Sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16.7 giữa hai lãnh đạo Mỹ - Nga, một nhà phân tích tuyên bố Tổng thống Mỹ nay đã chính thức 'chôn' ý đồ lật đổ chính phủ Tổng thống Bassar Al-Assad của người tiền nhiệm Barack Obama.

Ông Trump từ bỏ ý đồ lật đổ Tổng thống Syria

Trần Trí | 17/07/2018, 17:42

Sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16.7 giữa hai lãnh đạo Mỹ - Nga, một nhà phân tích tuyên bố Tổng thống Mỹ nay đã chính thức 'chôn' ý đồ lật đổ chính phủ Tổng thống Bassar Al-Assad của người tiền nhiệm Barack Obama.

Trong cuộc gặp 2 giờ ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, hai vị Tổng thống Donald Trump - Vladimir Putin đã bàn nhiều vấn đề hàng đầu của thế giới, gồm cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài 7 năm.

Tại cuộc họp báo chung, ông Trump không tuyên bố bất kỳ liên minh quân sự nào với Nga, nhưng khẳng định hai lực lượng quân sự “biết nhau rõ và điều phối ở Syria cùng các nơi khác”.

Nhà nghiên cứu Kamal Alam ở tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) nói với Newsweek rằng tráingược với ý định ban đầu của Mỹ khi đưa quân đến Syria, ông Trump không muốn dính líu ở Syria, khi mà ông Assad đã gần như đánh thắng quân nổi dậy: “Kế hoạch thay đổi chế độ đã thật sự chết và đã được chôn. Không còn cơ hội”.

Hồi tháng 8.2011, Tổng thống Barack Obama tuyên bố với thế giới: “Đã đến lúc Tổng thống Assad phải ra đi”.

Vài tháng trước đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ Syria bùng nổ, xảy ra đánh nhau chết người giữa người phản đối với lực lượng an ninh.

Mỹ cáo buộc chế độ Damascus giết dân lành vô tội, sớm trang bị vũ khí, huấn luyện vài tài trợ cho quân nổi dậy vốn có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi và Qatar.

Nội chiến đẫm máu tăng cao khi quân nổi dậy chiếm được nhiều thành phố và máy bay Syria không kích các trung tâm đô thị, ông Obama công khai tính chuyện can thiệp quân sự, vì có cáo buộc Damascus dùng vũ khí hóa học giết dân ở vùng ngoại ô do quân nổi dậy kiểm soát.

Trước khi nắm quyền lực, ông Trump liên tục chỉ trích chính sách đối với Syria của vị tiền nhiệm. Một câu Twitter của ông từng viết hồi tháng 9.2013: “Một lần nữa kêu gọi lãnh đạo điên rồ của chúng ta, chớ tấn công Syria, nếu làm thế thì nhiều điều xấu sẽ xảy ratừ cuộc chiến này, Mỹ chẳng được gì!”

Vài giờ sau, ông Trump gọi phe đối lập Syria có Mỹ ủng hộ là “khủng bố”. Trước đó một ngày, ông so sánh phe đối lập với bọn không tặc Al-Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2011.

Sau đó vào năm 2015, liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu chuyển qua tập trung đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, không đánh quân đội Assad nữa.

Tháng 9.2015, từ đề nghị giúp đỡ của Tổng thống Assad, ông Putin ra lệnh đưa quân đến Syria can thiệp, vào lúc ông Trump tính chuyện làm tổng thống Mỹ và chủ trương hòa giải với Nga, sau khi mối quan hệ Obama - Putin xuống cấp mạnh từ vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Chính phủ Obama mãn nhiệm với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 giúp ông Trump thắng cử. Và chiến thắng bất ngờ của ông Trump đã kết thúc việc Mỹ ủng hộ quân nổi dậy vốn thua bọn IS và quân đội Syria có Nga - Iran yểm trợ. Nhưng không hề có chuyện lập liên minh Mỹ - Nga.

