Ông Vũ Khoan cho rằng trong thời gian tới, cục diện là trật tự kinh tế cũ không mất hẳn nhưng trật tự mới cũng không thắng thế hoàn toàn. “Đó là một sự hỗn hợp, ai thắng ai thua chưa thể nói trước. Các nước, trong đó có Việt Nam, phải đón lấy một cục diện lẫn lộn”.
Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 5.12, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng trước mắt, khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ là không nhiều.
Nguyên nhân là các nền kinh tế lớn hiện nay chưa có dấu hiệu suy thoái, mặc dù có suy giảm. Bên cạnh đó, sau sự khủng hoảng năm 2008, thế giới đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tương tự, trong đó việc củng cố hệ thống tài chính - ngân hàng được chú trọng.
“Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030, việc có khủng hoảng hay không còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố. Chưa ai nói trước được tình hình, chỉ còn cầu trời là không xảy ra, nếu không kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng nặng nề”, nguyên Phó thủ tướng nói.
Nhận định về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng cuộc chiến này sẽ diễn biến theo đồ thị hình sin, có lúc lên, có lúc xuống, có lúc căng lên, có lúc dịu đi.
“Sau hội nghị G-20, chúng ta lần đầu tiên thấy khái niệm “hoãn binh kinh tế”. Chắc chắn trong những năm tới, thế giới chứng kiến hiện tượng này phổ biến hơn, lúc căng, lúc dịu. Nó không chỉ liên quan kinh tế thương mại, mà còn chính trị, an ninh, cuộc cạnh tranh một vị thế mới trên thế giới, không dễ gì thay đổi”, ông Khoan nói.
Ông Vũ Khoan cho rằng trong thời gian tới, cục diện là trật tự kinh tế cũ không mất hẳn nhưng trật tự mới cũng không thắng thế hoàn toàn. “Đó là một sự hỗn hợp, ai thắng ai thua chưa thể nói trước. Các nước, trong đó có Việt Nam, phải đón lấy một cục diện lẫn lộn”.
Nguyên Phó thủ tướng khẳng định, cách tiếp cận tốt nhất là 3 trong 1, tức là trong 1 cách đối phó có 3 việc để làm. Thứ nhất là giảm độ chấn thương của nền kinh tế. “Cho đến nay các văn kiện chính thức đã gợi ý gia tăng nội lực, trong khi vẫn là tích cực để tranh thủ nguồn lực của thế giới”.
Thứ 2 là tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu cho một thế giới tự do thương mại.
Biện pháp thứ 3 là phải thích nghi với thay đổi.
“Rõ ràng thế giới đang bước vào thời kỳ mới nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Mô hình phát triển của các quốc gia sẽ thay đổi sâu sắc. Mỗi cuộc cách mạng đi qua đều hình thành các phương hướng và mô hình phát triển mới, chắc chắn Việt Nam phải tiếp cận”, ông Vũ Khoan nói.
Nguyên Phó thủ tướng cũng cảnh báo: “Từ nay đến năm 2030, giai đoạn tuổi già bắt đầu, thế mạnh về lao động rẻ giảm đi rất nhiều, tài nguyên thiên nhiên bị hạn chế rất nhiều, chắc chắn phải chuyển sang mô hình mới dựa vào khoa học công nghệ. Đây là điều bắt buộc phải làm. Chúng ta phải chọn gien gì là gien trội để phát triển kinh tế”.
Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định mô hình phát triển của Việt Nam. Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực, trong thời điểm mới liên quan đến cả 3 tầng lớp: những người sáng tạo, những người vận hành, và rộng hơn là toàn xã hội.
“Lịch sử loài người chứng kiến sự lên xuống của các quốc gia, nước cũ yếu đi, nước mới ngoi lên. Dự báo sự va đập giữa các cường quốc mới nổi và các cường quốc yếu đi sẽ có thể dẫn tới chiến tranh. Nếu không, sự cạnh tranh cũng sẽ rất gay gắt. Sức nóng của cạnh tranh không kém gì trong Chiến tranh lạnh”, nguyên Phó thủ tướng chia sẻ.
Từ đó, ông Vũ Khoan cho rằng “điều này sẽ ảnh hưởng đến thế giới và Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc các nước Đông Nam Á phải chọn đứng về bên nào.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) ông Sudhir Shetty cho rằng Việt Nam phải hoàn hảo hơn, bằng sự liên tục cải cách, có năng lực cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
“Việt Nam cần giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn từ các tác động bên ngoài với nền kinh tế. Việt Nam luôn phải tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm cả các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa”, ông Sudhir Shetty nói.
Chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng kỹ năng cho người lao động, giúp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi về nghề nghiệp và công nghệ trên thế giới.
Lam Thanh