OpenAI đang trong các cuộc đàm phán để huy động một vòng tài trợ mới với mức định giá bằng hoặc trên 100 tỉ USD, Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người có kiến ​​thức về vấn đề này.
Thế giới số

OpenAI đàm phán để huy động vốn mới với mức định giá 100 tỉ USD

Sơn Vân 23/12/2023 11:31

OpenAI đang trong các cuộc đàm phán để huy động một vòng tài trợ mới với mức định giá bằng hoặc trên 100 tỉ USD, Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người có kiến ​​thức về vấn đề này.

Báo cáo cho biết các điều khoản, định giá, thời gian của vòng cấp vốn mới vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn có thể thay đổi.

Theo Bloomberg, OpenAI đã tổ chức các cuộc thảo luận để gây quỹ cho một liên doanh chip mới với tập đoàn công nghệ lớn G42 (có trụ sở tại Abu Dhabi, thủ đô UAE).

Chưa rõ liệu dự án chip và việc huy động vốn cho OpenAI có liên quan đến nhau hay không. Bloomberg đưa tin thêm rằng OpenAI đã thảo luận để huy động 8 - 10 tỉ USD từ G42.

OpenAI (có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ) dự kiến hoàn thành một phiên chào mua cổ phiếu riêng biệt do công ty đầu tư mạo hiểm Thrive Capital (Mỹ) dẫn đầu vào đầu tháng 1.2024, cho phép nhân viên bán cổ phiếu với mức định giá công ty là 86 tỉ USD.

Vào tháng 11.2022, OpenAI khởi đầu cho cơn sốt trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) bằng cách phát hành chatbot ChatGPT. Microsoft đã cam kết đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI và sở hữu 49% cổ phần của công ty này.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

Microsoft nói không có gì để chia sẻ khi được Reuters liên hệ. OpenAI không trả lời khi Reuters đề nghị bình luận.

ChatGPT, chatbot có thể tạo ra phản hồi giống con người dựa trên truy vấn của người dùng, đã giúp AI trở nên phổ biến và thúc đẩy mức định giá OpenAI tăng vọt. OpenAI trước đây từng thực hiện bán số cổ phiếu trị giá 300 triệu USD với mức định giá công ty lúc đó chỉ là 30 tỉ USD.

openai-dam-phan-de-huy-dong-von-moi-voi-muc-dinh-gia-100-ti-usd.jpg
OpenAI đang trong các cuộc đàm phán để huy động một vòng tài trợ mới với mức định giá bằng hoặc trên 100 tỉ USD - Ảnh: Internet

Hội đồng quản trị OpenAI cũ bất ngờ sa thải Altman vào ngày 17.11 mà không nêu rõ nguyên nhân cụ thể, điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các nhà đầu tư và nhân viên. 5 ngày sau, doanh nhân 38 tuổi đã được phục hồi chức vụ Giám đốc điều hành OpenAI và công ty giới thiệu một hội đồng quản trị mới.

Cuối tháng 11, Sam Altman cho biết Microsoft sẽ đảm nhận vị trí quan sát, không bỏ phiếu trong hội đồng quản trị của công ty.

Vị trí quan sát viên đồng nghĩa đại diện của Microsoft có thể tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị của OpenAI và truy cập thông tin bí mật, nhưng không có quyền biểu quyết về các vấn đề như bầu hoặc chọn giám đốc.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói rằng việc quản trị tại OpenAI cần phải thay đổi. Satya Nadella từng tuyển dụng Sam Altman làm lãnh đạo nhóm AI mới tại Microsoft sau khi doanh nhân này bất ngờ bị OpenAI sa thải hôm 17.11.

OpenAI đã công bố một hội đồng quản trị mới ban đầu gồm Chủ tịch Bret Taylor (cựu đồng Giám đốc điều hành Salesforce), Larry Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ), Adam D'Angelo (Giám đốc điều hành Quora từng biểu quyết sa thải Sam Altman).

Bret Taylor từng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương vụ mua Twitter trị giá 44 tỉ USD của Elon Musk. Larry Summers là học giả Đại học Harvard và trợ lý kinh tế lâu năm cho các Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ. Adam D'Angelo là thành viên duy nhất còn lại trong hội đồng quản trị OpenAI cũ từng sa thải Sam Altman.

