OpenAI có kế hoạch công bố công cụ tìm kiếm dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của mình vào ngày 13.5, nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh với Google, theo hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.
Nhịp đập khoa học

OpenAI sắp ra mắt công cụ tìm kiếm AI để cạnh tranh với Google và Perplexity

Sơn Vân 10/05/2024 09:02

OpenAI có kế hoạch công bố công cụ tìm kiếm dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của mình vào ngày 13.5, nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh với Google, theo hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

Trang Bloomberg và The Information đưa tin OpenAI (được hỗ trợ bởi Microsoft) đang phát triển một công cụ tìm kiếm có khả năng cạnh tranh với Google và Perplexity (công ty khởi nghiệp tìm kiếm AI được tài trợ nhiều).

OpenAI từ chối bình luận về thông tin này.

Thời điểm OpenAI giới thiệu công cụ tìm kiếm dựa trên AI có thể diễn ra một ngày trước hội nghị I/O thường niên của Google hôm 14.5, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ dự kiến ​​sẽ trình làng hàng loạt sản phẩm liên quan đến AI.

Theo Bloomberg, công cụ tìm kiếm dựa trên AI của OpenAI là một phần mở rộng của ChatGPT, cho phép chatbot AI này lấy thông tin trực tiếp từ web và chứa các trích dẫn. ChatGPT là chatbot sử dụng các mô hình AI tiên tiến của OpenAI để tạo ra phản hồi giống con người với gợi ý bằng văn bản.

Các nhà quan sát trong ngành từ lâu đã gọi ChatGPT là giải pháp thay thế cho việc thu thập thông tin trực tuyến, dù nó gặp khó khăn trong việc cung cấp tin tức chính xác và theo thời gian thực từ web. OpenAI trước đó đã tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft cho những người đăng ký trả phí. Trong khi Google đã công bố các tính năng AI tạo sinh cho công cụ tìm kiếm cùng tên của mình.

Hiện có giá trị khoảng 1 tỉ USD, Perplexity được thành lập bởi một cựu nhà nghiên cứu OpenAI và thu hút được sự chú ý thông qua việc cung cấp giao diện tìm kiếm dựa trên AI hiển thị các trích dẫn trong kết quả và hình ảnh cũng như văn bản từ phản hồi của nó. Perplexity có 10 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo một bài đăng trên blog vào tháng 1 của công ty khởi nghiệp này.

Ra mắt vào tháng 11.2022, ChatGPT là từng ứng dụng tiêu dùng nhanh nhất đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, nhưng sau đó bị Threads của Meta Platforms vượt qua. Lưu lượng truy cập toàn cầu vào trang web ChatGPT đã có những biến động mạnh trong năm qua và hiện mới chỉ quay trở lại mức đỉnh tháng 5.2023, theo công ty phân tích Similarweb. Điều đó khiến OpenAI phải chịu áp lực để mở rộng cơ sở người dùng.

Một nỗ lực trước đó của OpenAI nhằm đưa thông tin cập nhật và thực tế vào ChatGPT, được gọi là ChatGPT plugin, đã ngừng hoạt động vào tháng 4, theo bài đăng của trung tâm trợ giúp trên trang web công ty khởi nghiệp này.

openai-sap-ra-mat-cong-cu-tim-kiem-ai-de-canh-tranh-voi-google-va-perplexity.jpg
OpenAI có kế hoạch ra mắt công cụ tìm kiếm dựa trên AI của mình vào ngày 13.5, nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh với Google - Ảnh: Internet

Perplexity và các đối thủ khiến Giám đốc tìm kiếm Google phải cảnh báo nhân viên

Tháng trước, Prabhakar Raghavan, Giám đốc tìm kiếm Google, đã cảnh báo nhân viên trong một cuộc họp rằng “mọi thứ đã thay đổi” và “không giống như 15, 20 năm trước”, trang CNBC đưa tin.

Prabhakar Raghavan còn cho biết: “Cuộc sống không phải mãi mãi êm đềm”.

Tìm kiếm vẫn là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Alphabet (công ty mẹ Google). Bộ phận tìm kiếm và các dịch vụ khác mang lại doanh thu 48 tỉ USD cho Alphabet trong quý 4/2023, cao hơn 5 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Prabhakar Raghavan gửi lời cảnh báo nhân viên khi các đối thủ, gồm cả Perplexity, đang thách thức sự thống trị của Google bằng cách phát triển các công cụ tìm kiếm riêng.

