lý, cấp giấy phép trực tiếp các dự án đầu tư, xây dựng và quản lý lưu vực sông.

Coi nhẹ môi trường

Trước thực trạng môi trường nêu trên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan. Trước hết, đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư.

Do đó, Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực để nhận diện rõ hơn, đồng thời nhìn nhận hạn chế, yếu kém về công tác quản lý Nhà nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Bây giờ anh nói đủ thứ việc nhưng anh cấp phép thì trách nhiệm anh đến đâu trong việc này? Đặc biệt là hệ thống Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, chi cục về quản lý môi trường và các cơ quan chức năng khác. Ở Bộ này, trách nhiệm thế nào thì cũng cần làm rõ. Phân công, phân cấp phải chịu trách nhiệm rõ hơn. Người đứng đầu cơ quan nào chịu trách nhiệm đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại”, Thủ tướng lưu ý.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo hướng nghiêm ngặt hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải ra sông, ra biển...

Bộ trưởng Hà cũng kiến nghị Quốc hội tăng chi ngân sách bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu chứ không thể ‘cha chung không ai khóc’