Hội đồng OpenAI mới đang tích cực tìm kiếm 6 thành viên nữa có chuyên môn trong các lĩnh vực từ công nghệ đến an toàn và chính sách. Các nguồn tin nói với Reuters rằng những nhà đầu tư vào OpenAI khó có được một ghế trong hội đồng quản trị phi lợi nhuận.

Công việc đầu tiên của hội đồng quản trị OpenAI mới sẽ là tìm những giám đốc mới có thể thiết lập được sự cân bằng tốt hơn giữa các ưu tiên kinh doanh của OpenAI và nhu cầu bảo vệ công chúng khỏi các công cụ có khả năng tạo ra thông tin sai lệch, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hoặc tạo điều kiện cho tác nhân xấu gây ra bạo loạn dễ dàng hơn.

Hội đồng quản trị OpenAI mới sẽ phản ánh sự đa dạng hơn, theo Ashley Mayer, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Coalition Operators.

Các nhà đầu tư cũng sẽ mong đợi những thay đổi trong cách hội đồng quản trị OpenAI giao tiếp với bên liên quan. Những lãnh đạo Microsoft đã tỏ ra phẫn nộ sau khi chỉ được thông báo ngắn gọn về kế hoạch sa thải Sam Altman của hội đồng quản trị cũ, theo Bloomberg.

Khoảng thời gian trước khi bị sa thải rồi quay trở lại công ty, Sam Altman đã đi khắp thế giới để cố huy động hàng tỉ USD từ một số nhà đầu tư lớn nhất cho dự án kinh doanh chip mới có tên mã là Tigris, theo những người am hiểu vấn đề này.

Những người này cho biết ý tưởng của Sam Altman là thành lập một công ty chip tập trung vào AI có thể sản xuất chất bán dẫn để cạnh tranh với Nvidia, vốn đang thống trị thị trường chip AI.

Sam Altman cũng đang tìm cách huy động tiền để tạo ra một thiết bị phần cứng tập trung vào AI mà ông đang phát triển cùng Jony Ive, cựu Giám đốc thiết kế Apple.

Những dự án phụ đó sẽ là một vấn đề khác mà hội đồng quản trị OpenAI mới sẽ xem xét khi Sam Altman quay trở lại vai trò giám đốc điều hành.

“Sam có nhiều sở thích và sự đầu tư rộng lớn”, Satya Nadella nói.

Tại sự kiện Tech Live của tạp chí The Wall Street Journal hồi tháng 10, Sam Altman nói rằng sẽ "không bao giờ loại trừ" việc công ty này xây dựng chip AI của riêng mình khi phải vật lộn với tình trạng thiếu bộ xử lý quan trọng trên toàn cầu.

Sam Altman nói rằng dù OpenAI hiện không phát triển chip AI của riêng mình, nhưng để đạt được tham vọng cuối cùng là tạo ra AI tổng quát (AIG) thì công ty có thể buộc phải làm như vậy trong tương lai. AGI là một AI siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người.

Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu những gì sẽ cần thực hiện để mở rộng quy mô, cung cấp những gì chúng tôi nghĩ rằng thế giới sẽ yêu cầu và đảm bảo rằng nghiên cứu của công ty có thể hỗ trợ quy mô đó.

Điều này có thể không yêu cầu bất kỳ phần cứng tùy chỉnh nào và hiện chúng tôi có những đối tác đang làm công việc tuyệt vời. Vì vậy lựa chọn mặc định chắc chắn là không, nhưng tôi sẽ không bao giờ loại trừ nó (Open tự tạo chip AI riêng - PV)”.

OpenAI đang dựa vào Microsoft (nhà tài trợ lớn nhất của hãng) để có được sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết để chạy các mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

Kể từ năm 2020, OpenAI đã phát triển các công nghệ generative AI trên một siêu máy tính khổng lồ do Microsoft chế tạo, sử dụng 10.000 GPU của Nvidia.

Bài liên quan
Sam Altman tiết lộ điều tồi tệ hơn cả việc bị OpenAI sa thải
Việc từng mất vị trí giám đốc điều hành OpenAI trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng nặng nề đến Sam Altman, song đó không phải điều tồi tệ nhất từng xảy ra trong cuộc đời ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
OpenAI đàm phán để huy động vốn mới với mức định giá 100 tỉ USD