Công ty khởi nghiệp hấp dẫn nhất ở Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện tại là OpenAI, nhà phát triển chatbot ChatGPT do Microsoft hậu thuẫn.

OpenAI tiêu tốn 100.000 USD/ngày vì ChatGPT, mong Microsoft bơm 10 tỉ USD để vươn xa

Sơn Vân | 16/01/2023, 08:25

Công ty khởi nghiệp hấp dẫn nhất ở Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện tại là OpenAI, nhà phát triển chatbot ChatGPT do Microsoft hậu thuẫn.

ChatGPT là chatbot "làm mưa làm gió" trên internet thời gian qua, có thể viết thơ, bài tiểu luận hoặc thậm chí là dòng mã phần mềm. Elon Musk là nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI và Microsoft được cho đang đàm phán để tăng khoản đầu tư ban đầu từ 1 tỉ USD lên 10 tỉ USD nhằm mục tiêu thách thức công cụ tìm kiếm thống trị thế giới của Google.

Nếu thỏa thuận này hoàn tất, việc bơm tiền mặt của Microsoft sẽ định giá OpenAI ở mức 29 tỉ USD, khiến startup này trở thành câu chuyện thành công hiếm có trong thế giới công nghệ khi những hãng lớn như Amazon, Meta Platforms, Twitter đang cắt giảm chi phí và sa thải nhân viên.

Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities cho biết: "Microsoft rõ ràng đang rất tích cực trên mặt trận này và sẽ không bị bỏ lại phía sau về khoản đầu tư AI tiềm năng có thể thay đổi cuộc chơi".

Trước khi phát hành ChatGPT, OpenAI đã gây ấn tượng cho giới công nghệ với Dall-E 2, ứng dụng tạo ra hình ảnh chân thực và nghệ thuật từ một mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên.

Microsoft đã tích hợp Dall-E 2 vào một số ứng dụng của mình. Giờ đây, gã khổng lồ công nghệ muốn đưa ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của mình để cạnh tranh với Google.

Kể từ khi ChatGPT được giới thiệu vào tháng 11.2022, sức mạnh của chatbot này đã khơi dậy sự tò mò cũng như mê hoặc người dùng internet. ChatGPT có khả năng đưa ra các câu trả lời chi tiết và giống con người cho nhiều chủ đề khác nhau trong vài giây, làm dấy lên lo ngại rằng nó dễ bị lạm dụng bởi những kẻ gian lận trong trường học hoặc cho thông tin sai lệch.

openai-chi-100000-usd-ngay-vi-sieu-chatbot-gpt.png
OpenAI là công ty khởi nghiệp hấp dẫn nhất ở Thung lũng Silicon (Mỹ) hiện tại nhờ ChatGPT - Ảnh: Internet

"Không hề rẻ"

Robb Wilson, chuyên gia AI sáng lập công ty phần mềm OneReach.ai, cho biết thành công chóng mặt của OpenAI một phần nhờ vào chiến lược tiếp thị thông minh. Trong đó, OpenAI giúp những người không phải là chuyên gia có thể tiếp cận nghiên cứu của mình.

Robb Wilson nói: "Việc cung cấp ChatGPT cho các nhà công nghệ là một chuyện. Cung cấp nó trong giao diện người dùng trò chuyện và cho phép những người không phải là nhà phát triển bắt đầu chơi với nó đã khơi dậy sự tò mò".

Thành lập vào cuối năm 2015, OpenAI được dẫn dắt bởi Sam Altman, doanh nhân 37 tuổi và là cựu Chủ tịch vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator.

OpenAI đã tin tưởng vào sự hỗ trợ tài chính của những người đóng góp có uy tín ngay từ đầu, gồm cả người đồng sáng lập LinkedIn - Reid Hoffman, nhà đầu tư Peter Thiel và Elon Musk. Tỷ phú Mỹ Elon Musk phục vụ trong hội đồng quản trị OpenAI cho đến năm 2018, nhưng đã rời đi để tập trung vào công ty ô tô điện Tesla.

OpenAI cũng dựa vào một nhóm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu máy tính do Ilya Sutskever, cựu giám đốc Google chuyên về học máy, dẫn đầu. OpenAI có khoảng 200 nhân viên vào năm 2021, theo một truy vấn được thực hiện trực tiếp trên ChatGPT.

