Nếu như dịch bệnh này tiếp tục bùng phát mạnh mẽ mà chưa thể kiềm chế được ở Châu Âu, Mỹ thì khủng hoảng là chuyện đương nhiên thôi. Chúng ta hy vọng dịch này kết thúc vào tháng 6 ở các nước đó, thì kinh tế có thể chỉ là suy thoái, chứ chưa thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Khủng hoảng kinh tế đang đến gần và nó rất khác với năm 2008

08/04/2020, 13:49

Nếu như dịch bệnh này tiếp tục bùng phát mạnh mẽ mà chưa thể kiềm chế được ở Châu Âu, Mỹ thì khủng hoảng là chuyện đương nhiên thôi. Chúng ta hy vọng dịch này kết thúc vào tháng 6 ở các nước đó, thì kinh tế có thể chỉ là suy thoái, chứ chưa thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 đã gần kề - Ảnh: Đại Đoàn Kết

Ông có nghĩ đại dịch COVID-19 sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi nghĩ khủng hoảng kinh tế nó đang đến gần. Ngân hàng thế giới đã hạ mức tăng trưởng của thế giới xuống khoảng 2,4% trong năm 2020 này. IMF cũng nhận định nền kinh tế thế giới đã chính thức rơi vào suy thoái và từ suy thoái đến khủng hoảng nó gần lắm.

Nếu như dịch bệnh này tiếp tục bùng phát mạnh mẽ mà chưa thể kiềm chế được ở Châu Âu, Mỹ thì lúc đó khủng hoảng là chuyện đương nhiên thôi. Chúng ta hy vọng dịch này kết thúc vào tháng 6 ở các nước đó, thì kinh tế có thể chỉ là suy thoái, chứ chưa thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Viêc phòng, chống dịch khiến hoạt động giao lưu giữa các quốc gia sẽ bị giảm sút đến mức thấp nhất. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh, giao thương sẽ rơi vào sự trì trệ, có rất nhiều doanh nghiêp phá sản. Ở Mỹ, tỷ lệ đăng ký thất nghiệp đã hơn 12 triệu người rồi.

Hơn nữa, thu nhập của dân giảm, tiêu dùng cũng sẽ giảm đi. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã khó do ngăn cách giao thương, đầu ra đầu vào khó khăn thì giờ, lại khó khăn hơn về nhu cầu tiêu dùng lại giảm so với trước đây. Do đó, sẽ có rất nhiều ngành nghề rơi vào trì trệ khủng hoảng.

Có thể nói, hiện đã có dấu hiệu của khủng hoảng. Nếu dịch bệnh không được khống chế sớm thì hậu quả sẽ hết sức nặng nề.

Theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này có gì khác so với cuộc khủng hoảng năm 2008?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Khủng hoảng kinh tế năm 2008 thì chủ yếu là trên thị trường tài chính tiền tệ thôi, nó tạo ra sức ép về vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đầu tư giảm sút. Còn cuộc khủng hoảng 2020 đồng thời xảy ra ở cả khu vực sản xuất lần tài chính tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương của các nước đều bơm tiền ra, hạ lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc, cung tiền tăng lên bằng các gói kích cầu, hỗ trợ. Nhưng việc này sẽ khiến các đồng tiền mất giá, vàng tăng giá, thị trường tài chính tiền tệ lao dốc, đồng USD lên giá…

Thưa ông, việc Mỹ bơm tiền nhiều như thế lẽ ra đồng USD phải mất giá chứ?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Mỹ bơm ra mấy nghìn tỉ USD, đồng USD đáng ra phải mất giá nhưng đồng này lại lên giá vì các đông tiền khác lại mất giá nhanh hơn. Trong khi, vàng lên giá quá cao khiến các nhà đầu tư lao vào mua đồng USD để dự trữ, trú ẩn.

Về khả năng hồi phục của nền kinh tế sau khủng khoảng so với 2008 thì sao, thưa ông?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Năng lực sản xuất hiện vẫn còn nguyên nhưng đầu ra, đầu vào, giá cả thị trường chứng khoán mất giá nên giá trị thực tế của các doanh nghiệp trên thế giới xuống thấp. Tôi nghĩ khi dịch kết thúc thì sự bùng lên trở lại của nền kinh tế sẽ nhanh hơn so với năm 2008 do năng lực sản xuất vẫn còn.

Ông đánh giá thế nào về các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ hiện nay? Theo ông, việc hỗ trợ này đã thực sự hiệu quả? Việc bơm tiền cũng là một giải pháp tích cực, tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, hoạt động sản xuất và cung ứng bị chặt đứt cả nguồn cung và nguồn cầu thì tiền có bơm vào cũng không giúp gì được. Theo ông, cần thêm giải pháp gì cho tình trạng này?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Các gói hỗ trợ của Chính phủ vừa qua rất kịp thời. Trước hết, vì việc xác định ngay từ đầu đã bằng mọi giá chống dịch nên chúng ta coi việc chống dịch là trên hết, đã dừng hết các hoạt động như học tập, lễ hội, khiến giao thông, du lịch, vận tải… giảm sút.

