Mất đi thị lực do bệnh viêm võng mạc mắc phải ở tuổi đôi mươi, Pete Eckert quyết định chuyển tải nỗi đau thể xác thành trải nghiệm nghệ thuật ý nghĩa. Ông tìm đến nhiếp ảnh.
Mày mò tự học từ hai bàn tay trắng, đến nay, nhiếp ảnh gia mù Eckert đã sở hữu hàng loạt dự án nổi tiếng cộng tác với tạp chí người lớn Playboy, hãng xe cao cấp Volkswagen và thương hiệu trang sức sang trọng Swarovski.
Sau cơn bạo bệnh, khi chỉ vừa bị mù, Pete Eckert thường dành nhiều giờ luyện tập vẽ than chì và chạm khắc gỗ. Cuối ngày, ông nhờ vợ miêu tả chi tiết những gì ông cố diễn đạt nơi mỗi tác phẩm. Quá trình, tuy nhiên, như lời Eckert nói, “khiến vợ tôi phát điên.”
Muốn có giải pháp tức thời hơn giúp bản thân vượt lên nghịch cảnh, chàng thanh niên khuyết tật thử học nhiếp ảnh.
“Những năm tôi 20 tuổi, khi vừa bắt đầu cầm máy, dòng máy kỹ thuật số vẫn chưa ‘đánh đổ’ hoàn toàn các cửa hàng máy ảnh truyền thống,” nhiếp ảnh gia người Mỹ chia sẻ trong bài phỏng vấn cuối năm 2017 trên CNN.
“Khi ấy, tôi cứ ra vào cửa hàng, mua 2 cuộn phim, hỏi họ vài câu. Tôi đến đấy mỗi ngày. Và bằng cách đặt ra thắc mắc rồi nhận hồi đáp, tôi không ngừng học thêm.”
Qua hơn 2 thập niên, dẫu đã hoàn toàn không còn thị lực, Eckert vẫn xây dựng sự nghiệp đáng ngưỡng mộ trong vai trò một nhiếp ảnh gia tự học. Phong cách ảnh nghệ thuật đẹp ‘ma mị’ của ông từng xuất hiện nơi tạp chí đình đám Playboy. Volkswagen, hãng xe đắt giá hàng đầu thế giới, cũng nhờ Eckert chụp mẫu cho chiến dịch quảng bá chiếc Arteon thời thượng vừa ra mắt.
“Tôi xem tác phẩm của mình, và hình thái ‘nhiếp ảnh mù,’ là nét kế thừa trào lưu (nghệ thuật) ấn tượng khởi nguồn từ trăm năm trước”. Ông bày tỏ.
“Rất nhiều nghệ sĩ trường phái ấn tượng có vấn đề về thị lực. Họ dùng cách tiếp cận khác biệt khi cần diễn giải sự vật”.
Chơi đùa cùng ánh sáng
Thời gian đầu khám phá nhiếp ảnh, Eckert thường ra ngoài dạo mát hằng đêm với chú chó dẫn đường của ông. Chủ thể đầu tiên ông chọn là tượng điêu khắc. Dần dà, Eckert lột tả nhiều đề tài sống động hơn.
“Tôi nghĩ chụp ảnh tác phẩm tượng có vẻ không mấy công bằng, bởi vẻ đẹp nghệ thuật đã có sẵn ở đó,” ông nói. “Thứ tôi muốn tìm là phương thức thật sự linh hoạt để thể hiện góc nhìn thế giới của một người mù”.
Kết quả từ thôi thúc trên là một phong cách nhiếp ảnh nghệ thuật đặc trưng - từng chủ thể ẩn hiện giữa khung hình, bao bọc bằng đường nét huyền ảo lôi cuốn. Bên cạnh khai thác nguyên tắc phơi sáng, sắp đặt ánh sáng, Eckert luôn mường tượng sẵn người hoặc vật ông muốn chụp. Sử dụng âm thanh và xúc giác hỗ trợ, ông có thể phác họa trọn vẹn tác phẩm trước lúc bấm máy.
“Tôi tái dựng hình ảnh trong đầu mình nhờ tầng nối tầng những thông tin nghe được. Tôi ghi nhớ tất cả và sắp đặt mọi thứ lại”,Eckert lý giải. “Như loài dơi, tôi dùng giọng nói để định vị người mẫu tôi muốn chụp. Trong căn studio tối đen, tôi ‘đẩy’ thêm chiều sâu cho tác phẩm bằng ánh sáng, cân nhắc kĩ lại mỗi bước đến khi hài lòng với những gì tâm trí tôi hình dung ban đầu".
“Vài người hỏi, làm sao tôi biết chính xác khi nào cần ngưng chụp. Nhưng bởi tôi mường tượng trước bức ảnh, tôi đã nắm chắc những gì đang diễn ra. Như thế, tôi còn cần trợ giúp từ ai khác?”.
Eckert chụp phần lớn tác phẩm ngay tại studio trong nhà, duy một số bức ảnh thú vị nhất của ông về chân dung con người là những dự án bối cảnh ngoài trời. Thậm chí, Eckert từng thực hiện bộ sưu tập ‘Bus Series.’ Qua đó, ông ghi dấu bằng ống kính nhiều nỗi khó khăn vốn người mù nói riêng và người khuyết tật nói chung phải hằng ngày đối diện khi di chuyển nhờ phương tiện công cộng.
‘Đôi mắt của tâm hồn’
“Bị mù giúp bạn học cách hiểu ‘tín hiệu âm thanh’ ở sự vật xung quanh,” ông cho biết. “Chẳng hạn một tấm biển giao thông yêu cầu dừng xe. Tấm biển báo đặt nổi bật phát ra rung chuyển nhẹ trong gió, và sự rung động này giúp tôi hình dung được cấu trúc của nó”.
“Tôi luôn chủ động lắng nghe mọi vật, sau đó tiến tới chạm vào chúng. Dần dà, tôi có thể nhận ra rồi ghi nhớ âm vọng đặc thù, đọng lại cho biết chúng là gì. Như thể, tôi tự mình soạn nên một ngôn ngữ bằng ký ức âm thanh để phân biệt sự vật quanh tôi”.
Tuy nhiên, nghệ thuật nhiếp ảnh Eckert tạo nên không đơn thuần là phác thảo mang tính ẩn dụ về sự mù lòa. Không ít tác phẩm ông thực hiện nhằm biểu trưng cho tư duy nội tâm đa chiều. Khi này, tấm ảnh lại ‘mời gọi’ người xem nhìn sâu hơn vào thế giới quan của người nghệ sĩ mù.
‘Electroman’ - bức ảnh từng được vinh dự đưa vào tuyển tập tem bưu chính phát hành bởi Liên Hiệp Quốc.
Eckert bày tỏ trong bài phỏng vấn năm 2014 trên tạp chí Comstock, “Tôi không có gì đặc biệt. Ngoài kia còn rất nhiều người mù lòa, khuyết tật thật sự thông minh và tuyệt vời. Họ chỉ chưa được trao cơ hội để bắt đầu xây dựng ước mơ”.
Như Ý (theo CNN, Comstocks Magazine)