Bất chấp sự phấn khích do ChatGPT tạo ra, OpenAI hiện vẫn chưa tìm ra con đường dẫn đến sự độc lập về tài chính.

Được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận, OpenAI đã trở thành công ty "có lãi" vào năm 2019 để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Tuần trước, Greg Brockman, người đồng sáng lập OpenAI, cho biết phiên bản trả phí của ChatGPT đang được phát triển. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ dường như là cần thiết với một công ty phải trả chi phí đắt đỏ.

Trong một cuộc trao đổi trên Twitter với Elon Musk đầu tháng 12.2022, Sam Altman thừa nhận rằng mỗi cuộc trò chuyện trên ChatGPT tiêu tốn của OpenAI vài xu Mỹ.

Theo ước tính của Tom Goldstein, phó giáo sư khoa học máy tính của Đại học Maryland (Mỹ), OpenAI đang chi 100.000 USD mỗi ngày vì ChatGPT, tương đương khoảng 3 triệu USD mỗi tháng.

Việc hợp tác với Microsoft (cung cấp dịch vụ điện toán từ xa cho startup) có thể cắt giảm chi phí cho OpenAI, nhưng "dù bằng cách nào thì nó cũng không hề rẻ", Tom Goldstein khẳng đinh.

"Một số người nói rằng thật lãng phí khi đổ những loại tài nguyên này vào một bản demo", Tom Goldstein nói thêm.

Cân nhắc đầu tư 10 tỉ USD vào Open AI, CEO Microsoft muốn tạo lợi thế trước Google

Satya Nadella - Giám đốc điều hành Microsoft đang cân nhắc khoản đầu tư khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của công ty, tìm cách mang lại lợi thế trước Google trong cuộc đua đưa các công cụ AI tiên tiến vào các lĩnh vực như tìm kiếm và ứng dụng.

Microsoft đang thảo luận để đầu tư tới 10 tỉ USD vào OpenAI. Đề xuất đang được xem xét kêu gọi Microsoft bơm tiền trong nhiều năm, dù các điều khoản cuối cùng có thể thay đổi, theo trang Bloomberg.

ChatGPT làm bùng nổ internet kể từ khi được giới thiệu vào cuối tháng 11.2022, thu hút 1 triệu người dùng đầu tiên sau chưa đầy một tuần. Khả năng bắt chước cách nói và viết của người thật đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng ChatGPT thay thế các cây viết chuyên nghiệp và làm bài tập về nhà cho học sinh. ChatGPT cũng được gọi là mối đe dọa tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh tìm kiếm cốt lõi của Google.

Microsoft (có trụ sở tại thành phố Redmond, bang Washington, Mỹ) đang sử dụng ngôn ngữ AI của nhà phát triển để thêm tự động hóa vào công cụ lập trình Copilot của đơn vị GitHub và muốn thêm ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, ứng dụng năng suất Office, chương trình trò chuyện Teams và phần mềm bảo mật của mình.

Microsoft đang đưa Dall-E 2 của OpenAI vào phần mềm thiết kế. Giờ đây, Giám đốc điều hành Satya Nadella tìm cách thúc đẩy mối quan hệ đó khi Google đột nhiên tỏ ra dễ bị tổn thương dù từ lâu không có đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm.

Mô hình truy vấn từ khóa phổ biến của Google sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm các cụm từ cụ thể trên web, sau đó cho phép người dùng tự quyết định xem thông tin nào là hữu ích.

Ngược lại, ChatGPT trả lời các câu hỏi về các chủ đề như khoa học, chính trị và lập trình máy tính bằng các giải thích chi tiết và định dạng câu hỏi cùng câu trả lời của nó, đồng nghĩa người dùng có thể đi sâu vào cho đến khi họ hiểu đầy đủ. ChatGPT có khả năng trả lời các truy vấn theo cách tự nhiên và giống con người, tiếp tục cuộc trò chuyện và trả lời các câu hỏi tiếp theo, không giống như danh sách liên kết màu xanh lam cơ bản mà công cụ tìm kiếm Google cung cấp.

Thế nhưng, ChatGPT có nhược điểm so với danh sách liên kết kiểu cũ đó. Không giống như tìm kiếm trên Google hoặc Bing, ChatGPT hiện không cung cấp ngữ cảnh về nơi nó lấy thông tin được sử dụng để xây dựng câu trả lời và OpenAI thừa nhận rằng phản hồi của chatbot này có thể không chính xác.

