Bắc Kinh đã phải chật vật tìm cách chặn đà mất giá của đồng nhân dân tệ suốt vài tháng qua kể cả bằng cách rút một phần lớn từ quỹ dự trữ ngoại tệ. Giờ đây, đồng USD giảm giá khiến cho đồng nhân dân tệ tăng giá mà không cần bất cứ tác động nào.
Quan điểm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề tỷ giá tiền tệ trong thương mại có vẻ như có sự nhất quán nhất định từ giai đoạn tranh cử cho đến khi nhậm chức: bất cứ động thái nào nhằm thao túng tỷ giá tiền tệ đều là tiêu cực. Nó đặc biệt nghiêm trọng khi kẻ thao túng tiền tệ đó lại đang là những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu như Mỹ có động thái nào tác động đến tỷ giá đồng USD thì lại là điều có thể chấp nhận được, vì đối với ông Trump thìMỹ luôn là một ngoại lệ.
Trái với những tuyên bố và chỉ trích khá gay gắt trước đây về việc các nền kinh tế xuất khẩu trên thế giới chủ động hạ giá đồng nội tệ của mình nhằm thúc đẩy xuất khẩu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang cho thấy ông sẵn sàng làm điều tương tự nếu như nó có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Nhận định về bản báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về chính sách ngoại hối toàn cầu, ông Trump cho biết đồng USD đang quá mạnh so với thực tế. Đồng thời, vị Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẵn sàng ủng hộ và đề cử đương kim Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện nay là bà Janet Yellen tiếp tục giữ cương vị này sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 2.2018: “Tôi quý bà ấy, tôi tôn trọng bà ấy. Từ rất lâu rồi. Phải thành thật là tôi thích một chính sách lãi suất thấp cho đồng USD”.
Đây được xem như một bước ngoặt 180 độ trong chính sách điều hành tiền tệ và tài chính của Tổng thống Donald Trump so với trước đây. Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích và đòi cách chức bà Yellen khi cho rằng Fed đã quá chậm trễ trong việc tăng lãi suất khi nền kinh tế Mỹ đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng gần 10 năm trước, đồng thời cho biết ông thích một đồng USD mạnh vì đó là biểu hiện của một nền kinh tế khỏe khoắn. Nhưng giờ đây, tất cả đã đảo ngược hoàn toàn: không những ủng hộ bà Janet Yellen tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Fedthêm một nhiệm kỳ nữa, mà ông Trump cũng ủng hộ luôn chính sách ưu tiên duy trì đồng USD lãi suất thấp nếu như nền kinh tế chưa thực sự hồi phục một cách ổn định của bà Yellen.
Sean Callow, chuyên gia tiền tệ của Tập đoàn Ngân hàng Westpac, cho biết: “Chúng ta chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay số lần mà Tổng thống Obama hay Bush nói về tỷ giá đồng USD trong suốt 2 nhiệm kỳ, nhưng Trump là một ngoại lệ. Rõ ràng là ông ấy không coi việc tác động đến lãi suất là một hành vi thao túng tỷ giá”. Trong khi đó, Axel Merk, Chủ tịch Quỹ đầu tư Merk Investment LLC tại San Francisco, nói: “Rõ ràng là ông ấy đang mạo hiểm với sự tín nhiệm của mình khi đưa ra tuyên bố trái ngược với những gì đã nói trước đây về vấn đề tỷ giá, nhưng Trump dường như không mấy quan tâm đến điều đó. Sẽ là một điều khá tuyệt nếu như bạn có thể tác động đến tỷ giá tiền tệ như ý muốn chỉ bằng một lời tuyên bố miệng. Và rõ ràng là Trump có thể làm được”.
Theo các nhà bình luận, đây có thể là một động thái đem lại nhiều hiệu quả tích cực cùng lúc của Tổng thống Donald Trump. Trước hết, việc cho biết sẵn sàng đề cử bà Janet Yellen tiếp tục giữ chức Chủ tịch Fedthêm một nhiệm kỳ nữa cho thấy ông Trump sẵn sàng nhượng bộ những bất đồng để duy trì một chính sách tiền tệ có lợi cho tăng trưởng kinh tế về lâu dài. Ngoài ra, việc tuyên bố đồng USD đang quá mạnh và muốn một chính sách lãi suất thấp cũng đem lại nhiều tác động khá tích cực khác: giảm nhẹ căng thẳng về vấn đề tỷ giá với các đối tác thương mại chính trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản. Ngay sau tuyên bố muốn giảm giá đồng USD vào ngày 12.4, đồng USD đã giảm giá nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới vào ngày13.4. Đồng nhân dân tệ ngay lập tức tăng giá 0,2% so với đồng USD, điều tương tự cũng diễn ra với đồng won của Hàn Quốc và yen của Nhật Bản.
Với Trung Quốc, đó là một món quà thực sự.Bắc Kinh đã phải chật vật tìm cách chặn đà mất giá của đồng nhân dân tệ suốt vài tháng qua kể cả bằng cách rút một phần lớn từ quỹ dự trữ ngoại tệ. Giờ đây, đồng USD giảm giá khiến cho đồng nhân dân tệ tăng giá mà không cần bất cứ tác động nào. Ngoài ra tuyên bố của ông Trump về ý muốn một chính sách lãi suất thấp cho đồng USD cũng khiến cho sức ép của Mỹ về những cáo buộc Bắc Kinh thao túng tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu suốt thời gian qua cũng giảm đi đáng kể. Nathan Chow, nhà kinh tế tại Ngân hàng DBS ở Hồng Kông, cho biết: “Trump đang gửi cho Trung Quốc một món quà nhỏ để đáp lễ sau chuyến thăm Mỹ của Tập vào tuần trước. Dù không quá lớn nhưng là một món quà cần thiết, vì Trung Quốc vẫn đang gặp một số rắc rối về điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ của mình”.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ ngừng việc lên danh sách các quốc gia bị xếp vào diện thao túng tỷ giá như một hành vi gian lận thương mại. Theo dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ công bố bản báo cáo đầu tiên về vấn đề tỷ giá tiền tệ quốc tế trong tháng này. Đó sẽ là cơ sở để Chính phủ Mỹ đề xuất các biện pháp đàm phán hoặc trừng phạt thương mại các quốc gia khác lên Quốc hội. Nếu được thông qua, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét mỗi năm 2 lần về việc các đối tác thương mại lớn của nước này có đang thao túng tỷ giá hay không. Trong bản dự thảo cuối được công bố vào tháng 10.2016, danh sách này gồm 6 nước trong đó có Trung Quốc.
Đây có thể là một tin tức xấu đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, khi hầu hết đều đang duy trì chính sách can thiệp vào tỷ giá đồng nội tệ ở một mức độ nhất định thông qua quỹ dự trữ ngoại tệ, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho đến Malaysia và Indonesia. Ngoài việc có thể phải nhận các biện pháp trừng phạt thương mại từ phía Mỹ, thì việc đồng USD hạ giá cũng khiến cán cân thương mại giữa các nước này với Mỹ bị đảo lộn khi hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ rẻ hơn. Rõ ràng, Donald Trump đang ngày càng thể hiện là một tổng thống thực dụng, thậm chí không ngại tổn hại đến tín nhiệm của mình miễn là đem lại lợi ích cho kinh tế Mỹ.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)