Chúng tôi là một công dân Việt Nam chúng tôi có những quyền trên, không lẽ vì xu hướng tính dục của chúng tôi là đồng tính thì chúng tôi bị sỉ nhục không thương tiếc như thế trong khi chúng tôi đang là những công dân tốt và làm những việc có ích. Xin hãy đánh giá chúng tôi qua lời nói, hành động, tư cách, đạo đức của chúng tôi chứ đừng đánh giá chúng tôi bằng “tính dục”.
|
Hình ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn ICS) |
Trong thời gian này, khi quốc hội đang họp bàn về quyền kết hôn giữa những người đồng giới, dư luận một bên đồng tình, một bên phản đối kịch liệt quyền kết hôn của chúng tôi. Có nhiều tranh luận đã được nêu ra, dù có phản đối người đưa ý kiến cũng phản đối bằng những lời lẽ có văn hoá lịch sự như:
"Hai người ở giới tính thứ ba này là một cặp gì nhỉ? Có thể gọi là một gia đình, nhưng gọi là vợ chồng thì nghe có vẻ không hợp. Họ sống với nhau thế nào? Họ không thể sinh con như gia đình dị tính. Thật khó nghĩ quá"
“Trong tương lai con số này sẽ tăng lên ở một tỷ lệ rất cao nếu hôn nhân đồng giới được công nhận. Các bạn không hiểu rằng nó trở thành một trào lưu cho lối sống lệch lạc sao? Tôi đang lo ngại cho thế hệ của con mình quá!”
“Thực sự thì mình không có kì thị gì với người đồng tính, mà rất đồng cảm với họ. Nhưng trong suy nghĩ vẫn thấy kì kì sao ý”
Người dị tính đưa rất nhiều lý do để chứng tỏ cái trái tự nhiên của chúng tôi. Còn chúng tôi đưa những lý do cho họ thấy chúng tôi có quyền được như mọi người sống bình đẳng, không bị kì thì. Chúng tôi không muốn bị người khác khinh miệt, không bị dùng những từ khiếm nhã như “ô môi, pê đê, đồ biến thái, bệnh hoạn” để miêu tả một người có xu hướng tính dục đồng giới như chúng tôi.
|
Hình ảnh chỉ có tính minh họa |
Vâng, chúng ta đang nói chuyện với nhau rất văn hoá, và chính những từ ngữ nêu trên chúng tôi không muốn bị gọi “ô môi, pê đê, đồ biến thái, bệnh hoạn” so với những người dị tính là quá quen thuộc và hiển nhiên phải không các bạn, không chừng sẽ có bạn sẽ cho rằng những từ ngữ khó chịu này sẽ không đã thương lòng tự trọng của chúng tôi là mấy. Nhưng với tôi, một người thuộc LGBT, một người trẻ, một người tham gia nhiều các hoạt động trên mạng. Tôi đã chứng kiến những lời lẽ khiếm nhã hơn như thế, một số các bạn trẻ đã đã thương lòng tự tôn của chúng tôi một cách thô tục nhất trong khi các bạn chỉ khoảng độ tuổi teen, chưa đủ nhận thức về cuộc sống cũng như kinh nghiệm sống của đời sống dị tính của chính các bạn, nhưng các bạn lại phát ngôn như một người tạo ra thế giới và có quyền sỉ nhục người đồng tính chúng tôi.
Tôi xin đưa ra những hình ảnh dưới đây, không hề che chắn những cái tên đã nói chúng tôi thế nào, vì tôi muốn khi xem các bạn có thể chứng thực lời chúng tôi nói không sai. Và tôi cũng không muốn dùng những từ ngữ văn hoá hoa mỹ để che đậy cái sự thật thô tục này, vì khi chính bạn đọc được những lời đó các bạn mới có thể hiểu được chúng tôi đã bị sỉ nhục và gán cái tội “đáng bị sỉ nhục” như thế nào?. Nếu bạn là tôi, nếu em bạn là tôi, chị bạn là tôi, anh bạn là tôi, bạn thân của bạn là tôi, thậm chí là mẹ bạn, cha bạn, thầy giáo bạn, cô giáo bạn, một người bạn rất kính trọng, người đã giúp đỡ bạn và sống tốt với bạn là tôi thì bạn có chấp nhận những lời lẽ như thế này không.
Sau khi xem các hình ảnh trên, khoan xét về sự kị thì chúng tôi. Xét về đạo đức thì những bạn teen trên là những người phát ngôn rất bừa bãi và vô văn hoá. Các bậc cha mẹ sẽ thế nào khi chứng kiến con cái mình có thể phát ra những lời lẽ như thế. Và ngàn đời, thưa các bạn, tiêu chí đánh giá đạo đức con người qua lời nói, hành động sẽ không thay đổi. Nếu bạn chấp nhận những lời lẽ trên là lời nói bình thường không vi phạm đạo đức thì bạn có thể dừng đọc bài viết của tôi tại đây.
Có thể nhiều bạn xem xong sẽ nói “chỉ là thiểu số” và chúng tôi phải chịu đựng. Một bạn, hai bạn, ba bạn… nhưng những lời nói thì có thể cả ngàn, cả trăm, cả tỷ… và chúng tôi là con người, chúng tôi sống tốt thì chúng tôi có quyền lên án những ai sỉ nhục chúng tôi. Pháp luật có quy định :
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Chúng tôi là một công dân Việt Nam chúng tôi có những quyền trên, không lẽ vì xu hướng tính dục của chúng tôi là đồng tính thì chúng tôi bị sỉ nhục không thương tiếc như thế trong khi chúng tôi đang là những công dân tốt và làm những việc có ích. Xin hãy đánh giá chúng tôi qua lời nói, hành động, tư cách, đạo đức của chúng tôi chứ đừng đánh giá chúng tôi bằng “tính dục”.
Bao nhiêu người trên thế giới và Việt Nam đã thành công trong cuộc sống, nổi tiếng, giàu có dù họ là người đồng tính như MC nước Mỹ Ellen Degeneres, ca sĩ Ricky Martin, nam diễn viên chính phim Vượt Ngục Wentworth Miller, diễn viên Neil Patrick Harris, ca sĩ Adam Lambert, Mark Feehily nhóm Westlife, ca sĩ Charice, Yun Lukas Huỳnh Đức Hùng, Trần Khắc Tùng, Cặp đôi Ái Linh - Thanh Phương, Nguyễn Ngọc Tú, Hương Giang Idol… Và còn rất nhiều những cái tên khác. Họ đã chứng minh người đồng tính không phải là những người “bệnh hoạn, ngu ngốc,…” mà thậm chí đôi khi còn hơn cả các bạn về mức độ thành công trong cuộc sống. Bên cạnh đó còn là hàng ngàn vạn người khác ủng hộ người đồng tính. Nếu như đồng tính thật sự là xấu xa như cái ác cần phải trừng trị thì nhất định sẽ không có ai ủng hộ chúng tôi.
|
Hình ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn ICS) |
Xin các bạn đừng nói “thích hay không thích người đồng tính là quyền cá nhân của tôi,” vâng, các bạn có quyền không thích chúng tôi nhưng không có quyền sỉ nhục chúng tôi, nhất là cách sỉ nhục “quơ đũa cả nắm” làm ảnh hưởng đến cộng đồng LGBT chúng tôi đang đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Và tôi tin rằng khi bạn ngăn cản hạnh phúc hiển nhiên phải được có của chúng tôi thì bạn cũng sẽ bị điều tương tự trong cuộc sống. Quy luật cuộc sống luôn công bằng cho bất kì ai, kể cả người đồng tính và dị tính.
Một bạn đọc dấu tên