Theo dữ liệu do trang Bloomberg tổng hợp, nếu bơm 10 tỉ USD cho OpenAI, đây là khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp lớn nhất của Microsoft. Nó dễ dàng vượt qua bất kỳ khoản đầu tư nào của Microsoft, gồm cả khoản 5 tỉ USD mà hãng chi để mua cổ phiếu nhà mạng AT&T vào năm 1999 để đổi lấy quyền truy cập vào các mạng cáp mới và 1 tỉ USD cổ phần mua từ tập đoàn truyền thông toàn cầu Comcast Corp (Mỹ) hồi 1997.

Số tiền 10 tỉ USD chỉ thấp hơn ba thương vụ mua lại mà Microsoft thực hiện những năm gần đây. Microsoft đang tìm kiếm sự phê duyệt chống độc quyền cho thương vụ mua nhà sản xuất game Activision Blizzard trị giá 69 tỉ USD. Vào năm 2016, nhà sản xuất Windows từng chi 26 tỉ USD mua trang mạng xã hội công việc LinkedIn. Năm ngoái, Microsoft đã hoàn tất việc mua lại Nuance Communications, công ty AI chuyên về nhận dạng giọng nói, phần mềm và dịch vụ liên quan trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với giá 20 tỉ USD.

Với hơn 100 tỉ USD tiền mặt và các khoản tương đương trên bảng cân đối kế toán, Microsoft có đủ khả năng mua đứt OpenAI.

openai-tieu-ton-100000-usd-ngay-vi-chatbot-gpt.png
Satya Nadella đang cân nhắc khoản đầu tư khởi nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của công ty vào OpenAI - Ảnh: Bloomberg

Các cuộc đàm phán đầu tư gần đây sẽ đưa giá trị OpenAI lên 29 tỉ USD, tờ Wall Street Journal đưa tin vào tuần trước, nhưng chưa rõ công ty đặt trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) có đang xem xét việc bán toàn bộ.

Khoản đầu tư của Microsoft vào ChatGPT có thể đi cùng những công ty đầu tư mạo hiểm bao gồm Thrive Capital và Founders Fund, đang thảo luận để đầu tư vào thỏa thuận, gồm cả việc mua ít nhất 300 triệu USD cổ phiếu từ các cổ đông hiện tại.

Theo một báo cáo trên trang Semafor, thỏa thuận mà Microsoft đang thảo luận sẽ mang lại cho họ 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi thu lại tiền từ khoản đầu tư của mình. Sau đó, Microsoft sẽ nắm giữ 49% cổ phần của OpenAI.

Semafor không biết liệu thỏa thuận đã được hoàn tất hay chưa, nhưng tiết lộ các tài liệu được gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng những tuần gần đây nêu rõ các điều khoản của thỏa thuận cho thấy mục tiêu kết thúc vào cuối năm 2022.

Bản thân Microsoft đã làm việc cho các dự án AI nhiều thập kỷ, đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như nhận dạng giọng nói và hình ảnh. Tuần trước, công ty đã phát hành một mô hình AI có thể mô phỏng giọng nói của người dùng dựa trên các mẫu âm thanh ngắn. Thế nhưng, các mô hình khổng lồ của OpenAI để tạo ra ngôn ngữ và hình ảnh có thể thiết lập chương trình nghị sự trong lĩnh vực AI những năm gần đây.

Việc tăng cổ phần sẽ mang lại cho Microsoft vị trí hàng đầu trong việc phát triển công nghệ của OpenAI trên Azure, cơ sở hạ tầng đám mây, một trong những mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất và là ưu tiên của công ty. Động thái này cũng có thể ngăn các sản phẩm của OpenAI đến tay các đối thủ như Amazon Web Services và Google.

Việc thêm ChatGPT vào Bing, chỉ chiếm một phần nhỏ thị phần công cụ tìm kiếm toàn cầu và một thỏa thuận mới với OpenAI có thể giúp Microsoft vượt qua sự kìm kẹp sắt của Google trên thị trường bằng cách cung cấp các khả năng tìm kiếm nâng cao hơn.

Theo tờ The Information, Microsoft đã nói về việc kết hợp ChatGPT vào các nền tảng xử lý tài liệu Word và email Outlook của mình.