Khi ông Trump làm tổng thống, sự cáo buộc ông cấu kết với Nga càng tăng mạnh. Ông phải giữ khoảng cách với lãnh đạo Nga, đồng thời xác nhận ủng hộ mục tiêu chung là phục hồi trật tự ở Syria, nơi mà Mỹ hiện chủ yếu ủng hộ Lực lượng Syria dân chủ (SDF) gồm đa số dân Kurd.

Tháng 4.2017, các quan chức cấp cao của ông Trump chính thức tuyên bố kết thúc quan điểm “Assad phải ra đi” của ông Obama.

Nhưng một tuần sau, chủ nhân Nhà Trắng làm đúng cái điều đã khuyên ông Obama đừng làm: 3 ngày sau khi cáo buộc ông Assad tấn công hóa học ở tỉnh Idlib do quân nổi dậy kiểm soát, ông Trump ra lệnh phóng 59 quả tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk tấn công một căn cứ không quân ở thành phố Homs (miền trung Syria).

Vụ tấn công không gây nhiều thiệt hại, nhưng đó là cú gián tiếp thách thức Nga vốn phủ nhận rằng ông Assad không ra lệnh tấn công hóa học.

Qua tháng 4.2018, ông Trump lại đánh bom các cơ quan công quyền Syria, phản ứng với thông tin lại xảy ra tấn công hóa học, chỉ vài ngày sau khi ông Trump đề cập sớm rút quân Mỹ khỏi chiến trường.

Dù các cuộc không kích có cả Anh - Pháp tham gia, quân đội Syria vẫn tái chiếm nhiều khu vực ở miền trung và miền đông, giải phóng khu ngoại ô và tiến đến tái chiếm thành phố Deraa hồi tuần trước. Đó là điểm bùng nổ cuộc nổi dậy chống ông Assad.

Từ lâu Mỹ đã ngưng ủng hộ quân nổi dậy, nhưng đợt phản công mới nhất của quân đội Syria đã trở thành một vấn đề mới. Israel nhảy vào không kích quân Iran ở Syria và Mỹ - Nga đều lo ngại các thế lực ủng hộ Iran - chống Israel (như lực lượng vũ trang Hezbollah) sẽ càng mở rộng cuộc nội chiến hơn.

Mỹ, Nga, Israel, Jordan đã có các cuộc đàm phán, nhằm tránh cuộc nội chiến Syria trở thành một cuộc chiến tranh quốc tế. Khi quân Syria tái chiếm nhiều vùng, quân thân Iran giảm hoạt động (dù quân nổi dậy nói ngược lại) và Mỹ tuyên bố rõ sẽ không can thiệp giúp quân nổi dậy nữa.

Trong khi đó, Thỏa thuận Astana (do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và không được Mỹ ủng hộ hoàn toàn) tiếp tục là nỗ lực đàm phán hòa bình.

Chuyên gia Alam nói: “Nếu các ông Trump - Putin đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về Syria, họ sẽ không công khai. Điều họ cam kết là hợp tác giảm thiểu khủng hoảng nhân đạo trong một cuộc chiến đã đoạt mạng sống của hàng trăm ngàn người, và giúp hàng triệu người sơ tán trở về quê”.

Để góp phần, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ngưng cho người Syria đăng ký tỵ nạn, Israel và Jordan đều tuyên bố sẽ không đón nhận người Syria chạy giặc ở vùng biên giới phía nam Syria, và hàng ngàn người tị nạn ở Lebanon đang bắt đầu trở về, theo Reuters.

Ông Alam nói: “Mỹ - Nga sẽ cùng hợp tác về người tị nạn, vì đó là điều hai bên cùng quan tâm và không gây tranh cãi. Họ cũng biết Thổ Nhĩ Kỹ, Lebanon và Jordan không thể chịu đựng thêm nữa. Điều này trùng với Thổ Nhĩ Kỳ không đón nhận người tị nạn nữa. Trump và Putin đã xác nhận điều đã biết từ năm ngoái. Assad đã thuyết phục người Mỹ rằng ông được dân ủng hộ cùng với sự ủng hộ của Nga”.

Bích Ngọc (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump từ bỏ ý đồ lật đổ Tổng thống Syria