Trong cuộc họp của Google, Prabhakar Raghavan đã đề cập đến các đối thủ cạnh tranh mới nhưng không nêu tên cụ thể, trang CNBC đưa tin.

"Các đối thủ có thể sở hữu một công cụ mới mà nhiều người thích sử dụng. Thế nhưng, người dùng vẫn đến Google để xác minh những gì họ thấy ở đó vì đây là nguồn đáng tin cậy và trở nên quan trọng hơn trong thời đại AI tạo sinh này", ông phát biểu.

Tìm kiếm của Google đã thay đổi rất ít trong hơn 20 năm, nhưng sự bùng nổ AI buộc hãng phải chuyển động

Năm ngoái, Google cho biết đã tăng tốc và cải thiện trải nghiệm tìm kiếm của người dùng bằng một phiên bản hỗ trợ AI có tên Search Generative Experience (SGE).

SGE vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng Google đã bắt đầu thử nghiệm "tổng quan về AI" khoảng một tháng trước bằng cách cung cấp cho một số người dùng ở Mỹ và Vương quốc Anh bản tóm tắt kết quả tìm kiếm do AI tạo ra.

Trong khi đó, Microsoft đang đẩy mạnh tham vọng tìm kiếm của mình. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ bắt đầu tung ra các tính năng AI mới trên Bing vào năm ngoái, gồm cả việc cho phép người dùng tìm kiếm một cách trực quan.

Microsoft cho biết đang "tái phát minh" công cụ tìm kiếm khi giới thiệu phiên bản Bing mới được tích hợp AI vào tháng 2.2023. Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói vào thời điểm đó rằng: "AI về cơ bản sẽ thay đổi mọi danh mục phần mềm, bắt đầu với danh mục lớn nhất là tìm kiếm".

Từ đầu năm 2023, Alphabet bắt đầu cắt giảm chi phí khi thông báo sa thải khoảng 12.000 nhân viên. Công ty mẹ Google tiếp tục cắt giảm lực lượng lao động trong năm nay.

Trong một bản ghi nhớ, Giám đốc tài chính Ruth Porat cho biết Alphabet đang tái cấu trúc tổ chức tài chính, đồng nghĩa quy mô có thể thu hẹp hơn nữa.

Sự bùng nổ AI buộc Google phải tập trung vào các khoản đầu tư mới. Prabhakar Raghavan tiết lộ Google đang chi cả núi tiền cho máy móc vì AI tạo sinh.

Các thách thức mới xuất hiện vào thời điểm Google đối mặt môi trường pháp lý “không giống với bất kỳ điều gì chúng tôi từng thấy trước đây”, Prabhakar Raghavan nói. Ông trích dẫn Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) và cho biết Google vẫn đang tìm hiểu nghĩa vụ của mình từ Ủy ban châu Âu. Prabhakar Raghavan kêu gọi nhân viên "hành động khẩn cấp dựa trên điều kiện thị trường".

Theo Prabhakar Raghavan, Google phải giải quyết những thách thức mang tính hệ thống của mình và xây dựng "sức mạnh mới". Ông khen ngợi các nhóm làm cho dự án AI Gemini vì tăng thời gian làm việc từ 100 giờ một tuần lên 120 giờ để điều chỉnh công cụ nhận dạng hình ảnh một cách kịp thời. Điều đó đã giúp nhóm khắc phục khoảng 80% các vấn đề chỉ trong 10 ngày.

Về các ý kiến chỉ trích bộ máy quan liêu trong Google làm chậm trễ việc tung ra sản phẩm, Prabhakar Raghavan cho biết ban lãnh đạo đang tích cực làm việc để loại bỏ các lớp không cần thiết ở hệ thống phân cấp.

"Chúng ta đã học được rất nhiều trong vài quý qua. Tôi không thể nói với các bạn rằng tất cả những lần vấp ngã đều đã ở phía sau. Điều quan trọng là cách chúng ta phản ứng và những gì chúng ta học được”, Giám đốc tìm kiếm Google cho hay.

Hôm 23.4, Aravind Srinivas, Giám đốc điều hành Perplexity AI, công bố họ đã huy động được khoảng 63 triệu USD trong vòng cấp vốn mới, nâng giá trị công ty lên hơn 1 tỉ USD, tăng gấp đôi so với 3 tháng trước.

Dẫn đầu vòng gọi vốn mới là nhà đầu tư công nghệ Daniel Gross, tỉ phú Stanley Druckenmiller, Garry Tan (Giám đốc điều hành vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator) và Dylan Field (Giám đốc điều hành hãng phần mềm thiết kế đồ họa Figma). Hai nhà đầu tư vào Perplexity trước đây là Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) và Nvidia (hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới) cũng góp thêm vốn.