Dù phần lớn sự cường điệu xung quanh ChatGPT tập trung vào sự sụp đổ tiềm năng của các cây viết và nguy cơ học sinh sử dụng nó để gian lận trong trường học, các công cụ của Microsoft nhắm đến các doanh nghiệp, nơi chatbot này có thể giúp tạo mã tự động, viết và tạo hình ảnh.

Nhà phân tích Anurag Rana của Bloomberg Intelligence cho biết: “Khoản đầu tư tiềm năng trị giá 10 tỉ USD của Microsoft vào OpenAI có thể tăng cường các dòng sản phẩm chính của hãng như Office, Bing, LinkedIn và GitHub. Gia tăng việc nhúng AI đã được tiến hành trong hầu hết danh mục sản phẩm này, nhưng sự thành công của ChatGPT có thể cải thiện năng suất; chẳng hạn như đề xuất khách hàng tiềm năng bán hàng tốt nhất cho người dùng LinkedIn hoặc nâng cao khả năng tìm kiếm của Bing”.

Microsoft cho biết đang thêm Dall-E 2 vào các ứng dụng thiết kế của mình và cung cấp nó cho các khách hàng chọn lọc trên nền tảng đám mây Azure OpenAI. Ví dụ, Mattel đang sử dụng Dall-E 2 thông qua đám mây Azure để tạo ra hình ảnh về những chiếc ô tô đồ chơi mà công ty có thể muốn thiết kế.

GitHub, kho lưu trữ mã lập trình do sở hữu Microsoft, cũng đã và đang sử dụng ngôn ngữ AI của OpenAI để hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm bằng chương trình GitHub Copilot. Khi họ nhập, Copilot gợi ý các đoạn mã có thể xuất hiện tiếp theo trong chương trình. Nó đặc biệt hữu ích cho công việc lập trình tương đương với lao động thủ công, điền vào các đoạn mã cần thiết, nhưng không đặc biệt phức tạp hoặc sáng tạo.

Giám đốc điều hành Microsoft cho biết công ty có kế hoạch phát triển công nghệ Copilot để sử dụng trong các chương trình tương tự cho các loại công việc khác, như công việc văn phòng, thiết kế video game, kiến trúc và bảo mật máy tính.

ChatGPT có thể được sử dụng trong các ứng dụng thế giới thực như viết thư xin việc và bài tiểu luận, tiếp thị kỹ thuật số, tạo nội dung trực tuyến, trả lời các câu hỏi về dịch vụ khách hàng, thậm chí giúp gỡ lỗi mã. Nhiều người khen ngợi ChatGPT về phạm vi kiến thức ấn tượng và định dạng dễ sử dụng. 

Dù dịch vụ AI đôi khi cung cấp thông tin không chính xác, một số nhà phân tích và chuyên gia đã gợi ý rằng khả năng tóm tắt dữ liệu có sẵn công khai của ChatGPT có thể khiến chatbot này trở thành giải pháp thay thế đáng tin cậy cho Google Search và danh sách các liên kết tìm kiếm. Song khi đề cập về ChatGPT vào tháng trước, Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman cho rằng sẽ là “một sai lầm khi dựa vào chatbot này cho bất kỳ điều gì quan trọng”.

Tháng 12.2022, các nhân viên Google đã hỏi Giám đốc điều hành Sundar Pichai và Giám đốc nghiên cứu AI - Jeff Dean về mối đe dọa của ChatGPT với Google.

Theo trang CNBC, hai giám đốc này cho biết Google đã làm việc trên công nghệ tương tự trong hệ thống LaMDA (Mô hình Ngôn ngữ cho Ứng dụng Đối thoại) nhưng phải đối mặt với rủi ro về uy tín nếu gặp bất kỳ lỗi hoặc sai sót nào.

Sundar Pichai và ban quản lý của Google kể từ đó đã huy động các nhóm nghiên cứu để đối phó với ChatGPT, tuyên bố tình huống này là mối đe dọa lớn, tờ New York Times đưa tin.

Thử nghiệm ChatGPT bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt (video: YouTuber Duy Luân):

Bài liên quan
Apple ấp ủ phiên bản Siri trò chuyện tốt hơn cho iOS 19 để bắt kịp OpenAI và Google ở cuộc đua AI
Apple đã phát hành bản beta của Intelligence vào tháng 10, nhưng vẫn thiếu nhiều tính năng so với các gã khổng lồ công nghệ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
OpenAI tiêu tốn 100.000 USD/ngày vì ChatGPT, mong Microsoft bơm 10 tỉ USD để vươn xa