Thêm vào đó, việc cách ly toàn xã hội làm sản xuất và kinh doanh giảm sút rất khủng khiếp, cộng với đầu vào của nền sản xuất từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc do họ đều bùng phát dịch nên nhập hàng khó khăn. Còn đầu ra, các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật cũng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, nên xuất nhập khẩu cũng khó. Do đó, các gói hỗ trợ có vai trò rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Việc gói 285 nghìn tỉ của các ngân hàng, giảm lãi suất, hoãn nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp yên tâm sử dụng vốn vay, không bị phạt nợ quá hạn, không bị nợ xấu sẽ khiến họ yên tâm để sản xuất kinh doanh. Gói hỗ trợ 180 nghìn tỉ của giãn nợ thuế, miễn thuế đất cũng khiến các doanh nghiệp cũng có được một lượng tài chính ngay trong tài khoản của họ để họ hoạt động. Cùng với đó, việc giảm nhiều loại chi phí, lệ phí cũng khiến các doanh nghiệp giảm được chi phí để chiến đấu với dịch.

Việc đưa ra các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để ứng phó với một dịch bệnh chưa có tiền lệ thì cũng là một giải pháp kịp thời và đương nhiên. Chính phủ tính đâu đó 62 nghìn tỉ để hỗ trợ cho các hộ chính sách, hộ nghèo, người lao động mất việc… Việc hỗ trợ người dân lúc này là cực kỳ cần thiết. Nếu nghị quyết này được thông qua và thực thi nhanh chóng thì nó là một tin rất vui đối với những người lao động.

GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, một loạt tổ chức quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc đạt mục tiêu tăng trưởng là không dễ dàng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa hạ mục tiêu tăng trưởng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Việc các tổ chức quốc tế hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng là tất yếu thôi, vì dịch COVID-19 đã gây khó khăn rất lớn cho kinh tế Việt Nam và thế giới. Kinh tế Việt Nam có độ mở rất mạnh, nên tiêu dùng giảm đi, kinh tế thế giới chậm lại cũng ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Chính phủ mong muốn sớm chấm dứt dịch bệnh và đưa nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo.

Việc hạ hay không hạ mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới cần xem xét cẩn trọng, phải dự báo được thời điểm kết thúc dịch, trên cơ sở đó đánh giá thiệt hại và khả năng phục hồi của từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Qua đó, mới có cơ sở để điều chỉnh các chỉ số tăng trưởng.

Tất nhiên, các tổ chức quốc tế đánh giá là đánh giá chung trên thế giới, nhưng Việt Nam có thể có những điểm khác biệt. Ví dụ như phần lớn doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa, họ có sức sống khá bền bỉ, sức bật lên cũng nhanh hơn. Như các dịch bệnh trước đây hay khủng hoảng 2008, các doanh nghiệp Việt có khả năng thích ứng và phát triển tốt.

Doanh nghiệp Việt cũng có thể tận dụng được những thời cơ như CPTPP, EVFTA tới đây, mở ra đại lộ xuất khẩu mới sang EU. Dù dịch bệnh bùng phát, nhu cầu tiêu dùng của các nước này giảm sút nhưng vẫn rất khả quan.

Hơn nữa, việc tăng trưởng 3,82% quý vừa qua cũng là cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nước chỉ tăng trưởng âm, không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất thấp, dưới 1% thì mức tăng của Việt Nam cũng là khá cao.

Cùng với đó, vốn FDI vào Việt Nam trong quý 1 cũng khả quan, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng vốn đầu tư có giảm. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư đánh giá tốt thị trường Việt Nam và họ đang muốn đa dạng hóa các thị trường đầu tư. Ví dụ như hơn 200 doanh nghiệp của Nhật rút đầu tư khỏi Trung Quốc và 40% trong số đó cho biết sẽ đầu tư sang Việt Nam.

Rõ ràng, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang hiệu quả, đang thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do dịch bệnh, vốn đầu tư theo chiều sâu, tổng vốn FDI có giảm sút.

Việc xuất nhập khẩu có giảm nhưng mức giảm không đáng kể. Xuất khẩu tăng trưởng 0,7%, nhập khẩu giảm đi 1,9%, nên mặc dù tổng xuất nhập khẩu giảm nhưng chiều xuất khẩu lại vẫn tăng.

Cùng với đó, đầu tư tư nhân chiếm 46% và có tốc độ tăng trưởng 5,2% - là mức tăng rất tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng ta hoàn toàn có điều kiện để nói rằng tới đây, khi dịch bệnh qua đi, chúng ta có thể có được mức tăng trưởng cao. Chưa nói rằng các doanh nghiệp Việt hiện đang rất tích cực số hóa, đa dạng hóa thị trường….

Tôi nghĩ việc đạt được mục tiêu quốc hội đề ra về tăng trưởng, lạm phát là khó, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, có hạ mục tiêu tăng trưởng hay không có lẽ cần thời gian để đánh giá cụ thể.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Khủng hoảng kinh tế đang đến gần và nó rất khác với năm 2008