Từng điều hành các dự án AI ở Apple và là đối tác của Y Combinator, Daniel Gross đánh giá cao chatbot AI của Perplexity về khả năng trích dẫn và khai thác thông tin chất lượng cao từ các nguồn có thẩm quyền.

Perplexity cung cấp công cụ tìm kiếm kiểu hội thoại dựa vào chatbot để tóm tắt kết quả tìm kiếm, liệt kê các trích dẫn cho câu trả lời và giúp người dùng tinh chỉnh các truy vấn để nhận được phản hồi tốt nhất.

Thay vì trả kết quả tìm kiếm bằng những liên kết màu xanh da trời theo kiểu của Google, Perplexity tạo ra câu trả lời dạng tường thuật nội dung với các trích dẫn có kèm theo liên kết chứa thông tin nguồn. Sau đó, người dùng có thể đặt các câu hỏi cụ thể hơn để tìm các thông tin chi tiết.

Bằng cách nhấn mạnh vào độ chính xác, Perplexity nhanh chóng tạo ra sự khác biệt cho chatbot của công ty trong một thị trường ngày càng đông đúc. Bộ máy tìm kiếm của Perplexity đã thu hút được những người nổi tiếng.

Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, cho biết sử dụng chatbot AI của Perplexity hầu như mỗi ngày. Trong năm 2024, tính đến cuối tháng 4, Perplexity đã xử lý gần 75 triệu truy vấn của người dùng ở Mỹ, lớn hơn con số trong cả năm 2023.

Perplexity đang cung cấp các phiên bản miễn phí và trả phí. Công ty ước tính doanh thu phí hàng năm từ người dùng khoảng 20 triệu USD.

Giống như nhiều công ty AI khác, Perplexity đang cố gắng tăng doanh thu bằng cách tập trung bán dịch vụ AI cho các doanh nghiệp. Công ty đã ra mắt Perplexity Enterprise Pro, phiên bản chatbot AI tìm kiếm mới dành cho doanh nghiệp, với mức phí 40 USD/tháng. Chatbot này được bổ sung các tính năng mới cùng biện pháp bảo mật dữ liệu mạnh mẽ hơn.

Bridgewater Associates, Zoom Video Communications và Cleveland Cavaliers là những doanh nghiệp đầu tiên sử dụng sản phẩm này.

Perplexity cũng đang tìm cách mở rộng nền tảng người dùng sang các khu vực khác bên ngoài Mỹ. Công ty đã ký kết quan hệ đối tác phân phối với hai hãng viễn thông lớn là SoftBank Corp (Nhật Bản) và Deutsche Telekom (Đức) để tiếp thị dịch vụ tìm kiếm tới tổng cộng hơn 300 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Với đội ngũ vỏn vẹn 55 người, Perplexity có quy mô nhỏ hơn và ít vốn hơn nhiều so với OpenAI. Tuy nhiên, mối quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư và người dùng với Perplexity cho thấy sự hào hứng với hàng loạt sản phẩm AI mới có thể định hình lại các dịch vụ internet cơ bản như tìm kiếm. Về phần mình, Google đang chạy đua nâng cấp các sản phẩm để tận dụng AI và cũng xem xét tính phí với các tính năng tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI.

Aravind Srinivas thừa nhận Perplexity đang cạnh tranh với “những con cá mập lớn” nhưng lợi thế của công ty là sự linh hoạt cũng như nỗ lực thiết kế công nghệ tìm kiếm ngay từ đầu để tập trung vào độ chính xác. Perplexity cập nhật dữ liệu thường xuyên cho chatbot tìm kiếm và khai thác dữ liệu từ một số mô hình AI hàng đầu như GPT-4 của OpenAI, Claude của Anthropic và Llama-3 của Meta Platforms để đưa ra phản hồi tốt nhất.

Bài liên quan
Bill Gates âm thầm giúp Microsoft dẫn đầu cuộc đua AI và thắt chặt quan hệ đối tác với OpenAI (phần 2)
Sau khi thiết lập quan hệ đối tác với Microsoft, các lãnh đạo OpenAI đã thường xuyên thuyết trình cho Bill Gates nghe tại biệt thự rộng khoảng 6.132m² của ông ở bang Washington (Mỹ), thông báo về các tiêu chuẩn quan trọng và những trở ngại đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
OpenAI sắp ra mắt công cụ tìm kiếm AI để cạnh tranh với Google và Perplexity